Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước.

Trong suốt hành trình tìm đường cứu nước và sau này, trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nhiều quốc gia, nhiều địa danh trong và ngoài nước.

Mỗi nơi Người đến, mỗi vùng đất Người đi qua, nhân dân trong nước và quốc tế đều cảm nhận rõ Người là hiện thân của những điều tốt đẹp nhất, kết tinh của nhân, trí, dũng; của sự giản dị, gần gũi, chân thực... Khi nhớ tới Bác, lòng ai cũng như trong sáng hơn.

Kể từ ngày Người ra đi, mảnh đất nơi Người đứng chân, hội trường nơi Người giảng bài, hành động thị phạm Người chỉ dạy nhân dân ngoài ruộng hay trong công xưởng... đã trở thành di sản vô giá cho nhân dân Việt Nam cũng như nhân loại tiến bộ. Với mỗi người Việt Nam không ai là không biết tới Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Thủ đô Hà Nội; Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An), Pắc Pó (Cao Bằng), Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Định Hóa (Thái Nguyên)... Tất cả những điều đó thể hiện tình yêu thương, kính trọng Bác vô ngần của mỗi người dân Việt Nam.

Không chỉ người dân Việt, mà bạn bè quốc tế, những người yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh ai cũng mong một lần tới viếng Bác nếu có dịp đến Việt Nam. Từ ngày Bác ra đi, chỉ riêng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã đón hơn 80 triệu lượt người đến tham quan khu di tích, trong đó có khách nước ngoài đến từ hơn 160 quốc gia. Hầu hết các vị nguyên thủ quốc gia và các đoàn khách quốc tế cấp cao khi đến Việt Nam đều tới thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch. Những phát biểu tốt đẹp, mang ý nghĩa sâu sắc khi tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được phát đi để rồi nhân lên sự tin tưởng với Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam, biến thành cơ hội hợp tác rộng mở của hôm nay và cả tương lai.

Theo số liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, cả nước có hơn 680 di tích và điểm di tích liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 35 tỉnh, thành phố. Đến nay, có 39 di tích đã được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa, trong đó 5 di tích được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Những năm qua, các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, giới thiệu thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi di tích là trường học trực quan sinh động, một trong những thiết chế văn hóa đặc thù mang lại hiệu quả thiết thực trong các hoạt động kinh tế, văn hóa-xã hội; góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, đạo đức cách mạng, phong cách lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam. Các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với ý nghĩa văn hóa, tư tưởng sâu sắc hiện đã trở thành những điểm du lịch tham quan đặc biệt quan trọng có sức thu hút khách du lịch rất lớn. Mỗi năm các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả nước đón hơn 5 triệu khách trong nước và quốc tế đến tham quan cho thấy ý nghĩa và giá trị quan trọng của hệ thống các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để mỗi di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành những điểm du lịch hấp dẫn khách tham quan trong nước và quốc tế, cần gắn kết với nét đặc trưng văn hóa độc đáo và không gian văn hóa đặc sắc, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực của các vùng miền trên cả nước, nơi gắn liền với di tích về Bác Hồ. Từ đó làm nổi bật thêm sự giản dị mà vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng; dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam nói chung... trở thành những hình ảnh thân thuộc đi vào ký ức của mỗi người Việt Nam và bạn bè thế giới, góp phần vào việc phát triển du lịch bền vững tại các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

NGUYỄN HÒA