Các CCB bên tượng đài Đoàn kết và chiến thắng tại Chiến khu Ba Lòng.

Đầu năm 1950, khi tôi đang làm Chánh Văn phòng Huyện ủy Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa thì được Tỉnh ủy Thanh Hóa cho đi học văn hóa tại Trường trung học bình dân Hoàng Hữu Nam của Liên khu ủy 4 mở. Đến tháng 7-1950, do yêu cầu được điều động sang học ở lớp Địch vận của Phòng Chính trị thuộc Bộ Tư lệnh Liên khu ủy 4. Xong khóa học được bố trí làm cán bộ địch vận của Ban Địch vận thuộc Phòng Chính trị Liên khu ủy 4. Đến đầu năm 1951, được điều động biệt phái công tác tại Ban Địch vận của Tỉnh đội Quảng Trị - trụ sở đóng tại Chiến khu Ba Lòng.

Ba Lòng là thung lũng nằm cách thị xã Quảng Trị khoảng 10km về phía tây theo đường sông Thạch Hãn, cách thị xã Đông Hà 45km về phía tây bắc theo quốc lộ số 9. Chiến khu Ba Lòng được bao bọc bởi các đồi núi cao hiểm trở, có đường giao thông liên lạc thuận tiện với các vùng miền trong tỉnh, với Chiến khu Dương Hòa của tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh phía Nam cũng như đi ra phía tây tỉnh Quảng Bình cùng với vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh và phía biên giới Việt - Lào.

Trong thung lũng Chiến khu Ba Lòng có đặc điểm là đất đai rất màu mỡ, có nhiều khu núi rừng với nhiều lâm thổ sản nên có điều kiện để sản xuất lương thực, thực phẩm, đảm bảo tự cấp. tự túc cho lực lượng kháng chiến và nhân dân trong thời điểm bị bao vây, chia cắt, dừng đứt liên lạc với bên ngoài.

Với những thuận lợi về địa hình, Ba Lòng thực sự là một chiến khu tốt, một căn cứ cách mạng để các cơ quan của Đảng, chính quyền, quân sự, an ninh, Mặt trận, các đoàn thể quần chúng, công xưởng, tài chính, thương mại... thành lập trụ sở, đảm bảo hoạt động an toàn, thuận lợi. Cơ quan Tỉnh đội được bố trí tại thôn Làng Hạ. Các cuộc hội nghị lớn đặc biệt là các Đại hội Đảng bộ tỉnh lúc bấy giờ đều được tổ chức tại chiến khu này…

Vì thế Chiến khu Ba Lòng được xem là trung tâm lãnh đạo kháng chiến, căn cứ hậu phương, hậu cần, trung tâm đào tạo cán bộ quân sự, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ… của tỉnh Quảng Trị.

Từ năm 1948 đến 1950, đã 2 lần giặc Pháp tập trung huy động lực lượng lớn gồm bộ binh, pháo binh, máy bay, ca nô tiến đánh lên Ba Lòng nhưng đã bị quân và dân các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Cam lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh đẩy mạnh hoạt động chiến tranh du kích, phối hợp với quân dân chiến khu chiến đấu chống càn nên buộc quân Pháp phải quay về đồng bằng để đối phó với quân dân cách mạng.

Đầu năm 1948, T.Ư quyết định thành lập Phân khu Bình Trị Thiên, trực thuộc Liên khu 4. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên T.Ư Đảng làm Bí thư Phân khu ủy, đồng chí Trần Quý Hai làm Phân khu trưởng. Trụ sở Phân khu đặt ở Ba Lòng.

Cũng tại Ba Lòng, cuối năm 1948, Ban Văn hóa văn nghệ Bình Trị Thiên được thành lập, gồm những người làm công tác văn hóa như Phan Văn Huy, Hoàng Đức Trạch, Lưu Trọng Lư, Vĩnh Mai, Võ Thuần Nho (em trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp)…

Đầu năm 1950, Bộ Chỉ huy Mặt trận Bình Trị Thiên đươc thành lập do đồng chí Hà Văn Lâu làm Tư lệnh; đồng chí Trần Quý Hai làm Chính ủy. Lễ ra mắt Bộ Tư lệnh được tổ chức tại chiến khu Ba Lòng.

Chiến khu Ba Lòng còn là trạm dừng chân an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các liên khu mỗi khi có công vụ vào Nam ra Bắc. Tiêu biểu như đoàn của đồng chí Lê Đức Thọ năm 1949, đoàn của đồng chí Phạm Văn Đồng năm 1951, đoàn của đồng chí Lê Duẩn năm 1952. Đồng chí Lê Duẩn cũng là người con của Quảng Trị lúc này đang công tác tại T.Ư Cục miền Nam đi ra Bắc làm việc với T.Ư Đảng, với Bác Hồ.

Khi dừng chân tại đây, đồng chi Lê Duẩn có buổi nói chuyên chân tình, sâu sắc với cán bộ chủ chốt tỉnh Quảng trị. Đồng chí khuyên anh em ở Chiến khu làm giá đậu xanh để tăng thêm chất dinh dưỡng cho từng bữa ăn, góp tiền may màn ngủ chống muỗi, bộ đội phải phân công nhau về đồng bằng gánh gạo thay dân, tổ chức đời sống vui vẻ, làm cho cán bộ, chiến sĩ quên đi khó khăn gian khổ.

Cũng tại Ba Lòng đầu năm 1952, Đảng ủy Mặt trận Bình Trị Thiên tổ chức Hội nghị Ban Quân Chính Đảng ba tỉnh để bàn phương thức tác chiến nhằm đối phó với những âm mưu, thủ đoạn mới của địch và xúc tiến việc xây dựng LLVT, đặc biệt là bộ đội chủ lực để chuẩn bị chuyển sang tiến công trên toàn chiến trường Bình Trị Thiên.

Đông Xuân 1953-1954, ở Chiến khu Ba Lòng, quân và dân ta khắc phục khó khăn, duy trì, đẩy mạnh phong trào kháng chiến, tích cực phối hợp với phong trào trong tỉnh cùng với chiến trường chính ở Bắc Bộ, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Đông Xuân với đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Ngày 21-7-1954 tại Chiến khu Ba Lòng, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội nghị cán bộ để thảo luận, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa 2, tập trung thảo luận, phân tích về tình hình nhiệm vụ của tỉnh sau Hiệp định Giơ-ne-vơ có hiệu lực…

Hơn 60 năm trôi qua, nhưng hình ảnh và tố chất anh hùng, sáng đẹp của Chiến khu Ba Lòng nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung vẫn in đậm trong tâm trí tôi, vì ở đây tôi đã được sống, chiến đấu, học tập, tu dưỡng để trưởng thành và anh ruột của tôi - Văn Như Chức cũng là một chiến sĩ đã xung phong lên đường Nam tiến đợt đầu tiên và chiến đấu rồi hy sinh tại chiến trường Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị ngày 11-6-1947. Cho nên sau khi trở về quê Thanh Hóa, tôi và gia đình vẫn vào thăm lại chiến trường xưa, để viếng mộ anh tôi và để nhận biết, cùng chung vui với những thành quả sáng đẹp công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh Quảng Trị anh hùng ở thời kỳ hòa bình, xây dựng.

Văn Như Tước