Tiếp theo công trình trang trí nội thất ở Bảo tàng Cay-xỏn Phôm-vi-hản, do Công ty TNHH phát triển mỹ thuật và công nghệ Việt Nam của Giám đốc Nguyễn Nam Mộc đảm trách, đơn vị tiếp tục thiết kế và thi công tượng đài Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản tại Học viện Quốc phòng Lào. Tính đến nay, học viện này ở Thủ đô Viêng Chăn, đã thành lập được 14 năm; có hàng nghìn cán bộ, giảng viên và học viên. Hàng năm, học viện đào tạo các khóa dài hạn và ngắn hạn, trình độ cao nhất tới thạc sĩ quân sự. Đơn vị đang hoàn tất hồ sơ trình Nhà nước Lào, nâng trình độ đào tạo lên tiến sĩ quân sự.

Trên một khuôn viên rộng lớn, trước cửa, chính giữa nhà cao tầng của học viện, tượng đài Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản được dựng nên, cao lồng lộng; chất liệu là đá nguyên khối màu ghi, nặng hơn 20 tấn. Tượng đài cao 2,5m. Tác phẩm là một công trình tập thể, bao gồm: Sáng tác mẫu – nhà điêu khắc Vũ Thị Hoa; thể hiện – nhà điêu khắc Nguyễn Triệu Thành và nghệ nhân Phạm Ngọc Hoàn. Chủ nhiệm công trình là Giám đốc Nguyễn Nam Mộc. Tượng đài khánh thành vào ngày 20 - 1 - 2005.

Ở Việt Nam hiện nay, chưa có tượng đài nào nguyên khối lớn như vậy. Giám đốc Nguyễn Nam Mộc trò chuyện với tôi về quá trình vất vả làm tác phẩm này. Phải nói rằng, các nghệ sĩ, nghệ nhân có lòng tôn kính lãnh tụ Cay-xỏn, nhiệt huyết với tình hữu nghị đặc biệt Việt-Lào mới khắc phục mọi khó khăn, tỉ mỉ, công phu qua nhiều công đoạn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Biết rằng, đá nguyên khối phải khai thác mỏ đá ở Ninh Bình, vì nước bạn không có. Với con mắt nghề nghiệp, các nhà chuyên môn tìm, chọn vỉa đá thích hợp rồi dùng thuốn và sức người đánh xuống, không được dùng mìn.

Tiếp đó, các nghệ nhân đục, đẽo, sơ chế và cẩu, chở đá về xưởng điêu khắc. Căn cứ vào tạo mẫu đất sét rồi mẫu thạch cao, theo tỷ lệ 1/1, từ khối đá khổng lồ, không có khuôn sẵn, dùng mắt quan sát và qua những đôi tay tài hoa, khéo léo, điêu luyện của các thợ làm đá xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, trở thành tượng đài Chủ tịch Cay-xỏn như hình ảnh tạo mẫu.

Cũng nói thêm rằng, hiện nay, xã Ninh Vân có hơn 60 doanh nghiệp làm đá mỹ nghệ lớn nhỏ, bao gồm 600 hộ với 2.000 lao động. Từ bao đời nay, làng nghề này đã làm được biết bao công trình có giá trị lịch sử và ý nghĩa giáo dục các thế hệ, trong đó có những tượng đài. Với lòng say mê, kiên trì, tác phong tỉ mỉ, trí sáng tạo, các nghệ nhân đã thổi hồn vào đá, đục đẽo, tỉa tót chính xác đến từng chi tiết nhỏ của tượng đài như tai, mũi, mắt… Qua 9 tháng miệt mài lao động của các nghệ nhân, tượng đài Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã hoàn tất.

Công ty của Giám đốc Nguyễn Nam Mộc thuê xe tàu kéo, chở tượng đài, đi theo đường 8, qua cửa khẩu Cầu Treo, thẳng quốc lộ 13 của Lào, về Thủ đô Viêng Chăn; ưu tiên châm chước mọi thủ tục. Đường dài 800km, qua 5 cầu sắt đã cũ của nước bạn, lái xe rất lo sập cầu. Song anh em nói vui, có Chủ tịch phù hộ nên mọi việc đều suôn sẻ cả.

Tại học viện Quốc phòng Lào, bục, bệ cao 2,5m được thi công trước đó. Lễ đặt tượng đài Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản được tổ chức trọng thể tại đây vào đầu năm 2005, như đã nói ở trên.

Với Hoàng thân Chủ tịch Xu-pha-nu-vông, công ty của Giám đốc Nguyễn Nam Mộc đã làm 2 công trình mỹ thuật về Người. Công trình thứ nhất, tượng đài Chủ tịch đặt tại Trường đại học Quốc gia Lào ở Cố đô, tỉnh Luông Pha-băng. Chất liệu tượng đài bằng đá cẩm thạch màu trắng; có kích thước: cao – 4,5m; bục bệ - 2,5m; tọa lạc trên sân, vườn hoa rộng 1.800m2. Nhà điêu khắc Nguyễn Triệu Thành sáng tác mẫu; thể hiện: Nghệ nhân Phạm Ngọc Hoàn và Nguyễn Triệu Thành. Giám đốc Nguyễn Nam Mộc là Chủ nhiệm công trình. Tượng đài khánh thành vào ngày 18-2-2008.

Tôi muốn nói sâu hơn, công trình mỹ thuật thứ hai về Hoàng thân Chủ tịch Xu-pha-nu-vông và chiến sĩ Liên quân Lào-Việt, chiến đấu tại thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn, ngày 21-3-1946.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thấy rõ âm mưu của thực dân Pháp sẽ quay lại xâm chiếm Việt Nam và Lào, ngày 4-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Hoàng thân, một kỹ sư cầu đường, một kiến trúc sư tài năng, đang làm việc ở Vinh (Nghệ An), ra Hà Nội để trao đổi về những vấn đề liên quan tới vận mệnh hai nước. Cuộc gặp lịch sử, đánh dấu bước ngoặt từ một Hoàng thân, trở thành chiến sĩ kiên cường, nhà lãnh đạo cách mạng kính yêu của nhân dân các bộ tộc Lào.

Ngày 20-10-1945, hai Chính phủ Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định thành lập Liên quân Lào – Việt, với mục đích giúp đỡ nhau để chống kẻ thù chung. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Lào, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông trở lại Thà Khẹt, cùng với tướng Nguyễn Chánh lãnh đạo Liên quân Lào – Việt chiến đấu kiên cường bảo vệ chính quyền mới. Nhưng địch có ưu thế về binh hỏa lực, tiến vào thị xã. Thấy quân ta không còn khả năng chống giữ nên Hoàng thân ra lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng. Chiếc thuyền máy chở Hoàng thân ra giữa sông Mê Công thì bị máy bay địch bắn. Đồng chí Lê Thiệu Huy, Tham mưu trưởng Liên quân Lào-Việt đã lấy thân mình che đạn cho Hoàng thân và anh đã hi sinh. Hành động quả cảm đó của Lê Thiệu Huy đã để lại trong lòng Hoàng thân niềm tiếc thương vô hạn. Trong bức thư ông gửi gia đình liệt sĩ, có đoạn: “… Anh Lê Thiệu Huy đã sát cánh cùng chúng tôi chiến đấu để giải phóng cho nước Lào, cho các bộ tộc Lào. Tinh thần hi sinh cao cả đó đã nhắc nhở cho thanh niên và nhân dân Lào, luôn luôn bền bỉ chiến đấu để tiêu diệt đế quốc xâm lược, giành độc lập, tự do thực sự cho đất nước Lào”.

Để ghi nhớ sự kiện lịch sử oanh liệt và thắm tình hữu nghị Việt Lào, chung một chiến hào chống giặc này, tượng đài Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và chiến sĩ Liên quân Lào – Việt, chiến đấu tại thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn ngày 21-3-1946, đã được công ty của Giám đốc Nguyễn Nam Mộc, dựng nên ở trung tâm thị xã. Tượng đài bằng chất liệu đá khối màu ghi; tượng cao 5,4m; bệ - 2,5m; bục – 1,1m; sân bục rộng 900m vuông. Sáng tác mẫu của tượng đài: Nhà điêu khắc Nguyện Triệu Thành; thể hiện – Nguyễn Triệu Thành và nghệ nhân Đỗ Đức Dậu. Chủ nhiệm công trình là Giám đốc Nguyễn Nam Mộc. Công trình khánh thành ngày 13-7-2009, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Xu-pha-nu-vông.

Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được mệnh danh là đất nước triệu voi. Xuất phát từ cái tên tự hào đó, bạn đã yêu cầu Công ty của Giám đốc Nguyễn Nam Mộc dựng 4 tượng voi: Voi chào đón, voi chiến, voi mừng thắng lợi... bằng đá cẩm thạch nguyên khối, tại Văn phòng Chính phủ Lào. Voi có chiều cao hơn 2m; chiều dài 2,7m và chiều rộng 1,3m. Công trình do Tổng công ty xây dựng và gôn Long Thành của Giám đốc, Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm tài trợ. Bạn Lào dự định, nếu có kinh phí, sẽ xây dựng hành trăm con voi lớn hơn, đặt ở các đường phố Thủ đô Viêng Chăn.

Qua một số công trình mỹ thuật hoành tráng, thể hiện ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, công ty của Giám đốc Nguyễn Nam Mộc đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong cán bộ lãnh đạo và nhân dân các bộ tộc Lào. Vị thế, thương hiệu và uy tín của đơn vị ngày một nâng cao. Công ty đang xúc tiến hoàn tất thủ tục, thiết kế, thi công “đàn voi” ở Viêng Chăn; tượng đài người anh hùng dân tộc Com-ma-đăm, đặt tại Học viện Lục quân Lào, ở tỉnh Viêng Chăn, cách trung tâm Thủ đô 50km; nhóm tượng đài Liên minh chiến đấu Việt - Lào ở Bản Đông (Đường 9 – Nam Lào).

Bằng việc làm cụ thể, thiết thực, Công ty TNHH phát triển mỹ thuật và công nghệ Việt Nam đã góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ đặc biệt Việt-Lào mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Chủ tịch Xu-pha-nu-vông đã dày công vun đắp.

Ghi chép của Chi Phan