Thế nhưng, hôm nay giữa nhịp sống hiện đại, vẫn còn không ít những người phụ nữ “quanh năm buôn bán ở mom sông”, những “bà Tú” ấy hàng ngày vẫn lặn lội trên chính cảng Thung Nai, xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Quanh năm “thân cò” lặn lội...

Vào một buổi sáng mùa hè, chúng tôi có dịp đến thăm Thung Nai, một cảng đưa đón khách du lịch sôi động nhất trên vùng hồ Hòa Bình. Vì thời điểm này đang là trung tâm của du lịch, nên khách thập phương đổ về tấp nập, cùng tiếng cười nói hoan hỉ vang lên khắp trên bến, dưới thuyền. Thế nhưng, phía sau tiếng nói cười vui vẻ ấy của du khách... là không ít những mảnh đời lam lũ của những chị em buôn bán ven sông, khiến chúng tôi liên tưởng ngay tới hình ảnh của bà Tú trong tác phẩm “Thương vợ” của thi sĩ Tú Xương. Chúng tôi liền gọi họ bằng cái tên thân mật là “Bà Tú cảng Thung Nai”. Họ đến đây không chỉ có người bản địa, mà còn có rất nhiều chị em ở nơi khác. Họ tảo tần sớm tối trên bến tàu du lịch để buôn bán, kiếm kế sinh nhai...

Chị Nguyễn Thu Thủy, quê ở Đan Phượng, Hà Nội lên cảng Thung Nai buôn bán được một thời gian tâm sự: “Vì chồng con thường xuyên đau ốm, bệnh tật nên tôi phải đi buôn bán kiếm tiền lo chữa bệnh. Ông bà nội ở nhà, dù sức khỏe yếu, nhưng vẫn phải chăm sóc trông nom cho cả chồng con tôi, Thôi thì, trăm thứ đổ lên đầu tôi, một mình nuôi bốn người, cả tôi nữa là năm. Bản thân tôi đã trải qua rất nhiều nghề như phụ vữa, thồ hoa quả buôn bán khắp nơi, nhưng tất cả công việc ấy đều nặng nhọc và cần có sức khỏe để gồng gánh. Giờ có tuổi không làm được việc nặng nên tôi chọn nơi này để hàng ngày buôn cái tép, bán cái tôm kiếm sống. Mỗi tháng trung bình cũng kiếm được ba đến bốn triệu đồng tiền lãi, nhưng vẫn không đủ chi tiêu hàng ngày”.

Khác với hoàn cảnh chị Thủy, chị Quách Thị Vầy, người dân tộc Mường là người có thâm niên buôn bán tại cảng Thung Nai chia sẻ: “Bố mẹ sinh tôi ra ở trên mặt nước sông, các cụ đều mất cả rồi. Tôi lớn lên trên dòng sông này, rồi lại lấy chồng sinh con đẻ cái trên dòng sông này. Hàng ngày, chồng tôi ở nhà trông các cháu, còn tôi thì buôn bán ở ven sông. Hôm nào cũng phải thức dậy từ sáng sớm tinh mơ, vì mình không thể trực tiếp đánh bắt cá tôm, nên tôi phải mua lại của những thuyền chài. Nếu không nhanh, người ta mua hết là mình “nhịn” luôn! Xong rồi nhặt sạch rác, để riêng tôm cá, cắt đầu đuôi gọn gàng. Tôm thì đem phơi khô, còn cá tươi phần thì nướng than hoa bán cho du khách ăn ngay, còn lại, mang phơi khô, đóng gói bán theo cân. Mỗi ngày trừ chi phí, tiền lãi trung bình được trên dưới một trăm nghàn đồng”.

...Vì mưu sinh cuộc sống

Trên con thuyền rẽ sóng đưa đoàn chúng tôi ngược lên thượng nguồn đến vãn cảnh cụm đền Bà Chúa Thác Bờ. Chúng tôi may mắn được cả 2 cha con ông Bùi Như Khoa và Bùi Như Khanh – vừa là chủ, vừa là người lái tàu, đồng thời là hướng dẫn viên đưa đoàn chúng tôi suốt cuộc hành trình. Sự từng trải hiện rõ trên gương mặt đậm vẻ phong sương của người cha, mái tóc đã điểm màu bạc, dù đã ngoài sáu tuổi, nhưng vẫn còn khỏe mạnh. Ông tâm sự: “Tôi vừa làm “hoa tiêu” vừa làm thuyền viên để giúp con trai điều khiển tàu. Lẽ ra tuổi này tôi ở nhà nghỉ ngơi, trông nom con cháu. Nhưng nhà neo người, phần vì thương vợ hàng ngày vẫn phải buôn bán cá tép phần vì thương cháu nó một mình, nên tôi đi làm với cháu để có thêm đồng ra, đồng vào”.

Đang mải mê tâm sự thì tàu đến điểm dừng, mọi người trong đoàn tạm thời chia tay cha con ông lão lên đền. Trước mắt chúng tôi, đường lên đền Bà Chúa Thác Bờ tấp nập người lên kẻ xuống. Dưới chân đền, có đủ các loại mặt hàng ăn uống phục vụ nhu cầu của du khách, nhưng nhiều và dễ nhận biết nhất đó là đặc sản tép khô và cá sông nướng than hoa. Chủ yếu là các chị em phụ nữ, vừa nẹp cá, quạt than, vừa nhanh nhảu mời chào du khách. Những xiên cá dài ngoẵng, những chú cá to, nhỏ đủ kích cỡ, vàng ươm, thơm phức, đầy hấp dẫn, được các chị, các mẹ nướng chín xếp lại ngay ngắn thẳng hàng, theo lối quanh đống than rực hồng. Tôi tiến lại gần một chị trạc 40 tuổi hỏi cá này bán thế nào chị? Một tay vừa thoăn thoắt lật, đảo những xiên cá, một tay vừa quệt vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên đôi má ửng lên vì than nóng, chị nhanh nhảu đáp: “Xiên nhỏ 10.000 đồng, xiên to 20.000 đồng. Còn những con to thì bán theo con, như con cá 5kg kia thì giá lên tới tận 600.000 đồng/1con. Tôi hỏi tiếp, thế chị có bán kém không? Một chị đứng bên cạnh, miệng cười tươi đáp: “Chúng em không biết nói thách như người dưới xuôi đâu. Giá chuẩn rồi đấy các anh ạ! Cân cũng chuẩn chỉ luôn, người dân ở đây không biết nói dối, các anh cứ yên tâm. Cái này mấy anh uống kèm bia thì thật tuyệt, ở đây chúng em cũng có bia phục vụ khách luôn đấy”.

Không muốn kéo dài cái cảm giác thèm thuồng những xiên cá thơm lừng, tôi mua liền mấy xiên, cả đoàn ăn ngay tại chỗ. Thật tuyệt! Có lẽ từ nhỏ tới giờ tôi mới được thưởng thức món cá sông nướng tại chỗ thế này. Ăn xong, chúng tôi còn mua mỗi người một vài túi tép và tôm sông phơi khô về làm quà, kèm theo mấy xiên cá nướng cùng vài lon bia mang lên khoang tàu để thưởng thức...

Chia tay hai cha con ông lão trên tàu, chia tay những người dân ở Cảng Thung Nai, chia tay những “bà Tú”; “ông Tú”û. Chúng tôi thấy tĩnh tâm thư giãn lòng mình, sau khi đã khám phá chiêm nghiệm, càng yêu cuộc sống này hơn; thêm vững bước trên đường đời, dẫu rằng chặng đường phía trước còn lắm gian nan...

Nguyễn Thắng