Ông Công có cách nói chuyện sôi nổi, cuốn hút người nghe. Ông trưởng thành từ một cán bộ xã, rồi lên làm việc ở Hội nông dân huyện, từ năm 2008 cho đến nay gần trọn10 năm gắn bó với hoạt động công đoàn. Vì vậy, ông rất tường tận công việc ở cơ sở, hiếu sâu và nắm vững về các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến ngành công đoàn. Theo ông cho biết, điểm mạnh nhất của Công đoàn huyện Cẩm Xuyên được cấp trên đánh giá và ghi nhận trong thời gian qua là công tác phát triển tổ chức hội. Toàn huyện hiện có 134 công đoàn cơ sở, trong đó 72 công đoàn cơ sở thuộc trường học, 27 công đoàn cơ sở thuộc khối xã, thị trấn; 14 công đoàn cơ sở thuộc khối hành chinh, sự nghiệp cấp huyện, số còn lại thuộc về doanh nghiệp và Hợp tác xã. Tổng số có trên 4600 đoàn viên, nhưng gần một nửa thuôc công đoàn ngành giáo dục. Ông cũng cho biết trung bình mỗi năm công đoàn huyện thành lập mới được từ 2-3 thành viên. Theo ông Công, phát triển hội là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và rất cần thiết, ở đâu có người lao động thì ở đó cần phải có tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi cho họ, tuy vậy nói thì dễ nhưng để thành lập được một tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp hay HTX lại không đơn giản. Chúng tôi phải làm công tác tuyên truyền, giáo dục, có khi phải mất thời gian từ 2-3 năm, với cách làm “ mưa dầm thấm lâu “, ban đầu họ hiểu tổ chức công đoàn còn đơn giản, thậm chí có nhiều người chủ trì đơn vị đứng ngoài cuộc, phó mặc cho cấp dưới. Chúng tôi phải đi sâu, đi sát, tìm hiểu cụ thể việc làm của doanh nghiệp, của HTX, kịp thời có mặt động viên các đơn vị những lúc khó khăn, hoạn nạn. Những món quà của chúng tôi tuy là nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa, đến với công nhân lao động kịp thời khi họ bị tai nạn rủi ro, bị mất việc làm, bị bỏ rơi cả quyền lợi… Từ đó, người đứng đầu doanh nghiệp hay hợp tác xã thấy không thể thiếu vai trò của tổ chức công đoàn trong đơn vị. Tất nhiên, để có được một tổ chức công đoàn mới ra đời là sản phẩm chung của cả tập thể, cơ quan ban ngành, trong đó có sự tham mưu đóng vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn huyện.
Vui chuyện, tôi hỏi ông Công: vậy thì mỗi khi có tổ chức công đoàn mới thành lập là niềm vui, là thành quả trong công tác tuyên truyền, vận động, trong các tổ chức mới ra đời đơn vị nào gây ấn tượng cho ông nhiều nhất?
Ông Công “ à “ lên một tiếng và lấy làm tâm đắc khi nói về sự ra đời của Nghiệp đoàn nghề cá Cẩm Nhượng. Đó là vào năm 2013, tổ chức công đoàn nghề cá đầu tiên được thành lập ở Công đoàn Hà Tĩnh ( hiện nay đã có thêm nghiệp đoàn nghề cá Thạch Kim ) . Nghiệp đoàn nghề cá ra đời đã đem lại niềm vui rất lớn cho bà con ngư dân, mở ra những triển vọng về công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi lao động cho những người ra khơi đánh bắt hải sản. Hoạt động được một thời gian thì gập phải sự cố môi trường biển, cá chết chưa rõ nguyên nhân, gây ra tư tưởng hoang mang, lo lắng trong bà con ngư dân. Công đoàn các cấp đã phối hợp với Nghiệp đoàn nghề cá Cẩm Nhượng làm tốt công tác tuyên truyên, giải thích để bà con ngư dân yên tâm chờ đợi kết quả kiểm tra; mặt khác không nghe kẻ xấu lợi dụng kích động, lôi kéo làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên dịa bàn. Sau khi tìm ra nguyên nhân cá chết, để đảm bảo quyền lợi, bà con ngư dân được nhận tiền đền bù từ phía Công ty Fomosa, ngư dân yên tâm đóng mới tàu thuyền, sắm sửa dụng cụ và ra khơi đánh bắt cá. Điển hình như đồng chí Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Cẩm Nhượng ngoài số tiền được đền bù còn vay thêm ngân hàng để đóng một tàu mới có công suất lớn 820CV, trị giá khoảng 14 tỷ đồng đã ra khơi bám biển, một tấm gương sáng cho bà con ngư dân học tập.
Vừa đảm nhận công việc của một Chủ tịch Công đoàn, ông Phạm Viết Công còn là đại biểu HĐND huyện 2 khoá liền. Trao đổi về trách nhiệm của một đại biểu, ông Công cho biết: khi còn là cán bộ xã Cẩm Quan, ông đã tham gia 3 nhiệm kỳ HĐND xã, vì vậy công việc của một đại biểu đối với ông thường xuyên được đặt lên hàng đầu, nhất là tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả các kỳ họp, báo cáo việc xử lý các ý kiến cử tri phản ánh. Mỗi lần như vậy, ông luôn theo dõi, tiếp thu và ghi nhận những tâm tư nguyện vọng của cử tri, những ý kiến bày tỏ kiến nghị quyền lợi của người lao động về tiền lương, bảo hiểm, về các chính sách an sinh xã hội. Sau đó, tập hợp các ý kiến của cử tri để phản ánh lên câp trên, chất vấn giữa các kỳ họp, cùng tìm ra một giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và người lao động.
Trước khi chia tay, ông Công còn kịp nói với tôi về kế hoạch trao nhà “ mái ấm công đoàn “ năm 2017, sẽ khảo sát và xây dựng 10 ngôi nhà mái ấm công đoàn cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, trong đó dự kiến Công đoàn Tỉnh trao 4 ngôi nhà trị giá mỗi ngôi từ 35-40 triệu đồng, Công đoàn huyện 6 ngồi trị giá từ 15-20 triệu đồng. Đây là việc làm thiết thực hàng năm, đồng thời phản ánh được sự quan tâm của tổ chức công đoàn đói với người lao động.
Ông Phạm Viết Công, Chủ tịch Công đoàn huyên Cẩm Xuyên, đúng như nhiều người khen ngợi: “ như cánh chim không mỏi ‘.

Bài và ảnh: Lê Anh Thi