Bệnh tay chân miệng là một bệnh lý do virus gây ra, có khả năng lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác, dễ bùng phát thành dịch bệnh nếu không có phương pháp phòng ngừa và kiểm soát kịp thời. Sự xuất hiện các nốt mụn nước tập trung ở vùng niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối là triệu chứng điển hình của bệnh. Bệnh có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng, thậm chí gây tử vong cao ở trẻ dưới 3 tuổi.

Các giai đoạn của bệnh

Giai đoạn1: Giai đoạn ủ bệnh 3-7 ngày. Giai đoạn khởi phát từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, trẻ quấy hơn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Giai đoạn 2:Giai đoạn toàn phát có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:

Biểu hiện loét miệng: Vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, chảy dãi (dễ nhầm với trẻ mọc răng).

Biểu hiện phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

Biểu hiện trẻ sốt nhẹ, nôn: Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh (viêm não, viêm màng não), biến chứng tim mạch, hô hấp (viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch) thường xuất hiện sớm từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 của bệnh, có thể dẫn đến tử vong nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời.

Giai đoạn 3: Giai đoạn lui bệnh thường từ ngày thứ 8-10, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

Để chẩn đoán xác định tay chân miệng, khi trẻ có những biểu hiện nghi ngờ cần đi khám.

Phòng tránh tay chân miệng

Các phương pháp phòng ngừa bệnh chủ yếu tập trung ngăn chặn sự lây lan qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây. Một số biện pháp phòng ngừa được các chuyên gia khuyên cáo gồm:

Hạn chế tiếp xúc khi có dịch bệnh: Đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với dung dịch sát khuẩn ( nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn), tránh đến những nơi đông người hoặc đang có dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc với những người có dấu hiệu hoặc nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Thường xuyên vệ sinh, dọn dẹp, khử khuẩn môi trường sống, đồ dùng cá nhân, khu vui chơi của trẻ.

Theo dõi chặt chẽ các biểu hiện của trẻ nhằm phát hiện sớm các bất thường và đưa trẻ đến bệnh viện sớm, từ đó có phương pháp hỗ trợ đúng cách và kịp thời.

Chăm sóc trẻ bị chân tay miệng

Cách ly trẻ mắc bệnh: Khi phát hiện trẻ bị tay chân, người thân nên thông báo với nhà trường và cho trẻ tạm thời không đến trường khoảng 10-14 ngày. Đồng thời, trẻ cần phải cách ly với các trẻ khác và người thân trong nhà. Khi chăm trẻ, mọi người cần đeo khẩu trang và sát khuẩn thường xuyên.

Đối với trẻ bị bị mắc bệnh ở giai đoạn 1 và 2 với các biểu hiện nhẹ, trẻ có thể được chữa khỏi qua chăm sóc và điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Lưu ý, mọi người nên theo dõi các triệu chứng và đưa trẻ đến bệnh viện tái khám định kỳ nhằm phát hiện sớm các biến chứng nếu có.

Thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp: Trẻ bị tay chân miệng thường mệt mỏi, chán ăn, đau và khó chịu khi nuốt. Mọi người nên lựa chọn cho trẻ những món ăn mềm, dễ nuốt và dễ tiêu; có thể chia nhỏ bữa ăn trong ngày ra thành nhiều bữa ăn nhỏ để trẻ ăn đủ no và đủ chất.

Giữ vệ sinh: Để bệnh nhanh khỏi, việc giữ vệ sinh cá nhân, môi trường sống và các vật dụng sinh hoạt của trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Mọi người nên tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn. Xử lý phân, rác thải và vệ sinh đồ dùng cá nhân của trẻ đúng cách.

                                                                                 Thành An