Tôi được xem tập ảnh, giới thiệu kết quả 12 năm (2000 - 2012) hoạt động sáng tác và thi công các công trình mỹ thuật tại nước CHDCND Lào và Việt Nam, chủ yếu là tại Lào, của Công ty TNHH phát triển mỹ thuật và công nghệ Việt Nam. Công ty có văn phòng ở Hà Nội và văn phòng tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào. Nội dung hoạt động trên hai lĩnh vực chính: Các công trình mỹ thuật và các công trình khoa học kỹ thuật và công nghệ. Công ty tổ chức gọn, nhẹ, cơ chế quản lý năng động, sáng tạo theo chế độ “cộng tác viên”; hợp tác chặt chẽ với kiến trúc sư, họa sĩ, nhà điêu khắc, trình độ chuyên môn cao, có uy tín nghề nghiệp.
Giám đốc Công ty là CCB Nguyễn Nam Mộc. Ông nguyên là chiến sĩ Sư đoàn 324, từng công tác, chiến đấu bên nước bạn Lào và Mặt trận B5 (Việt Nam), lập nhiều chiến công xuất sắc. Đất nước hoà bình, thống nhất, hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, Nguyễn Nam Mộc được đi học Trường Đảng ở tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) rồi về giảng dạy và làm công tác quản lý ở Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội. Tại đây, ông đã tranh thủ học hỏi, nâng cao kinh nghiệm về phát triển mỹ thuật và công nghệ, áp dụng vào thực tế sau này.
Với chức năng là Giám đốc, trong 12 năm qua, Nguyễn Nam Mộc đã lãnh đạo công ty thiết kế, xây dựng và hoàn thành xuất sắc 5 công trình mỹ thuật tại nước CHDCND Lào. Đó là các công trình: Thi công, trang trí nội thất bảo tàng Cay-xỏn Phôm-vi-hản tại Thủ đô Viêng Chăn; Tượng đài Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản tại Học viện Quốc phòng Lào; Tượng đài Chủ tịch Xu-pha-nu-vông ở Trường đại học Xu-pha-nu-vông tại cố đô Luông Pha-băng; Tượng đài Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và chiến sĩ Liên quan Lào - Việt chiến đấu tại thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn; Tượng voi bằng đá quý, khối lớn, ở văn phòng Chính phủ Lào.
Đây là những công trình có ý nghĩa chính trị, văn hoá, xã hội đặc biệt, ghi đậm dấu ấn hữu nghị, được hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào, đánh giá cao. Những năm qua, trong hoạt động đối ngoại, Giám đốc Nguyễn Nam Mộc đã được gặp gỡ, tiếp kiến với nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước Lào. Đó là bà Pa-ni Y-a-tho-tu, Uỷ viên BCT, Chủ tịch Quốc Hội; ông Thoong-sỉnh Thăm-ma-vông, Ủy viên BCT, Thủ tướng; ông Bun-nhăng Vo-ra Chít, Ủy viên BCT, Phó Chủ tịch nước; ông Sa Mản Vi Nha Kệt, Ủy viên BCT, phụ trách công tác tư tưởng, văn hoá; Đại tướng Si Sa Vạt Kẹo Bun Phăn, Ủy viên BCT, Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước; Thượng tướng Đuông Chay Phi Chít, Ủy viên BCT, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng…
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm, thiết lập quan hệ ngoại giao, 35 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt - Lào và cũng là năm đoàn kết hữu nghị
Việt - Lào 2012, Giám đốc Nguyễn Nam Mộc đã tạo điều kiện để tôi sang nước bạn tham quan một số công trình do công ty thiết kế, thi công. Bảo tàng Cay-xỏn Phôm-vi-hản được đặt móng xây nền từ năm 1995, ở trung tâm Thủ đô Viêng Chăn tươi đẹp. Đây là công trình văn hoá, di tích lịch sử cách mạng của Lào, do Việt Nam viện trợ; trong đó, bốn công ty của Việt Nam trực tiếp thiết kế, thi công. Đồng chí Ô Xê Căn, Ủy viên BCT Đảng Nhân dân cách mạng Lào theo dõi, chỉ huy. Công ty TNHH phát triển mỹ thuật và công nghệ Việt Nam phụ trách phần trang trí, trưng bày nội thất. Giám đốc Nguyễn Nam Mộc đã huy động 50 nhà điêu khắc, hoạ sĩ, công nhân kỹ thuật cơ khí, làm việc 6 tháng liền trong năm 2000 để kịp hoàn thành vào ngày 13 - 12 - 2000; kỷ niệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Đây là vị lãnh tụ của nhân dân các bộ tộc Lào; người đảng viên cộng sản đầu tiên của nước bạn; người cha kính yêu của Quân đội nhân dân Lào, được thành lập tháng 1-1949, tại bản Kéo Vằn.
Bản Kéo Vằn, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “làng ổ nhím”, có hơn ba chục nóc nhà, nằm ở lưng chừng vách núi dựng đứng. Đường lên bản rất cheo leo; hai bên đường, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản chỉ đạo bộ đội Lào bố trí những bãi chông, bãi mìn, bẫy lao, bẫy đá chi chít. Do đó, những năm đánh Pháp, nhiều lần giặc kéo quân lên bản Kéo Vằn càn quét nhưng đều bị thất bại nặng nề…
Qua những hình ảnh, hiện vật, tài liệu, tác phẩm trưng bày rất khoa học và nghệ thuật trong bảo tàng, người xem có ấn tượng sâu đậm về đồng chí Cay-xỏn, nhất là hình ảnh lần tổ chức tổng kết chiến dịch Thượng Lào tháng 5-1970. Sau hơn 50 ngày đêm liên tục chiến đấu, các LLVT Việt - Lào đã phá vỡ tuyến phòng thủ mới của địch, giải phóng Sảm Thông, uy hiếp Long Chẹng, gây cho địch tổn thất nặng nề, đánh cả thảy 104 trận, diệt và bắt sống hàng nghìn tên.
Hơn nữa, Long Chẹng có vai trò đặc biệt, là sào huyệt của lực lượng Vàng Pao, át chủ bài của học thuyết “Lào hoá chiến tranh” của
Ních-xơn. Long Chẹng mất, học thuyết trên bị phá sản thảm hại ở chiến trường Thượng Lào. Hơn 10 năm trời chiếm giữ, chưa bao giờ lũ phỉ Vàng Pao lại bị đánh tan tác như vậy…
Đề cập đến những trận chiến đấu oanh liệt trên để thấu hiểu sâu sắc lời nói của đồng chí Cay-xỏn trong buổi lễ tổng kết chiến dịch tháng
5 - 1970. Đồng chí khẳng định: Sức mạnh không gì ngăn nổi trong mối tình đoàn kết, chiến đấu giữa hai Đảng, hai dân tộc, hai lực lượng vũ trang Lào – Việt… Nó “mãi mãi vững bền, mãi mãi trong sáng như viên ngọc quý; vì là kết tinh của nghĩa, của tình, của bao công sức, tâm trí và xương máu của hai dân tộc anh em…”
Đồng chí xúc động nhắc đến công ơn vô cùng to lớn của Bác Hồ, đã dày công xây dựng, giáo dục nhân dân các dân tộc Việt Nam tinh thần quốc tế vô sản cao cả… Đó cũng là sự đánh giá hết sức đúng đắn, chân thành trước những đóng góp của quân dân Việt Nam với cách mạng Lào.
Bảo tàng Cay-xỏn Phôm-vi-hản, mà Công ty TNHH phát triển mỹ thuật và công nghệ Việt Nam cùng đồng nghiệp đóng góp công sức xây dựng nên, không chỉ tri ân một lãnh tụ kính mến của nước bạn, qua đó, còn cho người xem, các thế hệ nhân dân các bộ tộc Lào thấy quá trình phát triển của cách mạng Lào ngày một trưởng thành; xây dựng thành công nước Lào hoà bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và phồn vinh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa…
Chi Phan (còn nữa)