Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc quê gốc ở Hưng Yên. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, Nguyễn Vinh Phúc trở về Hà Nội dạy học tại trường tư thục Thăng Long. Vì thiếu giáo viên ông đảm nhận dạy cả 4 môn: văn, sử, địa và tiếng Pháp.

Những cuốn sách giáo khoa hồi đó biên soạn còn sai sót nhiều. Để bảo đảm độ chính xác, Nguyễn Vinh Phúc phải vào thư viện tìm tài liệu tham khảo và đi tham quan thực tế tại các đình chùa, miếu mạo… Tiếp xúc với cơ sở, ông thấy nhiều điều hay, bổ ích. Từ đấy, Hà Nội trở thành niềm đam mê của Nguyễn Vinh Phúc. Ông thấy mình phải có trách nhiệm với công việc và xác định nguyên tắc: “Không bịa đặt, biết đến đâu nói đến đó; không biết thì phải tiếp tục nghiên cứu”.

Hà Nội với Nguyễn Vĩnh Phúc không chỉ là quá khứ lịch sử mà còn là hiện thực sống thời mở cửa, đang diễn ra ở từng người, trong mỗi gia đình, tại thành phố nghìn năm tuổi… Bằng chiếc xe đạp bình thường, hằng ngày, ông nhẩn nha, lang thang hết con phố này đến ngõ phố khác; trò chuyện hàng giờ với bà con trong quận, trong phường. Từ đó, cảm nhận, thu thập nguồn tư liệu “sống” cho những trang viết về Hà Nội. Nguyễn Vinh Phúc tâm sự: “Mỗi vòng quay bánh xe đạp là một vòng cảm nhận. Dù vòng quay chậm, nhưng nó đủ để ta cảm nhận, để hiểu, để tiếp xúc, gần gũi với mọi người”.

Trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã có nhiều công trình nghiên cứu về Thủ đô. Song ông cũng phấn đấu, kịp cho ra mắt hai cuốn sách mới về Hà Nội: “Hà Nội - cõi đất, cõi người” và “1000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Đây là món quà vô giá của nhà Hà Nội học, bền bỉ lao động, phấn đấu, khi đã sức yếu, chân chậm, mắt mờ…

Cuốn “Hà Nội - cõi đất, cõi người”, dày 500 trang, giới thiệu những trầm tích văn hóa, lịch sử của mảnh đất Thăng Long và về cuộc đời, tính cách của một số danh nhân tiêu biểu. Cuốn “1000 năm Thăng Long - Hà Nội” dày gần 1.000 trang, đề cập tới đất nước, hành chính, dân cư, lịch sử, kinh tế, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc tư liệu chính xác về những sự kiện diễn ra trên mảnh đất kinh đô muôn đời này và những việc đang diễn ra trong hiện tại… Hơn nữa, nội dung cuốn sách còn được mở rộng thông tin ra các vùng mới sáp nhập: Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Nội dung những cuốn sách trên toát lên tư tưởng muốn “làm đẹp” cho Thủ đô, mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nghìn năm văn hiến. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: “Thanh lịch là chất cơ bản của người Hà Nội. Đó là lối sống văn hóa. Từ trong ăn mặc, đối nhân xử thế; từ cách nói năng cho đến hành động; từ trong gia đình đến ngoài xã hội… tất cả đều phải có văn hóa. Nói cụ thể như mặc thì không nhếch nhác, ăn thì không xô bồ, nói thì không tục tằn. Ngoài xã hội thì giữ chữ tín, nghĩa ứng xử, uyển chuyển, mềm mại. Trong gia đình, gia tộc thì kính trên, nhường dưới…”.

Trong cách nhìn, cách nghĩ, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc luôn tin tưởng rằng, nếu có những giải pháp đồng bộ, sát sao của các cơ quan chức năng để uốn nắn lại lối sống đang bị “thị trường hóa” hiện nay, thì nếp thanh lịch vốn có của người Hà Nội vẫn sẽ được giữ gìn, thể hiện.

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An!

Chi Phan