Tôi có 30 năm liên tục làm báo trong Quân đội, trước đó khoảng gần 10 năm là trợ lý kỹ thuật thuộc Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần. Có thể vì đã có thời gian làm công việc kỹ thuật mà khi làm báo, tôi hay quan tâm đến các sự kiện liên quan đến khoa học công nghệ. Người làm báo không chỉ cần hiểu được những kiến thức cơ bản của sự kiện khoa học công nghệ mà mình tiếp cận, chứng kiến, mà nhiều khi xuất hiện những ý kiến phản biện ở chuyên môn sâu hơn, nhà báo cũng cần có “ăng-ten thu” thính nhạy để phản ảnh kịp thời, chính xác, có những định hướng dư luận đúng. Về điều này trong cuộc đời làm báo của tôi có những kỷ niệm không bao giờ quên được.
Kỷ niệm thứ nhất
Đó là vào đầu năm 1980, tôi được tòa soạn cử đi thường trú tại các tỉnh phía Nam. Tôi đến Quân khu 9, được biết có đơn vị đang “nổi”, là Đoàn 622 làm thủy lợi ở đồng bằng sông Cửu Long. Đơn vị đóng ở Cần Thơ và Trung tá Phan Văn Tợn, tức Sáu Tợn là Đoàn trưởng. Ông Sáu Tợn xuất thân lính chiến, nhưng khi vào xây dựng kinh tế cũng rất nhanh nhạy, xông xáo. Tôi vốn là kỹ sư cơ khí, nhưng máy móc làm thủy lợi thì lần đầu tiên được nhìn thấy. Ông Sáu Tợn đưa tôi đến đội 1 (trong 6 đội) làm ăn “ngon lành” nhất đang ở Kiên Giang. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy xáng cạp, công cụ đào kênh, đắp đê mới hữu hiệu làm sao! Một bộ máy cần cẩu được đặt trên xà lan, người thợ điều khiển như tay câu quăng lành nghề, mỗi lần tung “cạp” chìm xuống đáy, là sau đó “con cá bự” chừng nửa khối đất bùn được ném vút lên bờ. Ông Sáu Tợn bảo, so với đào kênh bằng thủ công, năng suất xáng gấp hàng trăm lần, tốn ít nhân công lại không vất vả. Tôi hỏi: Bộ đội Quân khu 3 đang quai đê lấn biển ở Cồn Thoi, Ninh Bình, ta áp dụng cơ giới thế này có được không? Ông nghĩ một lúc, bảo: Được! Nhưng vận chuyển thiết bị từ trong này ra đó quá xa, sẽ không kinh tế…
Sau lần đi thực tế ở Đoàn 622, tôi viết bài trên Báo QĐND phản ánh cách làm hiệu quả, năng suất của đơn vị, không quên nêu thêm vấn đề, nếu áp dụng cho việc quai đê lấn biển ở một số tỉnh phía Bắc bằng xáng cạp. Khoảng một tháng sau khi báo đăng, tôi nhận được điện từ Bộ Tư lệnh Công binh nói rằng từ đề xuất trong bài báo, đơn vị đã nghiên cứu triển khai cụ thể, với phương hướng là sẽ chế tạo tại chỗ thiết bị xáng cạp đưa áp dụng thử ngay ở công trường lấn biển Cồn Thoi.
Kỷ niệm thứ hai
Bước vào năm đầu tiên của thế kỷ XXI, công trình Thủy điện Sơn La được triển khai, tôi cùng nhiều nhà báo khác đã được công ty mời đi thăm nơi sẽ đặt nhà máy ở khu vực xã Ít Ong, huyện Mường La (Sơn La). Người có trách nhiệm của công ty cho biết: “Đây là dự án rất lớn, công suất gấp đôi Nhà máy thủy điện Hòa Bình, giữa năm 2001 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, nhưng chưa quyết định phương án xây dựng. Công ty đang chuẩn bị hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi để thông qua Quốc hội vào cuối năm tới”. Anh em làm báo đều háo hức đi thực tế tìm hiểu và tin chắc rằng chỉ ít ngày nữa sẽ được chính thức khởi công công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.
Sau đó một thời gian, tôi có dịp tiếp kiến GS. TSKH Phan Trường Thị, ông vốn là một nhà địa chất nổi tiếng ở nước ta. Ông đưa tôi vào phòng làm việc, giở ra các bản vẽ, tính toán cùng nhiều ảnh chụp tại thực địa Thủy điện Sơn La và giảng giải về các vết “đứt gãy trẻ”có hệ thống ở khu vực mai đây sẽ đặt đập và hồ chứa. Đây vốn nằm trong khu vực đứt gãy sông Hồng mà ngành địa chất đã khẳng định từ lâu, là những kiến tạo xảy ra hàng chục triệu năm vể trước và trải qua thời gian nền địa chất đã ổn định. Song nếu có dấu hiệu của các vết nứt “trẻ”, thì đấy là điều các nhà địa chất công trình phải suy nghĩ. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, cần cân nhắc lựa chọn quy mô của công trình thích hợp, nhất là với chỉ số chiều cao đập và dung tích hồ chứa. Theo ông, chiều cao đập dự kiến là quá cao, có thể có lợi về các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật nào đó, song về độ an toàn thì chưa chắc đã là tối ưu. Nghe ông trình bày, tôi chợt nảy ra ý định phỏng vấn ông, muốn đưa các suy nghĩ, nhận định của ông ra công luận để được bàn thảo rộng rãi, trước khi Nhà nước có quyết định cuối cùng. Ông nhất trí ngay.
Thực ra lúc đó tôi đắn đo rất nhiều cũng hiểu khi đưa bài phỏng vấn ra công luận, là mình đã “làm mất lòng” người bạn lâu năm kia, vì phương án “cao” đã được đơn vị khẩn trương, công phu tính toán, chỉ còn chờ Quốc hội họp là thông qua. Song tôi cũng có suy nghĩ như nhà thạch học hàng xóm kia, tính an toàn của công trình là mục tiêu tối thượng, phương án này cần phải được lấy ý kiến rộng rãi hơn nữa của các nhà chuyên môn, nhà quản lý, cũng như toàn thể những ai quan tâm đến sự bền vững của công trình. Vậy là chỉ ít lâu sau khi bài phỏng vấn GS. TSKH Phan Trường Thị được đăng báo, nhiều cuộc hội thảo khoa học được tổ chức. Đến đầu năm 2004, tức là sau gần 2 năm so với tiến độ đặt ra ban đầu, Thủ tướng chính phủ chính thức phê duyệt dự án Thủy điện Sơn La, với lựa chọn giảm độ cao đập so với trước, từ 295m, xuống còn 215-230m, dung tích hồ chứa trên 9 tỷ mét khối nước.
Công trình thủy điện Sơn La đã được khởi công ngày 2-12-2005, hoàn thành sau 7 năm xây dựng, sớm hơn dự kiến 3 năm. GS. TSKH Phan Trường Thị năm nay đã 81 tuổi, tôi thì cũng đã về hưu từ lâu. Có lần gặp lại ông, nhắc lại chuyện cũ, ông bảo: Báo chí cũng có những đóng góp nhất định cho sự trường tồn của công trình thế kỷ này, phải không nhà báo!
Phạm Quang Đẩu