Sai sót của trọng tài là một điểm nhấn ở vòng 16 đội. Trong trận Anh thua Đức 1-4, khi tỷ số là 2-1 nghiêng về phía Đức, Lampard đã bị từ chối một bàn thắng rõ ràng khi bóng từ cú lốp của anh chạm xà ngang rồi đi vào trong vạch vôi. Nhưng sau khi hội ý với vị trợ lý ở biên, trọng tài chính người Uruguay, Larrionda đã từ chối công nhận bàn thắng của tiền vệ tuyển Anh.

Còn ở trận Mexico thua Argentina 1-3, trọng tài người Italy Roberto Rosetti và các trợ lý cũng mắc lỗi nghiêm trọng khi công nhận bàn mở tỷ số của Tevez, dù tiền đạo người Argentina này đã việt vị rõ khi nhận bóng từ Messi.

Wayne Rooney (áo đỏ) được chờ đợi sẽ truyền cảm hứng giúp tuyển Anh chinh phục Cup vàng, nhưng lại gây thất vọng lớn. Trước màn trình diễn tệ hại trong trận thua Đức tại vòng 16 đội, tất cả những gì chân sút từng ghi tới 34 bàn cho MU mùa vừa qua làm được chỉ là một pha đưa bóng dội khung gỗ trong trận gặp Slovenia ở lượt cuối vòng bảng.

Robin Van Persie đá mờ nhạt và không có nhiều đóng góp vào lối chơi chung của Hà Lan trước Slovenia. Nhưng khi bị thay ra để lấy chỗ cho Huntelaar, tiền đạo của Arsenal đã phản ứng gay gắt với HLV Van Marwjik. Theo truyền thông Hà Lan, sự việc thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Trong khoảng khắc ngắn ngủi ấy, Van Persie đã to tiếng quát tháo ông thầy rằng người bị thay lẽ ra phải là đồng đội Sneijder, chứ không phải anh.

Yuichi Komano là một trong những cầu thủ đá hay nhất của Nhật Bản tại World Cup 2010. Nhưng trong loạt sút luân lưu cân não với Paraguay ở vòng 16 đội, hậu vệ phải này đã không thể vượt qua áp lực tâm lý và sút hỏng một quả, khiến đội nhà phải ra về cùng thất bại 3-5 (hòa 0-0 sau 120 phút).

Sau sai lầm thô thiển của đồng đội Robert Green, David James (áo vàng) được xem là sự lựa chọn tốt nhất trong khung thành tuyển Anh hiện tại. Nhưng trận thua Đức cho thấy, thủ môn kỳ cựu này thật sự có vấn đề cả trong khâu chọn vị trí. Nhiều chuyên gia của bóng đá Anh cho rằng James lẽ ra có thể làm tốt hơn trong các tình huống để Podolski rồi Mueller chọc thủng lưới 3 lần.

Sự yếu kém của tuyến giữa là một trong những lý do khiến Mỹ gục ngã trước Ghana. Các tiền vệ áo trắng không chỉ đá rời rạc mà còn thường xuyên để mất bóng. Một trong những tình huống như vậy - Clark để mất bóng - đã được phía Ghana khai thác triệt để, với pha cướp bóng rồi tăng tốc dứt điểm của Kevin-Prince Boateng ngay phút thứ 5.

Thường xuyên ngã, phàn nàn, nhưng trong suốt 90 phút so tài với Tây Ban Nha cũng như các trận đấu vòng bảng trước đó, Cristiano Ronaldo hiếm khi chứng tỏ anh xứng đáng mang trên tay chiếc băng thủ quân tuyển Bồ Đào Nha. Tương tự Euro 2008, Ronaldo rời cuộc chơi chỉ với vỏn vẹn một bàn thắng - quá ít so với tài năng, đẳng cấp và những màn trình diễn bùng nổ của anh ở cấp CLB.

Mất Rio Ferdinand ngay trước thời điểm khởi tranh, nhưng hàng thủ tuyển Anh vẫn còn đó những ngôi sao lừng danh như John Terry, Ashley Cole, hay Glen Johnson. Tuy nhiên, trận thua đậm trước Đức đã lột bỏ chiếc mặt nạ hoàn hảo mà dư luận ở quê nhà đắp cho hàng thủ ấy. Terry và các đồng đội thường xuyên mắc lỗi vị trí, phản ứng chậm chạp trong những tình huống đối phương phản công, khiến đội Anh thủng lưới tới 4 bàn.

Chưa hết bức xúc vì tình huống để thua oan trong tình huống Tevez ghi bàn ở thế việt vị, Mexico lại bị bồi thêm một đòn chí mạng từ sai sót nghiêm trọng của Ricardo Osorio (áo xanh). Trung vệ kỳ cựu này lóng ngóng chuyến bóng vào chân Higuan trong vòng cấm. Món quà "hào phóng" ấy đã được trung phong bên phía Argentina tận dụng triệt để, nhân đôi tỷ số, mở toang cánh cửa đi tiếp vào tứ kết cho đội bóng của Maradona.

Fernando Torres có thừa quyết tâm và khát khao chứng tỏ khi bước vào trận đấu với Bồ Đào Nha. Nhưng dường như chính khát khao ấy đã trở thành thứ áp lực vô hình, khiến anh không giữ được sự tỉnh táo, chuẩn xác trong từng tình huống xử lý, ngay cả khi có cơ hội ngon mà nếu ở CLB, anh hiếm khi để lỡ. Đó là lý do khiến HLV Del Bosque phải rút Torres để lấy chỗ cho Llorente ở đầu hiệp hai.

Quỳnh Anh (TH)