Nhiều chính sách của Nhà nước về chăm lo cho các đối tượng này đã được ban hành. Nhiều phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được triển khai và đạt hiệu quả thiết thực. Các Bà mẹ VNAH đã được nhận phụng dưỡng, chăm sóc; gia đình chính sách, gia đình thương binh, gia đình người có công với nước có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ để vươn lên đã phần nào động viên tinh thần, bù đắp những thiệt thòi, mất mát mà họ gánh chịu sau chiến tranh.
Nhưng qua thực tế công tác này, tôi thấy còn nhiều điều cần suy nghĩ; đó là hầu như tất cả các Bà mẹ VNAH, các đối tượng chính sách, người có công ở các vùng đồng bằng, ở các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, giao thông thuận tiện gặp khó khăn thì nhanh chóng được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, hỗ trợ còn ở các vùng miền núi, địa phương vùng sâu, vùng xa, KTXH còn nhiều khó khăn, chậm phát triển thì việc vận động gặp nhiều khó khăn. Một cán bộ lãnh đạo ở một huyện miền núi nghèo của tỉnh Quảng Ngãi đã nói: "Địa phương đã nghèo, không có điều kiện mà các nhà tài trợ ở xa không ai đến, may mà có các ông. Dù địa phương cũng đã cố gắng lắm nhưng cho đến nay ở đây vẫn còn nhiều đối tượng chính sách, người có công với nước có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ, giúp đỡ". Có thể lời nói của vị lãnh đạo này là để động viên nhà tài trợ, nhưng thật sự cũng cần suy nghĩ.
Chiến tranh qua đi đã gần 40 năm, đất nước đã có bao đổi thay, kinh tế, xã hội phát triển, nhiều thành phố khang trang, nhà cao cửa rộng mọc lên, đời sống nhân dân được nâng cao, nhiều người đã rất giàu có, nhưng còn nhiều vùng núi, nông thôn hẻo lánh, những vùng từng là căn cứ địa cách mạng vẫn còn những người có công với nước, những gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn rất cần sự quan tâm chăm sóc, giúp đỡ cả về vật chất, lẫn tinh thần.
CCB Lê Chí Vũ (Chủ tịch HĐQT Công ty CPDV vận tải Sài Gòn)