- Chỉ có Yên Thao là số một của Hà Nội, không chừng còn là “ông tổ” thơ trào phúng của cả nước cũng nên.
Thế rồi, Nguyễn Gia Quý đã kể cho chúng tôi về cây bút trào phúng của Thủ đô.
Ông Thao sinh năm 1927, tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Bố mẹ đặt tên cho ông là Nguyễn Bảo Thịnh, nhưng khi làm báo ông lấy bút danh là Yên Thao (ông là PV của tờ báo Chiến khu 2).
Bài thơ của Yên Thao được bộ đội truyền nhau chép vào sổ tay là "Nhà tôi" viết năm 1948 có những câu: "Tôi đứng bên này sông/ Bên kia vùng giặc đóng/ Làng tôi đấy sạm đen màu tiết đọng/ Tre, cau buồn tóc rũ ướt mưa sương/ ...".
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông chuyển ngành sang cơ quan mậu dịch tỉnh Phú Thọ, rồi Công ty lương thực Hà Nội. Năm 1957, ông mới về báo "Thủ đô" (nay là báo Hà Nội mới) và nghỉ hưu năm 2000. Từ đó đến nay ông là Chủ nhiệm CLB thơ trào phúng Hà Nội, Một CLB thơ duy nhất của cả nước và đã ra được 16 tập thơ. Tuy năm nay đã 87 tuổi nhưng ông vẫn phóng xe đạp đi họp, đi thăm bạn thơ đều đặn.
Hơn 60 năm làm báo, làm thơ, ông nổi tiếng trong các chuyên mục "Mỗi ngày một chuyện", "Mẩu chuyện nhỏ", "Dành cho trẻ em"... và hơn hết là thơ trào phúng, như nhà thơ Xuân Diệu nhận xét: Yên Thao có những bài "đóng thuế thân" cho mình: "Giá như ngày ấy chúng mình/ Giá như hai đứa cùng sinh một thời/ Giá như anh sớm ngỏ lời/ Giá như... Ôi, cả một trời giá như" (bài "Giá như").
Thơ trào phúng của ông thường nhằm vào đội ngũ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" như bài "Mốt": "Ghen tuông thói cũ tám đời/ "Bồ " là mốt đấy bà ơi là bà/ Bây giờ cơ chế mở ra/ Dép tông, xe đạp, cơm nhà... rất quê/ Họp hành quan hệ nọ kia/ Thiếu cô thư ký cặp kè không xong/ Nghe thôi, bà tạm yên lòng/ Chỉ khuyên ông phải đề phòng "hát i" (HIV)". Hoặc xót xa như bài "Hai đám tang": "Đầu năm bố xếp qua đời/ Đám ma đến cả ngàn người tiễn đưa/ Số vòng hoa đếm sơ sơ/ Hai trăm lẻ bảy còn ngờ hơi non/ Cuối năm lại xảy chuyện buồn/ Lần này là xếp nghe đồn trúng phong/ Hoa tang chưa đến chục vòng/ Người đưa: họ mạc, ban, phòng: 1 xe". Bài "Chỉ búng ngón tay" có những câu: "Lý do: "Công việc bù đầu. Học hành nhớ trước quên sau lạ gì/ Bây giờ đã đến kỳ thi/ Mình hơi bị mệt cậu đi thay mình/ "Bem" nhe, giữ kín miệng bình/ Tối về cho biết tình hình, nhớ không?/ Ồ... Đây chưa phải tiền công/ Chỉ là... tráng miệng. Việc xong... kính thầy/ Sếp tôi chỉ búng ngón tay/ Ngồi nhà mà cũng đỗ ngay ... tú tài/ Hồ sơ lý lịch kê khai/ Có bằng tốt nghiệp như ai đính kèm...".
Dù còn công tác hay về với đời thường, dù viết báo hay làm thơ thì ngòi bút của Yên Thao cũng rất gợi cảm, tinh tế và sâu sắc, mang nặng tính chiến đấu của anh Bộ đội Cụ Hồ.
Bài và ảnh:
Tô Kiều Thẩm