Lãnh đạo tỉnh Gia Lai gặp mặt, tặng quà cho các già làng tiêu biểu trên địa bàn biên giới.

Ở Tây Nguyên có không ít già làng gánh vác trọng trách “người cha tinh thần” của cộng đồng đến gần nửa đời người. Điều này cho thấy, các già làng này khi “đắc cử” tuổi đời còn khá trẻ và tuổi tác không phải là tiêu chuẩn để có thể trở thành “người cha tinh thần” của cộng đồng mà giá trị của sự cống hiến luôn được đề cao. Rất nhiều già làng trên địa bàn biên giới tỉnh Gia Lai, thời trai trẻ được tôi luyện, cống hiến trong môi trường Quân đội, nay tiếp tục phát huy được những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ nên dành được sự quý trọng, tin yêu của bà con dân bản…

Già làng quân hàm xanh

Ngày trước, có già làng không phải bầu mà do bà con chọn, thậm chí có cả “ứng cử viên” không cùng dân tộc, không có gia đình sinh sống trong cộng đồng vẫn được bà con tín nhiệm, như một số địa bàn biên giới suy tôn bộ đội Biên phòng làm già làng.

Điển hình là “người cha tinh thần” làng Nú, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai - ông Rơ Lan Din. Sau ngày miền Nam được giải phóng, ở tuổi 20, chàng thanh niên Rơ Lan Din tình nguyện lên đường nhập ngũ và được điều động về Đồn 23 (nay là Đồn Biên phòng (BP) Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh- BĐBP Gia Lai). Được tôi luyện trong môi trường Quân đội, đặc biệt là ở cửa khẩu Lệ Thanh - hướng gây hấn, lấn chiếm trọng điểm của tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt khi ấy, đã tạo nên một Rơ Lan Din đầy bản lĩnh. Năm 1982, ông Rơ Lan Din phục viên trở về địa phương, mặc dù không còn trực tiếp cầm súng bảo vệ biên giới nhưng ông vẫn luôn gần gũi đồng hành với mảnh đất biên cương Tổ quốc.

Sau ngày được bà con làng Nú tín nhiệm bầu làm già làng, CCB Rơ Lan Din đã phát huy tố chất của một “thủ lĩnh” trên mọi mặt trận, nhất là xây dựng phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc. Già làng Nú có 1ha đất trồng điều gần biên giới; trong vai trò là Tổ trưởng tổ tự quản, ông đã tuyên truyền vận động hơn 20 hộ gia đình có nương rẫy trong khu vực tham gia Tổ. Luôn kề vai sát cánh bên những người lính đồn BP Ia Nan trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới nên gọi ông là “Già làng quân hàm xanh” quả không sai. Trung tá Hoàng Tuấn Minh - Đồn trưởng Đồn BP Ia Nan chia sẻ: “Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh như hiện nay, các tổ tự quản tham gia ngăn chặn tình trạng qua lại biên giới trái phép là hết sức quan trọng. Già làng Rơ Lan Din cùng với đồn BP vừa trực tiếp tuần tra bảo vệ biên giới, vừa tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm quy chế biên giới và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ông thực sự là người nhóm lửa hun đúc tình yêu biên giới…”

“Tiểu đội” già làng sẵn sàng “tác chiến”

Ở làng Moóc Đen 1, xã biên giới Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, CCB Rơ Châm Tích là một vị “trưởng lão” đầy uy tín. Cái dáng người bé nhỏ, gầy gò đã đi qua 76 “mùa rẫy”, từng vào sinh ra tử trong khói lửa chiến tranh của ông, hôm nay vẫn dọc dài trên biên giới. Ông có 2 người con trai là Thượng úy Rơ Mah Thiết và Trung úy Rơ Mah Hiệp; 3 người cháu ruột là Đại úy Rơ Châm Choe, Đại úy Pui Đức và Đại úy Rơ Châm Khiêm. Tất cả đang công tác trong BĐBP tỉnh Gia Lai. Vào các dịp lễ hội truyền thống, Tết cổ truyền dân tộc, con cháu BP tập trung về một nhà, Già làng Rơ Châm Tích như được đắm mình trong câu chuyện về đường biên, cột mốc...

Bên cạnh người “cận vệ già” Rơ Châm Tích và “Già làng quân hàm xanh” Rơ Lan Din, địa bàn biên giới tỉnh Gia Lai còn có cả một “tiểu đội” già làng, thời trai trẻ đã được tôi rèn trong môi trường Quân đội. Tiêu biểu như “cây đại thụ” Rơ Châm Hyai (gần 80 tuổi) - Già làng Mít Jep, xã Ia O, huyện Ia Grai, người đã đi qua hai cuộc chiến tranh chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam; Rơ Mah Thul (65 tuổi), già làng O, xã Ia O; Ksor Jo (70 tuổi) già làng Nú 1 - nguyên Xã đội trưởng Ia Chia (Ia Grai) cùng nhiều “du kích quân” trải đều trên địa bàn 7 xã biên giới. Dẫu mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng khi cấp ủy, chính quyền, bà con nhân dân và đồn BP cần đến là “tiểu đội” già làng sẵn sàng góp mặt, kể cả những điểm nóng gai góc nhất.

Già làng Rơ Châm Hyai chia sẻ với chúng tôi: “Mặc dù sức khỏe đã giảm nhiều nhưng mình vẫn tiếp tục đóng góp cùng với chính quyền địa phương và đồn Biên phòng xây dựng, bảo vệ biên giới ngày càng bình yên và phát triển…”.

Lời tâm sự của người lính già Rơ Châm Hyai thể hiện tình thương, trách nhiệm và cả những khát vọng cống hiến của các già làng đối với cộng đồng, quê hương, đất nước. Giữa bầu trời biên giới, những già làng là CCB như cánh chim không mỏi mang niềm vui đến với mọi nhà.

       Bài và ảnh: Thái Kim Nga