Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị BRICS mở rộng 2024.
Trong các ngày 23 và 24-10, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS và BRICS mở rộng diễn ra tại T.P Kazan, Liên bang Nga. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 22 đoàn có đại diện ở cấp cao nhất. Hội nghị cũng có sự tham dự của lãnh đạo 6 tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng thư ký Liên Hợp quốc - Antonio Guterres. Hội nghị năm nay là Hội nghị lần thứ 16 nhưng là Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên sau khi BRICS được mở rộng năm 2023. Đây cũng là sự kiện đối ngoại quy mô lớn nhất được tổ chức ở Nga trong những năm gần đây.
Với chủ đề “BRICS và Nam bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, lãnh đạo các nước đã tập trung thảo luận các định hướng lớn để giải quyết những vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu như xung đột, khủng bố, xóa đói nghèo, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực… Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh: BRICS phải là nơi để các quốc gia cùng phối hợp vì mục tiêu chung là phát triển thịnh vượng, góp phần tăng cường hợp tác ở Nam bán cầu, thúc đẩy nỗ lực chung của các nước đang phát triển trong ứng phó thách thức, cải thiện quản trị toàn cầu theo hướng công bằng và toàn diện hơn.
Tuyên bố Kazan được thông qua tại Hội nghị nêu rõ: BRICS hướng tới một trật tự thế giới đa cực công bằng, bình đẳng, dân chủ và cân bằng, đồng thời mang lại nhiều cơ hội hơn cho các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển được hưởng lợi từ toàn cầu hóa kinh tế. Bên cạnh đó, lãnh đạo các quốc gia BRICS bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động tàn phá của những biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp đối với nền kinh tế thế giới và thương mại quốc tế, cũng như đối với việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tuyên bố Kazan cũng kêu gọi cải cách hệ thống tiền tệ Bretton Woods (sử dụng đồng USD làm thước đo) nhằm tăng cường sự đại diện của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Các nước BRICS cũng được khuyến khích tăng cường hợp tác tài chính và thúc đẩy các hình thức thanh toán bằng tiền tệ địa phương. Tại Hội nghị, Nga đã công bố nền tảng "BRICS Bridge", cho phép thanh toán bằng các loại tiền tệ quốc gia và tiền kỹ thuật số. Điều này không chỉ giúp các quốc gia thành viên giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD mà còn tạo điều kiện cho việc thúc đẩy thương mại nội khối.
Các nước thành viên BRICS nhất trí hỗ trợ Ngân hàng Phát triển mới (NDB) trong việc thực hiện chiến lược chung cho giai đoạn 2022-2026 và mở rộng tài trợ bằng đồng nội tệ. Mục tiêu, tập trung xây dựng NDB thành một loại ngân hàng phát triển đa phương mới cho thế kỷ XXI, hỗ trợ việc mở rộng thêm thành viên và đẩy nhanh việc xem xét các đơn xin gia nhập BRICS theo chiến lược chung và các chính sách liên quan. Các nhà lãnh đạo BRICS cũng thống nhất trong việc ủng hộ cải cách LHQ, bao gồm cải tổ Hội đồng Bảo an để tăng cường tính đại diện và hiệu quả. Đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy dân chủ và đa dạng hóa quyền lực quốc tế, phản ánh tầm nhìn của BRICS về một thế giới đa cực.
Nhóm BRICS hiện có 9 quốc gia thành viên chính thức (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, UAE) chiếm khoảng 45% dân số thế giới, 35% GDP toàn cầu theo sức mua tương đương (PPP) và 50% sản lượng dầu thế giới. Hiện có đến hơn 30 quốc gia đang mong muốn tham gia hoặc hợp tác với BRICS dưới các hình thức khác nhau, trong đó có các quốc gia từ châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh. Điều này thể hiện sự hấp dẫn của BRICS đối với các nước đang phát triển, khi BRICS ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình hệ thống kinh tế toàn cầu. Với sức mạnh và tiềm năng của mình, BRICS đang trở thành một đối trọng với Nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) và các tổ chức phương Tây khác. Đặc biệt, đang hướng tới việc trở thành tổ chức bảo vệ cho những nhu cầu và mối quan tâm của người dân ở khu vực Nam bán cầu.
Như lời khẳng định của Tổng thống Nga - Vladimir Putin - Chủ tịch BRICS năm 2024: BRICS sẽ tiếp tục phát huy vai trò, thúc đẩy hợp tác toàn cầu, trao cho tất cả các quốc gia cơ hội bình đẳng, xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu cân bằng và công bằng hơn, nâng cao hơn nữa vai trò của các quốc gia đang phát triển nhằm xây dựng một thế giới tốt hơn, trong đó các lợi ích chính đáng và quyền phát triển của tất cả các dân tộc được tôn trọng.
Đăng Song