Những năm gần đây, công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa luôn được các cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Đội ngũ y bác sĩ ở đây là những y - bác sĩ có năng lực chuyên môn tốt của các Bệnh viện quân y 108, 103, 175, 354… được luân phiên cử ra đảo làm nhiệm vụ. Ở những đảo cấp 1 như Trường Sa Lớn, Sinh Tồn..., cơ sở trang thiết bị y tế được đầu tư khá đầy đủ, có khả năng chữa trị tương đương bệnh viện cấp huyện ở đất liền. Những đảo nổi nhỏ khác, tất cả các trạm quân y đều có phòng mổ, trang bị nhiều máy móc hiện đại có thể chữa trị được những bệnh như viêm ruột thừa, thủng dạ dày, các bệnh phổi, chấn thương nặng. Nhiều bệnh xá có hệ thống trực tuyến để nhận sự hỗ trợ từ đất liền khi gặp những ca phẫu thuật phức tạp.
Bệnh xá đảo Nam Yết có 7 cán bộ, gồm 2 bác sĩ và 5 điều dưỡng thuộc Bệnh viện quân y 103. Bệnh xá được trang bị 1 máy gây mê nội khí quản, 1 máy siêu âm, máy hút sau mổ cùng nhiều trang thiết bị khác và nhiều cơ số thuốc phục vụ thăm khám. Bác sĩ Nguyễn Đình Thành - Bệnh xá trưởng cho biết: Bệnh xá hoạt động độc lập, vừa là tuyến đầu tiên, vừa là tuyến cuối. Xác định công tác chăm sóc sức khỏe của bộ đội, nhân dân là nhiệm vụ cao cả nên tập thể Bệnh xá luôn nỗ lực. “Ở đảo, chúng tôi nhận thấy tinh thần, trách nhiệm của các chiến sĩ hải quân rất lớn; họ không ngại khó, ngại khổ để ngày đêm canh giữ biển, đảo của Tổ quốc. Nhiều cán bộ hải quân còn xung phong ở lại nhiều năm để canh giữ biển đảo. Vì vậy, những khó khăn mà chúng tôi gặp phải không đáng gì so với các anh” - bác sĩ Thành chia sẻ. Trong năm 2016, các y bác sĩ của Bệnh xá đã thăm, khám cho gần 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ của đảo và hơn 100 lượt ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ.
Bệnh xá đảo Song Tử Tây có 8 y, bác sĩ. Bên cạnh những kinh nghiệm từ thực tế chữa trị ở đảo, các thầy thuốc ở đây còn được hỗ trợ đắc lực của các phương tiện kỹ thuật. Những ca bệnh nặng, bệnh nhân được hội chẩn với những chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 thông qua hệ thống Telemedicine hoặc qua điện thoại trực tiếp. Năm 2016, Bệnh xá khám, cấp phát thuốc 1.257 lượt người, trong đó hải sản có 427 lượt ngư dân đánh bắt ở ngư trường Trường Sa; cấp cứu và phẫu thuật cho hơn 20 bệnh nhân, trong đó có các trường hợp đe dọa đến tính mạng nếu không được cứu chữa kịp thời như: 2 ngư dân bị viêm ruột thừa cấp; 2 ngư dân bị mất máu nặng do tai nạn trên biển và một trường hợp xuất huyết tiêu hóa... Gần đây nhất, các bác sĩ ở đảo Song Tử Tây đã phẫu thuật thành công cho ngư dân Nguyễn Đăng Huy, thuyền viên tàu cá KH 90208 TS (P.Vĩnh Phước, TP. Nha Trang, Khánh Hòa) bị máy xay đá cắt tay khi đang đánh bắt hải sản ở gần khu vực đảo. Đại úy, bác sĩ Đặng Trung Dũng, 33 tuổi-Bệnh xá trưởng tâm sự: “Đây là môi trường thuận lợi để chúng tôi rèn luyện toàn diện, các thầy thuốc ở đây được học tập thực tế rất nhiều về chuyên môn, nghiên cứu, điều trị trong nhiều tình huống, sẵn sàng chiến đấu... Chứng kiến ngư dân đánh bắt xa bờ vất vả, anh em đều dồn tâm sức và tình yêu thương để điều trị cho ngư dân sớm bình phục, trở lại ngư trường”.
Công tác y tế dự phòng, vệ sinh phòng dịch, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh luôn được các bệnh xá quan tâm làm tốt. Ngoài ra, các y bác sĩ ở quần đảo Trường Sa còn thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện quân sự, huấn luyện tổ chức chỉ huy quân y trên biển đảo, tự học tập thêm nhiều tài liệu chuyên ngành để nâng cao tay nghề, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và tăng gia sản xuất... Họ xứng đáng với niềm tin yêu của bộ đội và nhân dân - những người đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Duy Quang