PHẦN I
Với làng Hạ, một làng nhỏ bé và heo hút ở vùng thôn dã này, thì hẳn đó là sự kiện lịch sử. Làng đang chuẩn bị đón người anh hùng đầu tiên của mình sau chiến tranh. Cả làng xôn xao đã mấy ngày rồi. Người lớn ngỡ ngàng thăm hỏi, trẻ con phấp phỏng muốn biết anh bộ đội của làng mặt mũi ra sao mà những trận đánh được người ta kể ly kỳ đến vậy. Những câu chuyện không đầu không cuối, không biết bọn trẻ lỏm được ở đâu, cứ thế như một đám cháy âm ỉ lan ra khắp đường thôn, ngõ xóm. Câu chuyện có vẻ càng hấp dẫn vì nhiều năm nay, người ta đồn rằng anh đã hy sinh trong một trận đánh đâu đó ven đô Sài Gòn.
Trụ sở ủy ban xã nhộn nhịp ngay từ chiều hôm qua. Người ta căng phông, chăng khẩu hiệu, cắm cờ đỏ cờ xanh rợp lên. Lễ đài được dựng một cái bục gỗ khá cao, ý chừng sẽ là nơi người anh hùng kia được mời lên phát biểu và tôn vinh. Tỉnh giao cho huyện, huyện giao cho xã, xã phải đón tiếp người anh hùng cho thật đúng tầm, cho thật ý nghĩa. Và là tự hào, hẳn rồi, vừa sự lạ, vừa trọng trách được giao, thành thử cứ cuống cả lên mà không biết phải làm thế nào cho phải nhẽ. Chủ tịch xã Lê Xiêm nhấp nhổm ngồi viết bài diễn văn, cặp kính viễn lúc thì hếch lên, khi lại ngó sang mấy cậu văn hóa xã và mấy chuyên gia lễ tân, trang trí phố huyện tăng cường xem họ làm có thuận mắt không. Ngày mai quan khách tỉnh, huyện đổ về, phông màn luộm thuộm, khẩu hiệu khẩu hò xộc xệch chả hóa bôi nhọ cái mỹ quan xã?
Giữa không khí có vẻ long trọng ấy của làng Hạ, người bất ngờ và xúc động nhất là bà Thuận. Những ngày trước, lúc bà Thuận đang lụi hụi thổi cơm chiều, chợt có tiếng dép lệt xệt ngoài sân, ngó ra, bà thấy hình như là ông chủ tịch xã. Lạ nhỉ, bao năm làm chủ tịch, có bao giờ ông ấy đến nhà bà? Chẳng riêng ông, nhiều vị cán bộ chủ chốt, cán bộ đoàn thể dường như chẳng ai biết đến một bà Thuận gầy gò đang tồn tại trong túp lều ọp ẹp từ lâu lắm. Ông chủ tịch Xiêm thật rồi. Bà mơ hồ về một điều hệ trọng gì đó liên quan đến bà. Bà vội thắt lại chiếc khăn gụ cũ kỹ cho gọn hơn trên mái đầu chớm bạc, lòng hồi hộp.
-
Bà Thuận có nhà không? Như là đang thổi cơm hả? Tiếng ông chủ tịch vừa tới hiên nhà.
-
Dạ, mời ông quá bộ…
-
Chà, cái nhà của bà nghe chừng cũng ọp ẹp rồi nhỉ. Sao không xin mua ít gạch của hợp tác mà tu sửa?
-
Đề nghị mãi rồi ông ạ. Đi mòn cổng nhà người ta mà chỉ được nghe một câu “chờ”! Sống một mình, lại không tiền không bạc, thôi thì tạm bợ cho qua ngày.
-
Bà tố khổ ghê quá. Chủ tịch Xiêm ngượng. Ông nhớ hình như bà có vài lần lên nhờ xã giúp đỡ, với lý do gia đình bộ đội neo đơn. Ông cũng nhớ căn nhà này đã bị bão thổi tốc mái một vài lần. Ông vội lảng sang chuyện khác. Bà Thuận này, bà có tin vui đấy.
-
Thật hả ông chủ tịch?
-
Thật chứ chả bỡn. Tôi đến là mang tin vui cho bà đây. Thằng Minh nhà bà sắp về!
-
Giời phật! Ông nói… thằng Minh nhà tôi… về? Bà Thuận nhìn chằm chằm vào ông chủ tịch xã như muốn hỏi, có phải ông vừa báo cái tin kia không, có phải ông ấy vừa nói đó không nhỉ?
-
Phải, chúng tôi đang chuẩn bị đón cậu ấy đây. Cậu ấy không những về, mà về với danh hiệu Anh hùng quân đội. Vinh dự cho bà, vinh dự cho cả làng ta. Chúng tôi sẽ đón tiếp cậu ấy thật chu đáo, thật long trọng cho đúng tầm cỡ. Giấy trên báo về đây. Ông mở cặp, xoè cái giấy báo ra trước mặt. Bà thật phấn khởi nhá!
Bà Thuận luýnh quýnh hỏi đi hỏi lại nhiều lần mà chưa dám tin là thật. Bà pha trà nhưng lại quên bỏ trà vào ấm. Bà rót nước tràn chén mà vẫn cứ rót. Cái thằng con bằng xương bằng thịt của bà sẽ trở về? Cái tin bất ngờ quá, sung sướng quá! Nó như một giấc mơ. Một cơn mưa trong mơ tưới lên cõi lòng khô cằn của bà. Trên gương mặt xương xương khắc khổ hai ngấn nước ứa ra, dù bà cố kiềm chế trước chủ tịch xã Lê Xiêm. Chủ tịch Xiêm quay mặt đi. Còn ai khác ngoài ông hiểu rõ gia cảnh bà Thuận. Chính ông là người cùng thời, không những thế, ông còn là người từng mang lòng trắc ẩn mến thương cô Thuận xa xưa.
Sau buổi gặp gỡ ấy, căn nhà lá ba gian kẽo kẹt tiếng mọt khoét của bà Thuận cứ tấp nập láng giềng. Phụ nữ nhai trầu, chuyện trò râm rỉ. Các lão nông kéo thuốc lào sòng sọc, nói cười choang choang. Những lời khen về mẹ con bà Thuận dường như ém kỹ lâu ngày, giờ mới được xổ ra, không kiệm lời. Lạ lẫm hơn, người ta bỗng thấy những xe công nông của hợp tác xã chở về sân bà Thuận ùn ùn nào vôi, cát, tre, ngói… chiều nào Chủ tịch Xiêm cũng từ trụ sở đảo qua, giục đám thợ “khẩn trương, khẩn trương… sửa nhà không kịp thì liệu đấy!”. Có người hàng xóm đứng bên kia bờ ao nói với sang: “Chao ôi, ông Chủ tịch lo cho dân chu đáo quá”. Cứ thế, làng Hạ náo nức hẳn lên.
Suốt đêm bà Thuận ngồi đó trong căn nhà còn nồng mùi vôi, mùi tre ngâm khăn khẳn. Nén hương trên bàn thờ héo dần trong chấm sáng mỏng manh hư ảo. Bà ngồi xếp chân trên chiếc giường tre cũ kỹ lên nước bóng loáng, như nó vẫn bóng nhẵn tự cổ xưa và không còn khả năng bóng hơn nữa. Bà ngồi trò chuyện với đứa con trai của mình và người cha của nó. Tiếng bà lúc to, lúc rủ rỉ, có lúc bà cười khanh khách. Gần sáng, có một người hàng xóm sang xin lửa ngó vào, thấy chỉ mình bà ngồi khấn lầm rầm trên giường, mới rờn rợn mà lui ra. Lúc đầu thì lui, sau thì chạy. Người ta thường kể bà đã ngồi như thế hồi nghe tin thằng Minh hy sinh trong chiến trường miền Nam. Người ta còn tưởng bà bị tâm thần, hay bị ma ám. Về sau, hàng xóm hỏi bà ngồi một mình trò chuyện gì, bà bảo bố thằng Minh vẫn thường về trò chuyện với bà. Cũng như đêm nay, trong căn nhà vừa được xã sửa sang cho, tiềm thức bà lại phiêu diêu về một chốn xa xăm nào đó. Cái thời xa xăm, đã mấy mươi năm ấy, sao cứ mồn một như vừa hôm qua thôi. Nó như một hồi chuông ngân lên mà tiếng ngân còn văng vẳng, thảng thốt…
Bấy giờ bà còn là cô Thuận chớm tuổi hai mươi. Cô Thuận sớm mồ côi cha, suốt ngày lặn lội với mấy thửa ruộng đồng chiêm trũng. Mẹ cô Thuận chưa già lắm, nhưng mắc chứng tê thấp. Những ngày đổi trời, bệnh tê thấp lại nhức buốt. Cô Thuận gầy phần vì làm ăn cực nhọc, phần vì lo chăm mẹ. Tuổi con gái rồi mà không phổng phao được mấy chút. Chân lúc nào cũng lấm bùn, tóc lúc nào cũng vương rơm cỏ. Bấy giờ làng Hạ nằm sát vùng tề, lụt giữa bốn bề đồn bốt Tây. Dường như ngày nào Tây đen, Tây trắng cũng càn sang. Những căn nhà cổ của làng hầu như không còn nữa. Chúng đốt rồi lại đốt. Hết đốt đến ném bom, câu mọc - chi-ê. Làng như một cái túi đựng tất cả nỗi hậm hực, cay cú của giặc Pháp, vì ở đó người ta rào làng kháng chiến. Một cái làng bé như cái nia, vài cây mút-cơ-tông, mấy thanh mã tấu, lại cứ huơ lên trước mắt chúng, thì sao chúng chịu nổi?
Đến lúc những lũy tre cuối cùng không còn nữa thì làng trở thành vành đai trắng. Những đội du kích phải lùi xa, khi ấy, người cán bộ kháng chiến lại phải lần về gây dựng cơ sở, nắm tình hình địch, chuẩn bị lực lượng công đồn.
Dưới bụi tre cụt ngọn nhà cô Thuận, một cái hầm bí mật được khoét thông ra bờ ao bèo. Đó là căn hầm kháng chiến đầu tiên ở làng Hạ. Cái đêm ngâm mình dưới nước đổ từng chậu đất sao Thuận vui và hồi hộp thế. Bầu trời đầy sao. Tiếng côn trùng rỉ rả. Đôi khi nhịp tim của cô thắt lại. Thuận lo cho mình thì ít, cái người trai đang nằm rạp trong vòm đen ẩm ướt để moi từng chậu đất kia mới làm cô lo đến ngẹt thở. Biết đâu, trong khoảnh khắc bất chợt, một ánh đèn pin của giặc phục kích loé lên… nhưng rồi Thuận cũng bình tĩnh lại. Có cái gì đó làm cô bình tĩnh lại nhỉ? Mắt anh ấy? Ừ, ánh mắt sao tự tin thế. Cả giọng nói nữa, cái giọng nói trầm ấm nghe bình tĩnh thật ấy chứ.
-
Thuận ơi, nghỉ đi, khuya rồi. Mai Thuận còn làm đồng chứ. Anh bò từ vòm đen ra, nói khẽ.
-
Cố đi anh, càng chậm càng không
tốt đâu.
-
Một mình anh làm được mà. Mấy hôm nay trông Thuận hốc hác quá.
-
Em chịu quen rồi, chỉ sợ anh… - Thuận ngắc ngứ. Trong bóng đêm làm sao anh ấy biết mình hốc hác? Cô cảm giác anh đang nhìn cô ghê lắm. Những hôm còn nuôi giấu anh ngoài cánh đồng hoang, mỗi lần gặp, anh vẫn nhìn cô thăm thẳm như thế. Bằng linh cảm của người con gái, Thuận ngờ ngợ đoán trong cái nhìn và giọng nói âu lo, dịu dàng kia chứa đựng một tâm trạng khác thường. Nhưng cô vội vàng gạt bỏ ý nghĩ bồng bột chợt hiện và ngượng ngùng với chính mình. Không phải thế… mình gầy gò, nhếch nhác thế này, ma nào nhìn. Anh ấy cảm thông như cảm thông một nỗi khổ, vậy thôi.
Thuận không biết mình xinh. Có một mảnh gương nào đâu mà biết xinh. Vả lại, hoàn cảnh Thuận như thế, có lúc nào nhàn rỗi để làm duyên. Khoảng đời thơ ấu của một người lam lũ luôn mờ mịt, thành thử đến lúc đã là một cô gái dậy thì rồi mà Thuận không kịp biết. Thi thoảng có lúc đứng bên vại nước mưa đầu hồi, cô thấy gương mặt mình mờ mờ trong màu nước nâu thẫm của mái rạ, làm sao có thể nhận rõ nhan sắc. May sao trên khuôn hình ấy lại là một gương mặt thanh thoát, rất duyên. Một đôi mắt lanh lợi và chịu đựng, đến nỗi có một anh trai làng đem lòng yêu mến, đeo đuổi mãi. Người trai ấy là Xiêm.
Lúc Thuận vừa lớn Xiêm cũng vừa thôi học. Lẽ ra Xiêm có thể học cao nữa, nhưng anh chỉ dừng lại ở cái bằng tiểu học trường huyện và chương trình Tam tự kinh của một ông đồ làng. Gia đình Xiêm không giầu nhưng cũng không quá khó khăn trong việc cho cậu con trai cưng ăn học để thoát ly lam lũ đồng áng. Kháng chiến bùng nổ, anh trai làng có dáng dấp nửa thầy đồ, nửa nông dân ấy không theo đoàn người tản cư, cũng không vào du kích mà mải theo những đoàn buôn chè, buôn muối, buôn vải, luồn lách từ vùng tự do sang vùng tạm chiếm. Và vì vậy, Xiêm bắt đầu thấy phải có một nơi chốn để cái bị cói tiền toòng teng lúc nào cũng phồng lên của mình được gìn giữ… Trong rất nhiều cô gái mà anh gặp, không biết từ lúc nào bóng hình Thuận cứ chờn vờn hiện lên. Sau những chuyến buôn, Xiêm thường tìm cách để được gặp Thuận. Một vuông vải khăn, một lọ dầu xoa, một hộp thuốc bổ cho mẹ Thuận… mà Thuận cứ xa vời. Dù Thuận cười, Thuận nói, Thuận chào Xiêm từ tốn, nhưng sao cái cô Thuận gầy gò mà mê hoặc kia vẫn cứ chập chờn như ánh sáng một ngọn đèn mờ tỏ trong màn sương lúc chập choạng đêm.
Xiêm không sao hiểu một cô gái nghèo và cực nhọc như Thuận còn ước muốn gì hơn?
Một lần, mẹ Thuận gọi cô lại gần:
-
Con ơi, mẹ thấy thằng Xiêm được đấy. Con cái nhà người ta được học hành hơn khối người làng. Nó lại có tiền. Mặt mũi nó trông cũng sáng.
-
Nhưng mà… mẹ ạ, con thấy anh ấy thế nào ấy, khó gần.
-
Nó đến luôn mà mày bảo khó gần là thế nào? Con gái đến thì rồi con ạ, người ta tự đến chứ mình có “đũa mốc mà chòi mâm son” đâu.
Thuận im lặng. Giọng mẹ tủi tủi. Nghe mẹ, cuộc đời Thuận rồi ra sao nhỉ, nó có tốt như mẹ mong muốn không? Đầu óc cô như một mớ cỏ rối, càng nghĩ càng rối hơn. Suốt một chiều căng thẳng. Chờ tới đêm, khi đã thả gói cơm xuống hầm cho anh ấy rồi, Thuận không vội đậy nắp hầm như mọi khi, cô nhảy xuống, hai bờ vai cứ thế mà rung lên.
- Ô kìa! Sao thế? Sao Thuận khóc?
Thuận giấu mặt vào hai bàn tay. Còn anh, anh luống cuống xoay trong không gian chật chội của căn hầm.
Trên làng vừa có một trận càn mới, một mất mát? Chắc anh đang lo âu như thế. Thuận không muốn nỗi lo của anh kéo dài, cũng không muốn mình héo hon hơn nữa, cô kể lại, kể tất cả những gì mà Xiêm muốn, những gì mẹ cô hy vọng. Bất chợt, anh dang hai cánh tay, vòng qua vai Thuận. Người cô run bần bật, nổi gai cả lên.
-
Anh…!
-
Thuận! Thuận có sợ… nghe anh nói không?
-
Sợ… gì cơ?
-
Anh muốn… có Thuận đấy. Thật đấy mà… thật mà lỵ. Đừng nhận nhơiø người ta nhé.
Lần đầu tiên trong đời cô nghe thấy cái tiếng nói vụng về mà kỳ lạ. Cô run lên trong sung sướng, trong thấp thỏm, trong cái linh cảm bấy lâu vừa có lời giải đáp…
(Còn nữa)
Truyện ngắn của Trần Quang Quý