Cuối tuần qua, thị trường xăng dầu trong nước lại một phen xáo trộn. Nguyên nhân xuất phát từ việc giá thế giới giảm mạnh trong khi cơ quan quản lý tiếp tục tuyên bố chưa đủ điều kiện để hạ giá bán lẻ trong nước.

Gần 3 tuần liên tiếp, giá dầu thô giảm mạnh và có lúc chỉ còn 79 USD một thùng. Tại thị trường Singapore, xăng dầu thành phẩm được lấy làm căn cứ tính giá bán lẻ trong nước, sau một thời gian giữ ở mức cao, có thời điểm tới gần 130 USD một thùng đã dần hạ nhiệt và có lúc chỉ còn 114 USD một thùng. Tín hiệu lạc quan của thị trường thế giới khiến người tiêu dùng hy vọng về một phán quyết của nhà quản lý rằng: Giá bán lẻ trong nước sẽ điều chỉnh theo.

Thế nhưng, trái với hy vọng của nhiều người, các nhà nhập khẩu phát đi thông tin khẳng định việc giá thế giới giảm chẳng giải quyết được cái khó cho doanh nghiệp. Do suốt một thời gian dài nhập khẩu với giá cao, doanh nghiệp vẫn lỗ đầm đìa. Và tính trung bình trong 30 ngày (tính tới 12/8) theo Nghị định 84, mỗi lít bán lẻ xăng, doanh nghiệp lỗ cỡ khoảng 500 đồng, các mặt hàng dầu cũng lỗ ở mức tương đương.

Liên bộ Tài chính - Công Thương cũng đồng ý với cái khó của doanh nghiệp và ít ngày sau tuyên bố không giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước được đưa ra trong sự ngỡ ngàng của người tiêu dùng. Từng bị ám ảnh vì tuyên bố của vị phó tổng Petrolimex - hãng cung ứng xăng dầu chiếm thị phần lớn nhất rằng: "Lẽ ra, giá bán lẻ xăng đã giảm trong tháng 6", nhiều người bày tỏ sự thất vọng khi quyền lợi chính đáng của họ bị phớt lờ.

Cơ quan quản lý luôn tuyên bố nguyên tắc điều hành giá bán lẻ phải đảm bảo hài hòa 3 lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vậy mà trong suốt tháng 6, giá thế giới giảm mạnh, doanh nghiệp tuyên bố bắt đầu có lãi nhưng thay vì giảm giá cho người tiêu dùng, Nhà nước quyết định tăng thuế và trích quỹ bình ổn.

Dưới góc độ điều hành, Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ căn cứ trên 3 lợi ích ngân sách - doanh nghiệp - người tiêu dùng... Tuy nhiên, ông Phong nói rằng ngay cả cái gọi là quyền lợi hình tam giác này vẫn còn nhiều điều cần phải xem xét lại. Và có vẻ như, người tiêu dùng bị xếp vào vị trí đáy của hình tam giác. Nghĩa là người tiêu dùng luôn xếp ở vị trí cuối cùng của thứ tự ưu tiên, khi doanh nghiệp có lãi, nhà nước thu đủ thuế, khi ấy mới tính đến giảm giá.

Quỳnh Anh (TH)