Cho đến hiện nay, lịch sử tố tụng ghi nhận, vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát (VTP) Group và SCB là “đại án kinh tế” lớn nhất lịch sử Việt Nam và thiệt hại do nó gây ra đối với toàn bộ nền kinh tế là không thể bù đắp được, vì áp lực tiêu cực đối với điều hành tiền tệ, mà rõ nhất là lãi suất/tỷ giá.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa SCB vào diện “kiểm soát đặc biệt”, đảm bảo yêu cầu tuyệt đối về thanh khoản, không chỉ với SCB mà còn trên toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Hàng trăm nghìn tỷ đồng thiệt hại, khách quan mà nói, đều đã và đang luân chuyển và đóng góp trong nền kinh tế Việt Nam. Một phần nào đó (nếu có) chảy ra nước ngoài chắc hẳn cũng đang và sẽ được thu hồi bằng nhiều cách...
Câu hỏi quan trọng hơn mà dư luận đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước, là làm sao đề ngăn chặn thêm các "SCB" trong tương lai? Cách đây gần 20 năm chúng ta nói nhiều đến “sở hữu chéo”. Và trong quá khứ cũng đầy rẫy những bài học từ sở hữu chéo, đặc biệt trong hoạt động ngân hàng thương mại. Đáng tiếc, những cảnh báo hóa ra chỉ giúp “sỡ hữu chéo” ngày càng tinh vi hơn.
Tại diễn đàn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu tiếp tục lên tiếng cho rằng, việc sở hữu chéo, chi phối và thao túng ngân hàng ngày càng phức tạp, cần phải xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân, tổ chức hay còn gọi với những cái tên mỹ miều, như "ông bầu"; "madam" nắm quyền... ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng. Họ là ai? Là các chủ doanh nghiệp lớn.
Chính vì thế mà có một tình trạng phổ biến là, tiền trong ngân hàng là tiền gửi của dân, nhưng người dân lại rất khó vay do những “quy định điều kiện vay” hết sức ngặt nghèo, trong khi lại quá dễ dàng cho doanh nghiệp “sân sau”. Điển hình như “Hệ sinh thái VTP Group” khuân rỗng tiền trong ngân hàng để tiêu xài cá nhân, làm ăn phi pháp.
Cũng phải ghi nhận rằng, trong giai đoạn sơ khai của thị trường tài chính vừa qua, nhiều đại gia mua lại các ngân hàng, đa phần lúc đó còn là “ngân hàng nông thôn”, rồi dần phát triển trở thành các nhà băng tên tuổi trên thị trường hiện nay. Họ có công lao không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế Việt Nam, góp phần quan trọng khẳng định vai trò của khối tư nhân.
Nhưng không ít trong số họ đã biến ngân hàng trở thành công cụ tài chính huy động vốn, điều chuyển một lượng lớn nguồn lực, chính là tiền gửi của người dân, cho các hoạt động kinh tế thân hữu, mà tỷ trọng lớn nhất là bất động sản (BĐS).
Xã hội đã hình thành tâm lý đầu cơ BĐS, dòng vốn không ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, mà “chôn” và "chết" ở BĐS dẫn tới lãi suất rất khó để hạ xuống. Với sản xuất kinh doanh, lãi suất cao đồng nghĩa với sức cạnh tranh teo tóp so với các đối thủ nước ngoài, trên “sân chơi” hội nhập.
Giá tài sản (chủ yếu là BĐS) phải càng tăng, thì định giá vay ngân hàng mới nhiều hơn, giúp giới chủ bù đắp các khoản vay và duy trì hệ thống. Giới địa ốc Sài Gòn, từng “kinh ngạc” về sự phóng khoáng của bà chủ VTP Group trong các thương vụ M&A (sát nhập và mua lại). Không ít người liên hệ sự phóng khoáng này với cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm "điên rồ" cuối năm 2021. Mục đích thì giờ chắc nhiều người đã hình dung rõ hơn.
Hoạt động tín dụng, ngân hàng được coi là “huyết mạch” của nền kinh tế. Những năm gần đây, thế giới đã và đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Dịch bệnh Covid-19 vừa qua, biến động địa chính trị ập đến và chưa có hồi kết... “tấn công” vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra nhiều khó khăn và hệ lụy cho các doanh nghiệp và các quốc gia. Việt Nam không là ngoại lệ.
Đáng tiếc, trong khi cả hệ thống chính trị tập trung cho nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát... thì vụ VTP Group và SCB đã xảy ra.
Đối với thanh tra, giám sát khi phát hiện các ngân hàng có hiện tương mất vốn sở hữu, khó khăn do mất thanh khoản, cần can thiệp sớm, và phải thường xuyên theo dõi, nếu phát hiện phải kiểm tra, thậm chí kiểm soát đặc biệt ngay từ lúc đầu. Đây là điều cần thiết.
Không có hoạt động thanh tra thì không có quản lý nhà nước. Hay nói cách khác, thanh tra là khâu thiết yếu của quản lý nhà nước. Thanh tra, giám sát ngân hàng được xác định “giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng...”([1]).
Về lý thuyết thì “hay thế”, nhưng trong thực tế, cụ thể như “Hệ sinh thái VTP Group” đã “bỏ túi” thanh tra từ trước khi thanh tra nhận nhiệm vụ đi thanh tra, do “có điều kiện” để khó thì mua thanh tra “bằng rất nhiều tiền”!
Có cơ sở để lo lắng rằng, nếu không sớm để ra biện pháp giám sát, ngăn chặn, có khả năng vẫn xảy ra những “SCB khác” trong tương lai gần.
Ngô Đức Hành
[1] Điều 1, Quyết định số 20/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ