Vì thế, anh đã có tập thơ “Bóng chim trời” (Hội VHNT Hà Tây, 2001) và nay, Tiếng họa mi và sự trong trắng (Hội VHNT Hà Tây, 2006). Tập thơ này có lấy lại ở tập trước nhiều bài, song đã thêm nhiều bài mới.

Tập thơ chia thành hai phần, cũng là hai giai đoạn trong cuộc đời lính chiến của anh. Phần I: Dốc mưa ký gồm nhiều bài thơ sáng tác trên đường hành quân và trong chiến trận. Phần II: Giọt hận đường đày, viết trong 7 năm bị

Mỹ - ngụy giam cầm trong nhà tù Phú Quốc.

Nếu phần I là bài ca có lửa và rất nhiều hoa tươi thì ở phần II chỉ có lửa nung xiềng xích, lửa hun địa ngục, lửa luyện người thành thép.

Chiến bại, bài mở đầu của phần II cũng là hoàn cảnh bị bắt và nỗi đau nhục giày vò người lính: “Trúng đạn! Ổ khóa nòng vỡ toác/ Súng gục gãy đôi/ Tay tôi gân đứt, tim giật buốt thót/ Máu tràn chảy xuống mắt, xuống mặt, ướt đỏ vách hào/…/ Trận địa mất rồi/ Nhục nhã rã rời/ Bẽ bàng tôi nằm gối rễ bụi mưa phủ mắt”. Nhiều nhà thơ chiến sĩ đã viết về xà lim, Đỗ Hữu Thiêm cũng có xà lim của mình: “Mắt thần chết chờn vờn/ Ngọn điện đỏ lừ man rợ/ Không gian là chiếc hòm hóc khóa/ Thời gian như đã cài then/ Xà lim/ Nơi mộ chôn nhiều người đang sống/… Có chết cũng không nhắm mắt”.

Ta gặp lại những bức tranh nhà tù, một nhà tù khó nơi nào so sánh được về sự tàn ác đến man rợ. Một người mẹ có con nhỏ đang bú, bị tra tấn: “Mẹ cháu đau quằn quại nghiến răng/ Bị quay điện lõa lồ nằm trên đất/ Cháu khốn nạn khóc thét gào khủng khiếp…/ Tiếng khóc xé lòng rỉa rói lương tri – cháu đòi vú mẹ/ Máu người tù không hóa thành được sữa/ Cháu cấu cào đói run rẩy xót xa” (Tiếng khóc bơ vơ). Nhưng sự tàn bạo của kẻ thù không khuất phục được người tù: “Giặc khảo anh kìm điện với dùi nung/ Anh kiệt sức vật nằm trên sàn lạnh/ Chỉ bất khuất lòng trung và cừu hận/ Ánh mắt anh ánh thép lưỡi gươm thần” (Dáng anh). Kẻ thù giết anh Gương, hòng uy hiếp tinh thần của anh em tù nhân nhưng chính chúng lại run sợ trước cái chết của anh (Xe tang người tù).

Đến đây bạn đọc có thể nghĩ Giọt hận đường đày thiên về miêu tả khách quan, thiên về hướng ngoại, vậy chủ thể trữ tình được biểu hiện như thế nào? Không, Giọt hận đường đày không chỉ là hình ảnh khác quan mà ngay cả trong những bức tranh hiện thực mà tác giả vẽ nên, ta vẫn thấy trái tim người tù đang đập trong căm hờn, uất hận và bất khuất. Trong bài Dáng anh đã dẫn ở trên, tác giả viết tiếp: “Máu của hận của thù! Máu là lẽ sống/ Anh gửi người sau hay trăng trối riêng tôi…”. Trong bài Bất lực, trước cháu Nguyễn Văn Ôn, 13 tuổi bị kẻ thù tra tấn đến phải nằm thoi thóp trên vũng máu, tác giả đau đớn tự giày vò mình: “Ơi! Chim non! Chim non/ Trong máu, cháu nằm thoi thóp/ Tôi đã thành phỗng đất/ Bất lực một người cha”.

Bản thân tác giả cũng là người trong cuộc, trong cảnh, phải chịu đựng đớn đau về thân xác và không phải chỉ chiến đấu với kẻ thù mà phải chiến đấu với chính mình, để tự xác định phương hướng, phương châm sống: “Trúng đạn sã cánh/ Tôi là con chim què/ Gục nằm trong máu me/ Vai nặng đến ngàn cân, đầu choáng/ Lẩy bẩy loạng choạng/ Ngóc dậy bấm bước tôi đi/ Mặt trận như hôn mê/ Trăng rộp phồng đỏ úa/ Chòm Bắc đẩu không còn nhìn thấy nữa/ Tôi đi chập chững vô phương/ Tôi đi bước lệch bước cong/ Đau đớn chói ngầm rão mệt” nhưng: ”Tôi vẫn là tôi không phải bóng ma/ Chút máu lạnh trong tim hồi sinh bốc cháy/ Đối mặt với dập vùi cạm bẫy/ Ngóc dậy bấm bước tôi đi” (Tôi đi). Giặc giam vào chuồng cọp chật hẹp, mưa lạnh xối vào, tưởng không còn cái khổ nào hơn: “Lạnh thấm dần vào xương, vào cốt! Lạnh ngấm sâu nhức buốt ruột, buốt gan/ Mưa cứ ào ào như người ném đá dăm/ Gió vẫn quất vào như đẽo thịt…/ Ngồi không được thẳng làm sao đứng/ Ngửa mặt đau rồi cúi mỏi lưng/ Thép gai vít đầu, thép gai căng tứ phía/ Nằm thì cát chảy lấp lỗ tai/… Không! Đời vẫn còn quả tim thức nóng/ Đập thâu đêm dẫn máu đến tế bào” (Đêm mưa chuồng cọp). Khắc nghiệt kham khổ… không làm tâm hồn người tù khô cằn đi, ngược lại tâm hồn họ càng rung lên những tình cảm nhân bản, thương người, thương mình, nhà thơ chiến sĩ nhìn cánh chim trời bay trên trời tự do mà lòng cũng bay theo cánh chim, thế rồi lại bất giác buồn vì thấy chim chưa về tổ (Bóng chim trời – Thương một bóng chim trời). Người tù cũng buồn khi mùa đông về và hi vọng ở mùa xuân (Gửi lời mùa đông).

Ngày đau thương nhất – ngày Bác Hồ mất, những người tù trên đảo là những người khóc nhiều nhất, mặc dù họ là những người đã được tôi luyện đến “rắn lòng như đá lửa” (Mai-a-cốp-xki). Nhưng đau thương này làm cho họ thêm sức mạnh và sức mạnh đó làm cho kẻ thù kinh sợ: “Chúng tôi tay nắm chặt tay xích lại nhau hơn/ Se sắt nỗi niềm người trong ngục/ Chúng tôi nghĩ về người cha dân tộc…/ Ngoài kia sở chỉ huy ngục giam/ Trên nóc hầm ngầm lô cốt/ Lay bay ngọn cờ đen ủ dột/ Quỷ sứ bỗng chốc kinh hoàng/ Quỷ sứ bỗng chốc nghiêm trang/ Kính cẩn nghiêng mình trố mắt” (Cụ Thám và người tù với nỗi buồn trên đảo).

Tập thơ khép lại bằng vài bài thơ hậu chiến. Khúc ca về cánh sen là khúc tưởng niệm các liệt sĩ, viết theo bút pháp tượng trưng. Không gõ cửa nhà em là bài thơ đẹp, cảm động và tinh tế về tình cảnh mình còn bạn mất, thư còn người mất… Tập thơ không kết thúc bằng khải hoàn ca, càng làm cho ta thấm thía cái giá của khải hoàn. Cách kết thúc đó phù hợp với tập thơ nói về số phận người lính..

Đặng Hiển