Một trong những bài thơ đó là “Ngôi nhà của chú bộ đội” tôi viết đã rất lâu rồi khi mới hết tuổi thiếu niên. Dễ hơn 50 năm có lẻ. Đó là vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, khi miền Bắc đánh trả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bằng không quân. Khi đó tôi đang là học sinh Trường cấp II (nay là THCS) Vân Nội. Trên cánh đồng quê tôi có một trận địa pháo của các chú bộ đội, ở đó có một ngôi nhà bằng bạt màu xanh áo lính bên những khẩu pháo luôn chĩa thẳng nòng vào bầu trời, sẵn sàng đánh trả máy bay địch nếu chúng bén mảng đến đây.
Ngày ấy, nhà trường thường tổ chức cho học sinh đi tham quan đây đó. Hôm được đến trận địa pháo của các chú bộ đội cách không xa trường là mấy, chúng tôi vui lắm. Đến nơi, các chú đón đàn cháu như người nhà, rồi đưa thầy trò ra thăm trận địa pháo. Trông mấy chú đang ngồi trong bệ pháo, nét mặt trang nghiêm dõi lên trời mà thấy thật tự hào! Thăm xong trận địa pháo chúng tôi vào nhà bạt, sinh hoạt văn nghệ với các chú bộ đội, nghe các chú kể về cuộc sống trong ngôi nhà mái lợp vải, hát vang cả một góc đồng xanh! Có chú thổi sáo rất hay, tiếng sáo lúc bay bổng, lúc reo rắt. Có chú đánh đàn rất cừ. Nghe chuyện các chú mới thú vị làm sao!
Về nhà, tôi lấy bút ghi lại bài thơ “Ngôi nhà của chú bộ đội” với câu, chữ giản dị: “Ngôi nhà của chú/ Đứng giữa cánh đồng/ Mái lợp vải bạt/ Xanh màu lúa xanh/ Chú bảo ở đây/ Đêm hè thích lắm/ Hương lúa ùa đầy/ Thơm như quả chín/ Tha hồ mà ngắm/Thương chú nhái bén/ Phồng mồm gọi mưa... Theo chú bắt nhịp/ Chúng cháu hát vang/ Đi giữ đất nước/ Nay đó mai đây/ Chú ở nhà bạt/ Vẫn vui tháng ngày!” (rút trong tập thơ “Đại dương hình chữ nhật”, NXB Thanh niên-1998). Thật là một thế giới sống động của Bộ đội Cụ Hồ, sống lạc quan trong ngôi nhà dã chiến đơn sơ.
Trong cuốn “Từ điển văn học thiếu nhi”, NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội-2006, nhà phê bình văn học Trần Bảo Hưng viết rằng tôi đã phả vào các bài thơ cho bạn đọc nhí một nội tâm phong phú. Trong các câu, đoạn thơ mà ông trích dẫn trong từ điển này, có hai câu trong bài “Ngôi nhà của chú bộ đôi”: “Thương con nhái bén/ Phồng mồm gọi mưa!”. Chính với tình thương ấy mà các chú bộ đội đã chẳng quản khó khăn gian khổ khi sống trong ngôi nhà bằng vải bạt, chiến đấu, bảo vệ đất nước Việt Nam thân yêu.
Giờ thì các chú bộ đội - nhân vật chính trong bài thơ thiếu nhi tôi viết năm xưa đã là những CCB đang sống cùng con cháu ở một vùng quê hay một thành phố nào đó. Cũng có thể có người đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh bảo vệ bầu trời hay đã ra đi mãi mãi do tuổi cao. Nhưng với bài thơ “Ngôi nhà của chú bộ đội”, họ mãi mãi là những người lính trẻ bắt nhịp và hát cùng các cháu học sinh trong lần đến thăm trận địa năm ấy.
5-2017
Nguyễn Minh Nguyên