Mới đó mà đã hơn 6 năm kể từ ngày tôi về làm Báo Hội. Thời gian đúng là “Bóng câu qua cửa!”. Cũng vì thời gian trôi quá nhanh, nên nhiều chuyện, mọi việc ngày ấy vẫn hằn sâu trong nỗi nhớ.
Ngày đó, sau khi chính thức nhận chức Tổng biên tập Báo (ngày 28-11-2014), ngoài nhiệm vụ chính là tổ chức ra báo tuần, báo tháng, tôi cùng anh chị em trong Tòa soạn triển khai ngay Chương trình “Nghĩa tình đồng đội” năm 2014, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Tổ chức hoạt động truyền thông và xã hội, thiện nguyện kiểu “Nghĩa tình đồng đội” hoàn toàn mới toanh đối với tôi. Trong thế “Vạn sự khởi đầu nan” chúng tôi có được Tập đoàn Truyền thông quốc gia - đơn vị đồng tổ chức, rất đáng tin cậy.
Với chút khá khá tiền và hiện vật huy động từ nguồn hỗ trợ vận động được, trên cương vị Trưởng ban Tổ chức, tôi dẫn hơn một trăm doanh nhân CCB, những nhà hữu sản, hữu tâm ngược ATK Định Hóa - Thái Nguyên, sang Khu di tích Tân Trào - Tuyên Quang “Thủ đô gió ngàn” và ngược lên Pắc Bó - Cao Bằng, nơi Bác Hồ dừng chân trong những ngày đầu trở về Tổ quốc và quyết định thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội ta. Đúng là một cuộc hành quân “Về nguồn”! Về với Pắc Bó, suối Lê-nin, suối nguồn cách mạng…
Ở mỗi nơi Đoàn đến, cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội CCB đã chọn ngót một trăm gia đình hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn và gia đình chính sách nhận món tiền và chút quà tri ân của chương trình. Chứng kiến những CCB vượt hàng chục cây số đường rừng đến địa điểm nhận chút quà; tôi cứ thấy băn khoăn quá đỗi, bởi ám ảnh lời người xưa “Ăn bát cháo, chạy ba quãng đồng!”. Dường như thấu hiểu lòng tôi, có CCB xúc động bộc bạch: “Với chúng mình, quà thế này là to lắm rồi. Vả lại, phải đến tận nơi để cảm ơn đồng đội đã không quên nhau..!”. Nắm chặt bàn tay thô ráp, chai sần của người CCB già, cố kìm nén, tôi mới ngăn được những giọt nước mắt cứ chực trào ra…. Điều làm tôi ấm lòng là chỉ mới tiếp nhận chặng cuối của chương trình, nhưng sau ba ngày cùng đồng hành với các doanh nhân, các nhà thiện tâm, nhiều người đã hồ hởi bộc bạch: Các em cứ chịu khó tổ chức chương trình, các anh chị sẽ hết lòng ủng hộ!
Như được tiếp lửa, cuối năm 2015, Báo CCB Việt Nam và Tập đoàn Truyền thông Quốc gia tiếp tục tổ chức chương trình “Nghĩa tình đồng đội” lần thứ 7. Sau khi “phát hịch” kêu gọi, vận động tài trợ, trung tuần tháng 12-2015, tôi lại cùng Tổng giám độc Tập đoàn Truyền thông dẫn đoàn gần 200 doanh nhân CCB và nhà hảo tâm hành quân “Về lại chiến trường xưa”; gặp gỡ, tặng quà gần 800 CCB, gia đình chính sách ở bốn tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Kỷ niệm khó quên về chương trình thăm lại chiến trường xưa lần này là một cuộc hành quân trong mưa. Từ khi tổ chức Lễ dâng hương viếng Bác Hồ tại Khu di tích Kim Liên cho đến thăm Khu Lưu niệm Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc, viếng Nghĩa trang Đường 9, thăm Thành cổ Quảng Trị, làm Lễ cầu siêu tại bến sông Thạch Hãn... đều đằm trong mưa gió. Đặc biệt, việc dừng để làm Lễ viếng Bác tại Khu di tích Kim Liên, cứ ám ảnh tôi về chuyện tâm linh, về anh linh của Bác và các anh hùng liệt sĩ đã ra tay cứu đỡ, không thì chiếc xe khách chở 50 thành viên của đoàn chắc chắn bùng cháy trên đường và hậu quả sẽ khôn lường! Chuyến đi cũng để lại trong tôi một kỷ niệm nhỏ, đó là cuộc giao lưu chớp nhoáng tại T.P Đông Hà với anh Lâm Tư - Giám đốc VTV9. Anh Lâm Tư tỏ vẻ rất thích thú khi tôi ví von chuyến đi của chúng tôi chẳng khác gì “cái bang” thời hiện đại và làm báo với làm “bang” thời nay là một cặp phạm trù!
Cũng như chương trình “Nghĩa tình đồng đội” năm trước, sau chuyến hành quân “Về lại chiến trường xưa”, các thành viên của Đoàn vinh dự được Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tiếp, động viên. Đặc biệt, lần này, 200 đại biểu là doanh nhân CCB, các nhà hảo tâm được Phó chủ tịch Quốc hội tiếp cả tiếng đồng hồ tại Hội trường Diên Hồng của tòa nhà Quốc hội; nhiều vị còn tranh thủ lên chụp hình trên bục dành cho chủ tọa.... Tôi nghĩ niềm vinh hạnh này là kỷ niệm đẹp trong cuộc đời của mỗi thành viên tham gia chương trình!
Với chương trình “Sâu nặng ân tình” thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017), Báo cùng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ và Tập đoàn Thái Bình Dương phối hợp tổ chức. Được Tập đoàn Thái Bình Dương (do Anh hùng LLVTND Phan Văn Quý làm Chủ tịch HĐQT) tài trợ, cùng với tổ chức cuộc thi viết về đề tài thương binh liệt sĩ trên Báo CCB Việt Nam, Báo đã cùng hai đơn vị đồng tổ chức chọn bốn địa phương chịu nhiều hậu quả của chiến tranh, tiêu biểu cho ba miền Bắc - Trung - Nam, là xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên (địa phương diễn ra sự kiện ngày 27-7-1947, về sau được lấy làm Ngày thương binh, liệt sĩ), huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, huyện Củ Chi T.P Hồ Chí Minh và huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, để tặng quà các đối tượng chính sách. Nguồn tài trợ của Tập đoàn Thái Bình Dương không nhỏ, nhưng với một đất nước chịu nhiều mất mát bởi chiến tranh, càng đi, càng thấy hoạt động nghĩa tình không biết thế nào cho đủ! Ấn tượng mạnh về Chương trình lần này là Lễ tổng kết được tổ chức tối ngày 17-7-2017 tại Hội trường BQP được truyền hình trực tiếp trên VTV2, có Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đại biểu lãnh đạo nhiều Bộ, Ban - ngành T.Ư… tới dự.
Chương trình “Nghĩa tình đồng đội” lần thứ 8 được tổ chức vào trung tuần tháng 12-2018. Lần này, tôi lại cùng Ngô Ngọc Tuân và mấy anh chị bên Tập đoàn Truyền thông Quốc gia dẫn hơn một trăm doanh nhân CCB và nhà hảo tâm trở lại chiến trường Tây Bắc. Việc vận động tài trợ ngày càng khó khăn. Tuy vậy, với uy tín của Báo, chúng tôi cũng gom góp được một ít tiền, thuốc men và một ít vật chất làm quà tặng các CCB và người dân có hoàn cảnh khó khăn. Các tướng Cầm Xuân Ế (Hội CCB Sơn La), Lưu Trọng Lư (Điện Biên) phối hợp chặt chẽ cùng chúng tôi để có một chuyến đi mang nặng nghĩa tình. Những đồng tiền, món quà ít ỏi, nhưng được các CCB vượt đèo cao, dốc thẳm, mưa lạnh, lên trao tận tay đồng đội vùng cao… xui tôi nhớ câu ca: “Có qua kỳ lận đận mới hiểu tận lòng nhau!”.
Sau giao lưu tặng quà các đối tượng chính sách ở Sơn La, Điện Biên, thăm Di tích Nhà tù Sơn La, thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ, viếng Nghĩa trang liệt sĩ A1, làm lễ cầu siêu tại Nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao, Đoàn lật cánh qua Hà Giang, viếng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên và ngược lên Đồng Văn, thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Lũng Cú, làm Lễ chào cờ trên Cột cờ Lũng Cú.
Tôi không thể nào quên cảm xúc dâng trào khi làm lễ chào cờ trên đỉnh Cột cờ Lũng Cú sáng ngày 12-12. Cả trăm vị lính già căng ngực hát Quốc ca mà lệ trào tuôn cùng mưa lạnh tầm 3 độ! Đây là điểm nhấn của cả cuộc hành trình, bởi hầu hết các thành viên của Đoàn đều cảm ơn Báo và Tập đoàn Truyền thông đã giúp họ thực hiện được ước ao của cả đời người là đến được địa đầu Tổ quốc! Đặc biệt hơn, tối ngày 12 -12 về tới Hà Nội, thì cuối chiều ngày 13-12, Đoàn được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tại Trụ sở Chính phủ vừa mới khánh thành bề thế, sang trọng. Trong không khí thân tình, đầm ấm, Phó Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng nhiệt huyết cách mạng của CCB luôn rực cháy và Báo CCB Việt Nam đã góp phần làm lan tỏa chất lửa đó.
Sáu năm với bốn chương trình, sáu chuyến đi. Chuyến đi nào cũng mang nặng nghĩa tình, cũng để lại trong tôi những kỷ niệm nhọc nhằn nhưng đầy ý nghĩa về những ngày làm báo, làm “bang”!
Duy Tường