Chưa bao giờ vấn đề nguồn lực cho phát triển đất nước lại được trao đổi, bàn luận nhiều đến thế, cả trước, trong và sau Đại hội XIII của Đảng.
Nguồn lực tựu trung lại gồm có nguồn lực trong nước và nguồn lực ngoài nước. Tuy nhiên xác định đúng vị trí của nguồn lực trong từng thời kỳ cách mạng lại có ý nghĩa rất quan trọng.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ: Gắn nguồn lực trong nước với nguồn lực nước ngoài, nhưng phải giữ vững được độc lập, tự chủ, phát huy tự lực, tự cường; tránh hai khuynh hướng: vọng ngoại, quá trông chờ, đến mức lệ thuộc vào nước ngoài; hoặc biệt lập, tuyệt đối hoá vấn đề tự lực cánh sinh, đề cao một chiều nguồn lực trong nước.
Nhưng dù là nguồn lực trong nước, hay nguồn lực ngoài nước thì con người vẫn là trung tâm. Nói cách khác, nguồn lực con người là quan trọng nhất. Trong bài phát biểu tại phiên Khai mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng, khi đề cập đến phương hướng những năm tiếp theo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Nguồn lực con người là quan trọng nhất”; còn Báo cáo Chính trị thì chỉ rõ quan điểm của Đảng: “…Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất” (ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, tr.110-111).
Đưa Nghị quyết vào cuộc sống, vấn đề đặt ra là công tác nuôi dưỡng, trọng dụng nhân tài đang rất cần những chính sách phù hợp. Những năm vừa qua, chính sách trọng dụng nhân tài (kể cả trong và ngoài nước) của Đảng ta còn nhiều hạn chế, bất cập, trong khi một số doanh nghiệp tư nhân như Vingroup, Đại học Fullbright và nhiều công ty công nghệ lại tạo được “đất mới” cho nhân tài, nhất là nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc.
Phạm Trần Duy