Những trang Hồi ký - Tâm tư chiến sỹ.
(Kính tặng: Các anh hùng liệt sĩ nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7)
Biết tôi là dân viết nên bạn tôi, Đại tá Phạm Quang Hiệp - Phó ban Tuyên giáo Hội CCB T.P Hà Nội đưa cho xem tập hồi ký của liệt sĩ Trần Huy Hiệp, quê ở xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Anh muốn tôi có tư liệu để viết một bài tri ân các liệt sĩ, nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2021).
Để có được những trang hồi ký này, em gái liệt sĩ Trần Huy Hiệp là Trần Thị Thu Hương - nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử Đảng và gia đình đã kiên trì đi tìm hiểu, chắp nối, tra cứu, sàng lọc thông tin, tìm được người chỉ huy đơn vị chiến đấu của anh trai mình. Năm 2019, gia đình mới tìm gặp được CCB Nguyễn Xuân Hướng, từng là Chính trị viên, Đại đội phó Đại đội 4, Tiểu đoàn 7, Đặc công, Trung đoàn 20 (năm 1972), hiện ở xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình và được ông trao cho tập “Hồi ký - tâm tư chiến sỹ” viết trước khi ra trận, trong đó có những trang viết của liệt sĩ Trần Huy Hiệp.
Đây không phải là hồi ký đúng nghĩa, mà chỉ là những trang viết tản mạn, nghĩ gì viết nấy, gồm những bài chép từ văn kiện tư liệu, những bài thơ anh chép hoặc tự sáng tác. Để tiện cho bài viết, đồng thời giữ được nguyên ý của tác giả (tờ bìa có ghi: Hồi ký - tâm tư chiến sỹ) nên tôi vẫn gọi đây là tập hồi ký.
Những trang hồi ký thể hiện nỗi niềm của người lính ngoài mặt trận khi nhớ về ba má ở quê nhà, nói lên tình nghĩa của anh với những đồng đội đã hy sinh. Nhờ tình yêu quê hương đất nước, lòng biết ơn đối với ba má, nghĩa tình với đổng chí, đồng đội mà anh đã viết nên những câu văn, dòng thơ đầy xúc động. Có được những trang viết hấp dẫn là bởi vì anh viết bằng cả tấm lòng, viết bằng con tim thôi thúc.
“Hồi ký - tâm tư chiến sỹ” - hành trang ít ỏi của Trần Huy Hiệp còn để lại, tuy nhạt nhòe vì gió mưa đất bụi chiến trường, nhưng có giá trị tinh thần vô cùng to lớn đối với người lính khi xung trận. Giá trị tinh thần đó còn mạnh hơn cả bom đạn của kẻ thù. Có thể chia những trang hồi ký của Trần Huy Hiệp thành hai phần. Một là: Những bài chép. Hai là: Những bài văn xuôi, những bài thơ (có cả những bài thơ viết còn dang dở). Trần Huy Hiệp viết dành tặng ba má, dành tặng những người đồng đội đã anh dũng hy sinh.
Mở đầu những trang hồi ký là bài chép 7 nhiệm vụ của người đảng viên. Tiếp đến là Di chúc của Bác Hồ, là Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam.
Từ nhiều trang chép về Đảng, về Bác Hồ có thể hiểu rằng anh là một đảng viên luôn phấn đấu rèn luyện, tiếp bước cha anh để hoàn thành mục tiêu cao cả của Đảng. Anh đã tiếp thu trọn vẹn bài học về Đảng, về Bác, vận dụng nhuần nhuyễn những điều các bậc tiền bối răn dạy.
Vào chiến trường miền Nam chiến đấu, anh canh cánh bên mình trách nhiệm với Đảng, với Tổ quốc, với đồng bào. Anh bộc bạch: “...Đời tôi ngoài Đảng ra không có gì bằng ba má tôi cả...”. Chỉ những người có mục đích, có lý tưởng mới gắn bó thiết tha với Đảng đến như vậy. Sau 6 tháng vào chiến trường, vừa hành quân vừa chống càn, anh đã được kết nạp Đảng.
Những trang hồi ký là vật quý gối đầu giường anh lén đọc giữa hai trận đánh. Nhiều trang viết về Đảng về Bác Hồ, những bài thơ cách mạng tiêu biểu đầy tính chiến đấu đã giúp anh nhiều nghị lực vượt qua khó khăn gian khổ.
Trong tập hồi ký, anh chép hai bài thơ, một là bài “Giã gạo” của Bác Hồ, hai là bài “Trăng trối” của nhà thơ Tố Hữu. Anh hiểu rằng dám chịu gian lao vất vả, thường xuyên rèn luyện con người mới trưởng thành:
Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông.
Bác Hồ
Người chiến sĩ ngoài mặt trận phải biết chịu đựng gian khổ, khi cần dám hy sinh. Đó là lý tưởng là lẽ sống của người làm cách mạng:
Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề cận cổ, súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa.
Tố Hữu
Nội dung thứ hai của những trang hồi ký là những bài anh viết về ba má, viết về những người đồng đội. Theo tôi đây là những bài viết hay và cảm động, Qua những trang viết này giúp tôi hiểu hơn về con người anh. Anh bộc bạch nghĩ gì viết nấy. Nhưng lại thể hiện tấm lòng, là tình cảm đặc biệt dành cho những người thân.
Anh dùng cụm từ để gọi “Má ơi” làm tiêu đề cho bài anh viết về ba má. Ở chiến trường, anh thốt lên gọi “Má ơi”, bởi anh khắc khoải thương má, nhớ ba ở quê nhà. Anh hồi tưởng về những giây phút ba má tiễn con ra trận.
“...Má sinh ra trong một gia đình viên chức nghèo. 7, 8 tuổi má đã phải đi ở cho nhà giàu”. Anh đau quặn lòng về cảnh nghèo khó của gia đình. Anh đau nỗi đau của má. Anh cảm phục tấm lòng hy sinh cao cả vì chồng con của má anh, tự hào về má, tự hào được là con của má. “Ngày con ra trận, má nghẹn ngào tiễn con. Hình ảnh hai ông bà già run rẩy dìu nhau, dán mặt vào kính ô tô khi xe chuyển bánh... rồi má khóc như mưa. Con chỉ biết giương cặp mắt thật to, to nữa để nhìn thấy má thật kỹ như muốn hút lấy hình ảnh của ba má. Má chỉ nói được “Con đi!”. Còn ba gượng cười để người con yên tâm lên đường. “...Cái cười của ba ngày thường sao mà vui tươi thế, mà sao hôm đó trông ba cười khổ sở quá chừng...”. Ba hỏi anh: “Chắc ba con ta lâu mới gặp lại nhau?”.
Người con chưa kịp nói gì, rồi ba anh vừa tin vừa ngờ vực tự trả lời: “Ba cứ tin là ba con ta còn gặp lại nhau”. Thế rồi ba má anh có biết đâu rằng đó là lần cuối cùng ba má nhìn thấy anh. Người con ra đi năm ấy không bao giờ trở về nữa.
Những ngày hành quân gian khổ dọc Trường Sơn, trèo đèo lội suối, chiều tối nằm đu đưa trên chiếc võng trên những ngọn núi của đất nước Triệu Voi hay đất Chùa Tháp mà lòng bồn chồn nhớ ba nhớ má. Trong giấc ngủ chập chờn hiếm hoi và ngắn ngủi giữa hai trận đánh anh mơ thấy má:
Con mơ thấy má hơi gầy
Nhưng vẫn thấy má tràn đầy tình thương.
Thương ba, thương má, anh giữ kín trong lòng vì không muốn để ba má buồn. Anh hứa với ba má, quyết tâm chiến đấu tiêu diệt quân thù:
Hy sinh gian khổ dạn dày
Má tin con má tràn đầy quyết tâm
Đấu tranh chiến thắng góp phần
Vì Dân, vì Đảng có ngần ngại chi.
Và
Con nguyện với má suốt đời
“Hy sinh anh dũng” trọn đời thủy chung.
Viết về đồng đội, Trần Huy Hiệp có hai bài thơ. Một bài viết tặng liệt sĩ Nguyễn Bá Hộ hy sinh ngày 23-12-1971 và một bài viết tặng liệt sĩ Trần Danh Thuật cũng hy sinh ngày 23-12-1971. Các anh là những đồng chí, đồng đội thân thương. Họ thương quý nhau hơn cả anh em. Họ nhường nhau miếng cơm, manh áo, vui buồn sướng khổ bên nhau, sống chết bên nhau. Nguyễn Bá Hộ không chỉ là người bạn mà còn là người anh tận tâm giúp đỡ anh trong suốt thời gian chung sống:
Anh đã giúp tôi trong
những ngày thơ dại
Dạy cho tôi biết lẽ đúng sai.
Nguyễn Bá Hộ luôn quan tâm đến người em yêu quý, giúp anh từ những việc nhỏ: Hướng dẫn cho tôi gánh nặng đường dài hoặc Xé cho tôi miếng vải ngụy trang đầu. Anh nấc nghẹn và bùi ngùi tiếc nuối khi phải chứng kiến người anh ngã xuống trong làn đạn của kẻ thù:
Mà hôm nay anh đã về đâu
Hồn thiêng hãy cho gửi lời ly biệt.
Bài thơ Trần Huy Hiệp viết tặng liệt sĩ Trần Danh Thuật trong những giây phút bình tĩnh hơn, tĩnh lặng hơn. Anh nhớ lại từ thuở ban đầu hai người bạn học, cùng quê, được biên chế về cùng một đơn vị, khi hành quân dọc Trường Sơn đến những trận đánh cả hai cùng bị thương nhưng vẫn hăng hái chiến đấu. Nhớ những kỷ niệm cả hai cùng được về phép, được thả mình bên rặng tre làng, thả hồn cùng ánh trăng, mơ mộng hướng về tương lai. Thế rồi, anh bàng hoàng nhìn thấy bạn gục trên tay đồng đội:
Thuật ngã xuống rồi ngày 23
Đến phút cuối cùng vẫn xông pha
Hy sinh dũng cảm lòng trong trắng
Cuộc đời anh tựa ngọc ngà.
Trang cuối cùng trong cuốn sổ ghi chép là “thách thức thi đua”, trước khi vào trận đánh, với trọng trách là mũi trưởng Mũi 1 chỉ huy đánh vào đồn Xẻo Bần - Trung đội phó Trần Huy Hiệp đã viết: “...Trong bất kỳ tình huống khó khăn nào cũng kiên quyết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Xác định mỗi chiến sĩ sẽ là một cảm tử quân, sẵn sàng hy sinh, xả thân cho thắng lợi của trận đánh. Trường hợp khó khăn, còn 2/3 quân số của mũi cũng kiên quyết đánh thắng giòn giã. Trong chiến đấu bị thương nặng coi như bị thương nhẹ, không rên la, không làm phiền đến đồng đội. Bị thương nhẹ coi như không bị thương, vẫn tiếp tục chiến đấu… Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Mũi 1 xác định rằng: Sống cùng sống, chết cùng chết. Kiên quyết không để thương binh, tử sĩ tại trận địa. Thương yêu đùm bọc keo sơn, gắn bó với nhau trong tình thương yêu giai cấp. Còn thương binh, còn tử sĩ là còn bám trận đến cùng.
…Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng đại năm 1972 lịch sử. Ngày 30-3-1972”.
Chỉ 6 ngày sau - đêm 6 rạng ngày 7-4-1972, trong trận đánh đồn Xẻo Bần, tại Rạch Giá, người viết là Trần Huy Hiệp đã hy sinh.
Nguyễn Bá Hộ, Trần Danh Thuật, Trần Huy Hiệp… anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Các anh đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời của mình cho độc lập tự do của đất nước. Tổ quốc luôn ghi nhớ công lao to lớn của các anh, thế hệ mai sau ngàn đời nhớ mãi các anh. Thương tiếc anh Trần Huy Hiệp, một chiến sĩ tận trung với Đảng, một người con hiếu thảo với ba má, một người bạn nghĩa tình với đồng đội, một người có tâm hồn thi sĩ.
Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tôi có đôi dòng dâng tặng các anh hùng liệt sĩ, cũng là một nén hương thơm thắp lên để tưởng nhớ các anh.
Nguyễn Văn Khang