Ngoài ra để tránh những hoài nghi trong dư luận, chiều 12/8, Bộ Tài chính đã công bố công khai giá cơ sở, công thức tính giá bán lẻ, các khoản thuế, phí, giá nhập khẩu, với mong muốn người tiêu dùng hiểu rõ hơn cách điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong thời gian.

Chốt phiên giao dịch sáng nay tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu thô tiếp tục giảm nhẹ và chỉ còn 85,13 USD một thùng, sau khi đã lên tới trên 85,9 USD trong cuối ngày hôm qua. Trong khi đó, giá xăng A92 thành phẩm giao dịch tại thị trường Singapore vẫn giữ ở mức cao với trên 113,4 USD một thùng. Với giá này, sau khi cộng các khoản thuế, phí, lợi nhuận định mức... doanh nghiệp bắt đầu tiệm cận ngưỡng hòa vốn.

Tuy nhiên, theo Nghị định 84 của Chính phủ, giá bán lẻ xăng được tính trên cơ sở xăng dầu lưu thông 30 ngày. Và trong 30 ngày qua, giá xăng A92 thành phẩm lại giữ ở mức rất cao với trên 120 USD một thùng. Bộ Tài chính tính toán, với giá này, mỗi lít xăng doanh nghiệp lỗ khoảng 600 đồng.

Một tuần trước, khi giá thế giới ở thời điểm hạ nhiệt nhất với trên 79 USD mỗi thùng dầu thô và dưới 111 USD mỗi thùng xăng thành phẩm, doanh nghiệp đã có văn bản đề xuất tăng giá bán lẻ. Mức giá đề nghị tăng từ trên 500 đồng mỗi lít. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không thông qua đề xuất này mà yêu cầu doanh nghiệp tiếp tục theo dõi diễn biến, giữ nguyên giá bán lẻ để ổn định thị trường.

Lần tăng giá bán lẻ gần đây nhất được thực hiện từ ngày 29/3. Tại thời điểm ấy khi người tiêu dùng đang đối mặt với cơn sốt giá cả hầu hết các mặt hàng, Bộ Tài chính bất ngờ ra quyết định tăng giá bán lẻ xăng dầu. Với mức tăng 2.000 đồng đã đưa xăng A92 lên kỷ lục mới, với 21.300 đồng mỗi lít.

Quỳnh Anh (TH)