Tuy sống và làm việc ở hang Pắc Bó vô cùng vất vả khó khăn thiếu thốn, “Sáng ra bờ suối tối vào hang/ Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang”, nhưng theo những cán bộ, chiến sĩ giúp việc Bác trong những ngày Người ở đây và những năm kháng chiến chống Pháp ở an toàn khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống rất giản dị, lạc quan, yêu đời, vui vẻ và hóm hỉnh.
Một lần Người và anh em đi tắm đêm trăng sáng vằng vặc. Nhìn thấy bóng trăng sáng hiện trên lòng suối, Người nói:
- Tôi có một câu đối, ai đối được ta gả con gái cho: “Nguyệt chiếu khê tâm, tâm chiếu nguyệt” (mặt trăng soi xuống lòng khe, lòng khe soi lên trăng).
Một đồng chí đứng tuổi, tên là Hương, thạo chữ Nho, nhanh mồm đối lại: “Hoa sinh thạch diện, diện sinh hoa” (hoa nở trên mặt đá, mặt nở hoa).
Cụ Hồ vui vẻ thốt lên: “Ồ, thế là hóa ra mặt rỗ rồi, xấu quá!”.
Một đồng chí khác xin đối tiếp: “Lôi minh không cốc, cốc minh lôi” (sấm gọi hang không, hang gọi sấm).
Ông Cụ khen hay, nhưng nói: “Đồng chí không làm rể mình được đâu, vì đồng chí gần bằng tuổi mình, lại đã có vợ, con, còn minh thì chưa lấy vợ”.
Mọi người phá lên cười vang bên dòng suối sau này được Cụ Hồ đặt tên là suối Lê-nin.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, một bộ trưởng đến gặp Bác ở Bắc Bộ Phủ. Ông Bộ trưởng không mặc com-lê,
cà-vạt chi cả, mà mặc quần đùi âu phục.
Cụ Hồ hỏi: “Chú mặc “soọc” à?” (quần soóc).
-
Dạ thưa Cụ, mặc như thế này cho có vẻ con nhà lính ạ!
-
Thế con nhà lính, có tính nhà quan nữa à?
Cụ Hồ hỏi lại rất nhanh. Mọi người xung quanh cười ồ, thoải mái, vị bộ trưởng nọ ôn tồn thưa: “Có tính nhà quan cách mạng, thưa Cụ!”.
Nhà thơ Cù Huy Cận được Chính phủ lâm thời phân công làm Bộ trưởng Bộ Canh nông khi mới 26 tuổi. Một hôm Cụ Hồ cho gọi ông vào Bắc Bộ Phủ:
- Tôi muốn giao cho chú thêm một việc nữa, đó là làm trong ban thanh tra đặc biệt, gồm hai người: chú và cụ Bùi Bằng Đoàn.
Ông Cận thật lòng thưa lại:
- Cụ Bùi Bằng Đoàn là một vị quan (triều Nguyễn) có tiếng thanh liêm ở triều cũ, tôi còn quá trẻ, tôi xin Cụ phân công người khác già dặn hơn.
Cụ Hồ ôn tồn giải thích: “Chú sợ trẻ quá không đủ sức làm thanh tra chứ gì, vậy thì chiều hôm nay, chú mang bút lông, mực tầu đến đây, chú mài mực và tôi sẽ vẽ râu cho chú, thế là chú sẽ thành thanh tra thôi”.
Trước những lời nói chân thành, vui đùa thân mật, đầy sức thuyết phục của Bác, ông Cận đã nhận lời Người, nhận thêm công tác thanh tra.
Năm 1946, Bác cùng phái đoàn Chính phủ sang thăm nước Pháp với tư cách là thượng khách của họ. Người phụ trách làm hộ chiếu, xin phép Bác làm thủ tục. Bác nói:
-
Chú cứ hỏi, mình sẽ khai đầy đủ.
-
Thưa Cụ, tên cụ thân sinh ra Cụ là gì ạ?
Bác nói: “Mình là Hồ Chí Minh, còn cụ thân sinh ra mình tên là “Hồ Chí Thông””.
Cuối năm Nhâm Thìn (1952), Trung ương tổ chức Hội nghị “nông vận” (vận động nông dân) để học tập chính sách “giảm tô” ở Tuyên Quang, được đón Bác đến thăm. Có một trí thức cũ người Hà Nội cùng mọi người ra đón. Ông ra chào Bác, Bác hỏi ngay:
-
Chú cũng dự Hội nghị nông dân à?
-
Thưa Bác, cháu cũng là nông dân ạ!
-
Ừ, chú là nông dân phố Hàng Đào!
Một lần Bác đến thăm trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đầu năm 1953. Bác hỏi đồng chí Hiệu trưởng về thành phần giai cấp của học viện.
- Thưa Bác, đa số học viên đều thuộc thành phần tiểu tư sản...
Bác Hồ cười, nói vui:
- Hãy cẩn thận, nếu không sẽ “tích tiểu thành đại đấy” (nhiều tiểu tư sản sẽ thành đại tư sản - một đối tượng của cách mạng vô sản).
Theo ông Vũ Đình Huỳnh kể lại: Ngay từ giờ phút đầu tiên khi mới gặp Hồ Chủ tịch, linh mục Phạm Bá Trực đã gọi Người là “Bác”.
Hồ Chủ tịch nói:
- Xin cụ, “bác” để bạn trẻ họ gọi, còn “chúng ta” là đồng lứa với nhau...
Linh mục Phạm Bá Trực nhanh chóng nói lại, rất vui vẻ:
- Thưa Bác, tôi muốn mình được trẻ mãi.
Hồ Chủ tịch bất ngờ hỏi lại:
- Linh mục và tôi, chúng ta có một việc giống nhau đặc biệt, chắc linh mục biết rõ?
Linh mục đã đáp lại ngay:
- Cả Bác và tôi đều “không lấy vợ”.
Hai vị cười sảng khoái, thân tình như đôi bạn tâm giao lâu ngày hội ngộ.
Hồ Chủ tịch là con người như thế: giản dị, lạc quan, vui vẻ, yêu đời, một con người chân tình và hóm hỉnh...
Tân Chinh (st)