Hơn 35 năm mặc quân phục, trong đó có 8 năm “ăn trong bom, ngủ trong đạn”, rồi bị thương ở chiến trường tây Quảng Nam, Trần Ngọc đã vẽ hàng trăm bức hình của Bác. Với ông, mỗi lần thể hiện chân dung Bác là một kỷ niệm sâu sắc. Chiến tranh đòi hỏi vũ khí, súng đạn là ưu tiên số một nên việc có được tấm ảnh Bác Hồ khổ lớn để trang trí hội trường cho các kỳ đại hội, hội nghị... là điều không dễ. Trăn trở trước khó khăn của đơn vị, Trần Ngọc lúc bấy giờ là trợ lý Tuyên huấn Cục Hậu cần Quân khu 5 đã bắt tay vào vẽ chân dung Bác Hồ trên giấy khổ rộng.
“Bức tranh tôi vẽ đầu tiên to bằng tờ báo phục vụ cho Đại hội thi đua Quyết thắng của Trung đoàn 220, Quân khu 5. Các đại biểu về dự đại hội đều trầm trồ khen ngợi” - CCB Trần Ngọc nhớ lại. Ông bồi hồi cho biết thêm: “Năm 1969, Trung đoàn 83 được rút ra Quảng Bình củng cố. Khi đơn vị được lệnh quay vào chiến trường Khu 5 thì được tin Bác Hồ mất. Chúng tôi dừng lại truy điệu Người ngay trên đường hành quân. Từ đó, hình ảnh Bác cứ chập chờn trong trí óc tôi, dường như Người đang dõi theo từng bước chân của người chiến sĩ ra trận”.
Biết vẽ từ nhỏ cộng niềm kính yêu Bác Hồ đã tạo thành động lực thôi thúc Trần Ngọc thường xuyên vẽ chân dung của Người trong nhiều năm sau đó. Dường như với ông, việc viết, vẽ về Bác Hồ và Bộ đội Cụ Hồ luôn khát khao rực cháy, hễ cầm cọ lên là ông lại nghĩ ngay đến đề tài này. Trong rất nhiều kỷ niệm, ông nhớ nhất bức ảnh Bác được ông vẽ ngay trên đường tiến về Đà Nẵng vào đầu tháng 4-1975. Lúc đó, từ căn cứ Nước Oa, cùng đơn vị tiến xuống Bình Tú, Thăng Bình, Quảng Nam, ông nhanh chóng đến tổng kho An Đồn (Đà Nẵng) nhận một tấm ván ép chiến lợi phẩm khổ rộng 1.2m x 2.4m, sơn màu và một vài vật dụng thiết yếu. Chọn vị trí kê giá vẽ là sân trường tiểu học, Trần Ngọc say sưa vẽ trước sự ngưỡng mộ của người dân vây quanh. Sau hơn 2 ngày lao động miệt mài, bức chân dung Bác Hồ tươi cười vẫy chào đoàn quân đi được hoàn thành và bàn giao cho cơ quan tuyên huấn chở về Đà Nẵng, phục vụ công tác tuyên truyền trong những ngày thành phố vừa được giải phóng. Cùng với khả năng về hội họa, Thượng tá Trần Ngọc còn được biết đến là một “nhạc sĩ không chuyên”. Có ca khúc của ông từng được Đoàn Văn công Quân khu dàn dựng và đoạt Huy chương Vàng tại hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quân những năm đầu thập niên 90 (thế kỷ XX).
Gặp ông trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sĩ, CCB - thương binh Trần Ngọc vui vẻ tâm sự: “Sống được đến hôm nay là tôi cảm thấy mình may mắn hơn nhiều đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường”.
Đại tá Phạm Hồng Sương - nguyên Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 5 lại bộc bạch: “Trần Ngọc sáng tác thơ ca, lời lẽ hồn nhiên, trong sáng mà lắng đọng, trữ tình như tâm hồn anh vậy. Đặc biệt, tôi rất mê anh vẽ mà nhất là vẽ Bác Hồ. Sự thanh tú cao đẹp trên gương mặt Bác Hồ như có sẵn trong đầu anh, bức chân dung nào của Bác anh vẽ cũng đẹp...”.
Nguyễn Sĩ Long