Nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn, sinh năm 1921, quê ở thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long. Thuở nhỏ, ông theo học Trường Cô-li-e Cần Thơ (nay là Trường THPT Châu Văn Liêm). Ông thường xuyên tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong, nên có điều kiện giao lưu với các bậc đàn anh như Lưu Hữu Phước, Nguyễn Mỹ Ca, Trần Bửu Kiếm, Ung Ngọc Ky… và tập viết nhạc từ rất sớm.
Mùa thu năm 1945, chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi giành được độc lập, người dân miền Nam lại phải đối mặt, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai. Được hậu thuẫn của đế quốc Anh, ngày 23-9-1945, quân Pháp đã đánh úp các công sở và những vị trí chiến lược. Toàn miền Nam đã đứng lên đáp lời kêu gọi của ủy ban kháng chiến. Chính trong những ngày tháng hào hùng đó, có một bài hát đã ra đời kịp thời như là một lời tuyên thệ, lời hiệu triệu toàn dân “Mùa thu rồi, ngày hăm ba ta đi theo tiếng ca sơn hà nguy biến…”. Đó là bài hát “Nam Bộ kháng chiến” do Tạ Thanh Sơn viết lúc ông 25 tuổi tại làng Mỹ Xuyên (Đồng Tháp). Bài hát ấy được đăng trên báo Độc Lập và được phổ biến rộng rãi ở chiến khu Nam Bộ.
Nhiều người có dịp học, công tác cùng Tạ Thanh Sơn kể rằng: Ông rất có năng khiếu về âm nhạc, học rất giỏi môn nhạc và chơi đàn măng-đô-lin rất hay. Ngoài giờ học, Tạ Thanh Sơn hay rủ bạn bè đi ra bãi cồn gần chợ Cần Thơ nghe hát đối vì ông rất thích loại hình này.
Sau khi học xong trung học tại Cần Thơ, Tạ Thanh Sơn lên Sài Gòn làm nghề giáo viên. Cũng chính những năm này phong trào thanh niên tiền phong tại Sài Gòn bắt đầu phát triển mạnh, Tạ Thanh Sơn đã tham gia lực lượng Thanh niên Tiền phong. Chính lực lượng này là trụ cột và góp phần rất lớn trong cuộc Cách mạng tháng tháng Tám 1945. Sau ngày 23-9, nhiều chiến sĩ Thanh niên Tiền phong đã trở thành lực lượng nòng cốt của cách mạng, người ra chiến khu, người ở lại hoạt động trong nội thành. Tạ Thanh Sơn tiếp tục với nghề giáo, tham gia hoạt động trong lòng địch. Nhiều cán bộ cách mạng nhận xét : ông Sơn là người năng nổ, hoạt động tích cực và luôn cho rằng bài hát “Nam Bộ kháng chiến” chỉ là một đóng góp nhỏ cho cách mạng. Sau năm 1954, Tạ Thanh Sơn vẫn tiếp tục dạy học ở Sài Gòn; có thời gian ông đưa gia đình sang Campuchia rồi lại quay về Cần Thơ sinh sống. Sau ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975), Tạ Thanh Sơn đã được gặp lại nhiều đồng nghiệp trong nghiệp đoàn giáo học tư thục ngày xưa tại Sài Gòn và tham gia tại MTTQ tỉnh Cần Thơ, nay là TP. Cần Thơ.
Cuối năm 2004, trong đợt hội thảo về xây dựng tượng đài Nam Bộ kháng chiến, nhiều đại biểu đã cho rằng nên lấy hình tượng cái nóp trong bài hát của Tạ Thanh Sơn để thể hiện tinh thần ngày 23-9 của người dân miền Nam. Theo ý kiến tại hội thảo, hình ảnh chiếc nóp đã gắn liền với đời sống của người chiến sĩ cách mạng lúc bấy giờ và đã phản ánh rất sinh động tinh thần chiến đấu hào hùng, anh dũng của quân và dân miền Nam. Đã 71 năm trôi qua, tinh thần và khí phách của người dân miền Nam vẫn còn hừng hực qua bài hát “Nam Bộ kháng chiến” và luôn lắng đọng mãi trong tâm trí mọi người; nhất là vào dịp cả nước kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9) hằng năm.
Ông Lê Văn Nguyên, 90 tuổi ngụ thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long kể lại: “…Hồi đó bài hát nầy hầu như bộ đội Việt Minh, du kích, người dân ai ai cũng biết vì rất sôi động, hấp dẫn thôi thúc toàn quân, toàn dân kháng chiến chống Pháp…”
Lời bài hát “Nam Bộ kháng chiến” xưa vẫn còn đây, rộn rã thúc giục bước quân hành “…Cờ thắm phất phơ ngang trời sao vàng xao xuyến khắp nơi bưng biền, một lòng thề với tổ tiên. Thề giết hết quân xâm lăng. Ta đem thân ta đền cho nước, ta đem thân ta đền ơn trước. Muôn thu sau rạng tiếng oai hùng. Người dân Việt đất nước Nam…”.
Trần Trấn Giang