Nhóm nghiên cứu khảo sát tại 19 xã của các huyện: Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, Sa Pa và Bát Xát, thu thập được thông tin của 136 cặp nam nữ chưa đủ tuổi kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng. Trong đó: 80/136 trường hợp nữ có độ tuổi từ 12-17 tuổi, 56 trường hợp nam có độ tuổi từ 15-19 tuổi; nhiều nhất là xã La Pán Tẩn, Dìn Chin (huyện Mường Khương); xã Bản Già, Tả Van Chư và Bảo Nhai (huyện Bắc Hà). Hầu hết các em nữ mới chỉ ở độ tuổi 15-16 đã được gả về nhà chồng, sinh con được 1-2 tuổi mới đủ tuổi ra UBND xã đăng ký kết hôn. Theo báo cáo của các địa phương, từ 2015 đến nay, toàn tỉnh Lào Cai có gần 1.900 trường hợp tảo hôn.

Nguyên nhân là do trình độ dân trí của đồng bào các DTTS chưa cao nên quan niệm của bà con là khi con cái trưởng thành, phải kết hôn với anh em cùng dòng tộc thì mới thương nhau. Với lối suy nghĩ đó, nên tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở đây rất phổ biến. Mặt khác, việc bỏ tiền ra cưới vợ cho con cũng đồng nghĩa với việc trong nhà sẽ có thêm người làm, có thêm người cáng đáng việc gia đình. Do đó, việc cưới con dâu về nhà được diễn ra càng sớm càng tốt mà họ chưa hiểu rõ được tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Nhiều trường hợp “lỡ mang thai” cũng buộc phải tổ chức đám cưới, sinh con xong khi nào đủ tuổi thì đăng ký kết hôn.

Để giải quyết vấn đề này, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Với mục tiêu đến năm 2020, các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát phấn đấu giảm từ 70-80%/năm số người tảo hôn, các huyện còn lại giảm từ 85-90%/năm và không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Đến năm 2025, căn bản chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.

Theo ông Nguyễn Hữu Thể - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, để cụ thể hóa mục tiêu này, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Cần hiểu sâu phong tục tập quán của từng dân tộc sinh sống trên địa bàn để có phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp. Tập trung tuyên truyền vào những đối tượng có nguy cơ cao, dễ dẫn đến việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Huy động Người có uy tín trong đồng bào DTTS, đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên, cộng tác viên ở cơ sở... trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt Luật Hôn nhân và gia đình..

Tân Xuân