CCB Nguyễn Văn Thành (bên trái) kể cho phóng viên nghe về kỷ niệm chiến trường.

Đến gặp Đại tá, CCB Nguyễn Văn Thành - nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi cảm nhận rõ được “chất lính” bởi tác phong nhanh nhẹn mà giản dị, gần gũi cùng giọng nói oang oang đầy sảng khoái. Ông niềm nở đón và chia sẻ ngay niềm vui với chúng tôi: “Bác đang chuẩn bị để hai ngày nữa ra Hà Nội dự gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các đại biểu CCB, cựu TNXP tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tự hào lắm, vui lắm các cháu à…”. Rồi, ông kể về cuộc đời binh nghiệp của mình với những tháng ngày chiến đấu gian khổ, hy sinh cùng đồng đội.

Tháng 6-1963, ông Thành rời quê hương Bình Giang (tỉnh Hải Dương) nhập ngũ vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 51, Trung đoàn 148, thuộc Sư đoàn 316, Quân khu Tây Bắc. Đến tháng 4-1964 ông cùng đơn vị sang Lào tham gia chiến dịchgiải phóng Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng), sau đó ông được trên cho đi học tại Trường sĩ quan Lục quân. Hơn 1 năm sau ông tốt nghiệp, được phong quân hàm Thiếu úy về nhận công tác tại Đại đội đặc công 88 thuộc Tỉnh đội Khánh Hòa với chức danh Trung đội trưởng.

Cuối năm 1967, từ chiến khu Hòn Dữ, Đại đội đặc công 88 của ông từ Khánh Vĩnh hành quân xuống Chiến khu Đồng Bò - Mật khu Đá Hang, thị xã Nha Trang để tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Đêm 30 Tết, đơn vị hành quân từ căn cứ Đồng Bò vượt qua sông Tắc tiến đánh chiếm Đồi Trại Thủy (Đồi Ông Phật), để sau đó đánh vào Đài phát thanh thị xã Nha Trang của ngụy tại khu vực Mã Vòng. Do giữ được yếu tố bất ngờ nên khi bộ đội ta tiến đánh các mục tiêu, địch không kịp đối phó. Chỉ đến khi quân ta pháo kích vào sân bay Nha Trang, địch mới báo động và ra lệnh thiết quân luật trên toàn thành phố. Không đánh chiếm được Đài Phát thanh do địch đã biết và phòng ngự, đơn vị ông phối hợp với Đại đội 2 của Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 20 tiếp tục đánh địch ở khu vực nhà ga xe lửa và khu vực Mã Vòng. Đến khoảng 8 giờ sáng thì đơn vị ông được lệnh rút lui về căn cứ. Lúc này địch bắt đầu tung lực lượng phản kích rất ác liệt. Chúng dùng máy bay ném bom xuống Chiến khu Đồng Bò - Mật khu Đá Hang, đốt cháy hết cây cối để dễ bề tấn công vào khu căn cứ của ta, đồng thời rải chất độc hóa học xuống khu vực nguồn nước mà bộ đội vẫn thường lấy về ăn uống, sinh hoạt nhằm hủy diệt sức chiến đấu của bộ đội.

Tháng 12-1972, ông Thành được cử đi học tại Trường quân sự Quân khu 5, sau đó ông về lại Khánh Hòa làm trợ lý, rồi Phó ban tác chiến của tỉnh. Nhiệm vụ của ông là nắm chất lượng lực lượng dân quân tự vệ các xã, huyện và lực lượng biệt động nội thành Nha Trang cũng như tình hình hoạt động của địch trong toàn tỉnh để báo cáo chỉ huy đơn vị lên phương án tác chiến cho phù hợp.

Sau khi Nha Trang - Khánh Hòa giải phóng, ông được đi học bổ túc tại Học viện Lục quân Đà Lạt. Tháng 2-1987, ông được bổ nhiệm Phó đoàn trưởng- Tham mưu trưởng Đoàn 5502 (Mặt trận 579) làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Trải qua nhiều cương vị công tác,đến tháng 11-1999 thì ông nghỉ hưu khi đang là Đại tá, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa.

Nghĩa tình với đồng đội và tiếp lửa truyền thống

Hiện nay, CCB Nguyễn Văn Thành là Phó chủ tịch Hội truyền thống kháng chiến yêu nước tỉnh Khánh Hòa. Ông thường xuyên đến các nơi trong tỉnh để tuyên truyền, tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ. Những lúc rảnh rỗi ông lại bắt mạch, bấm huyệt chữa bệnh giúp bà con và phụ giúp vợ con nấu cháo làm từ thiện tặng bệnh nhân nghèo ở bệnh viện tỉnh Khánh Hòa. Nhiều bà con, đồng đội tìm đến ông để nhờ bắt mạch, bấm huyệt và đã khỏi bệnh.

Mặc dù công việc bận rộn nhưng CCB Nguyễn Văn Thành vẫn luôn trăn trở về những đồng đội đã hy sinh. Ông rất tích cực tham gia công tác tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ.Đặc biệt là tìm hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 ở Khánh Hòa.

CCB Nguyễn Văn Thành kể: “Tôi nhớ nhất là đợt cùng đội tìm kiếm quy tập hài cốt các liệt sĩ hy sinh ở khu vực đèo Rù Rì (phía bắc TP. Nha Trang). Chúng tôi tìm mỗi đợt cả hàng tháng trời, chẳng kể mưa hay nắng, ngày hay đêm. Qua nhiều năm mà không thấy và tưởng như vô vọng. Rồi tình cờ vào chiều 23-3-2013, trong khi xúc đất để thi công con đường qua đèo Rù Rì,công nhân lái máy xúc đã phát hiện khu mộ tập thể 23 liệt sĩ. Xác định đây là hài cốt của các liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, lãnh đạo địa phương và Đội quy tập mộ liệt sĩ đã đào bới và cất bốc hài cốt các liệt sĩ đưa vào an táng thành một khu mộ chung tại Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung, TP. Nha Trang.

Trong buổi giao lưu tiếp lửa truyền thống cho 540 đoàn viên, thanh niên TP. Nha Trang nhập ngũ năm 2025, CCB Nguyễn Văn Thành kể về truyền thống anh hùng của dân tộc, của QĐND Việt Nam và các LLVT tỉnh Khánh Hòa bằng chính cuộc đời binh nghiệp của mình cùng các đồng đội đã chiến đấu trên mảnh đất này.

Mai Văn Đông