Vợ chồng Trạm trưởng trạm y tế xã Đức Hương
Anh sinh năm 1957, nhập ngũ tháng 3 năm 1975, làm nhiệm vụ kiểm soát quân sự Thành phố Hồ Chí Minh, về sau được đi học đào tạo y tá tại trường nghiệp vụ hậu cần Quân khu 7. Sau khi ra trường Nhàn xung phong làm nhiệm vụ Quốc tế tại chiến trường Căm pu chia.
Đến năm 1982, do hoàn cảnh gia đình bố mẹ già yếu, người anh cả đã hy sinh, một người em đang làm nhiệm vụ tại biên giới phía Bắc, Nhàn xin được ra quân trở về địa phương. Chưa lo được công việc cho gia đình thì cấp ủy, chính quyền địa phương sau khi biết Nhàn có nghiệp vụ ngành y, từng phục vụ trong quân đội, đã đến vận động Nhàn tiếp tục cống hiến, phục vụ cho bà con nhân dân trong xã. Trước khi nhận lời, anh đã tham gia học lớp đào tạo y sý tại trường Trung cấp y tế Nghệ Tĩnh.
Trạm y tế xã những năm thời bao cấp đều có chung một hoàn cảnh là cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu chữa bệnh, trạm có mấy gian nhà tranh, vách đất, đội ngũ thầy thuốc thì thiếu, lại không được đào tạo. Đức Hương lại là một xã miền núi, xa trung tâm, đường sá đi lại rất khó khăn, bệnh nhân chủ yếu vận chuyển bàng xe đạp và cáng, nhiều người bị bệnh nặng nhưng không muốn rời khỏi trạm. Với truyền thống của Anh Bộ đội Cụ Hồ " khó khăn nào cũng vượt qua ", anh đã cùng với chính quyền địa phương tìm mọi biện pháp để xây dựng Trạm y tế xã đáp ứng nhu cầu phục vụ bà con nhân dân. Anh đi vận động, quyên góp đê sửa sang lại các phòng khám, phòng điều trị, tự bỏ kinh phí để mua một chiếc xe máy nhằm phục vụ vận chuyển nhanh những bệnh nhân cấp cứu chuyển lên tuyến trên. Đến năm 1992, được giao nhiệm vụ làm Trạm trưởng, anh không quản ngại vất vả, cùng câp ủy, chính quyền, cùng anh chị em ở trạm tìm mọi cách để sửa sang lại trạm, nâng câp phòng khám, điều trị. Tiếng lành đồn xa, bà con nhân dân không chỉ trong xã, mà các vùng lân cận mỗi khi có người nhà ốm đau đều về khám tại trạm y tế xã Đức Hương. Người vợ của anh là Nguyễn Thị Lý, là một nhân viên làm công tác hộ sinh có kinh nghiệm, uy tín nên vợ chồng càng được bà con nhân dân mến mộ, tin tưởng. Đến năm 2004, trạm y tế xã Đức Hương là một trong 3 đơn vị của tỉnh Hà Tĩnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia lần thứ nhất, năm 2014 được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2.
Trong câu chuyện với vợ chồng Nhàn Lý, tôi đặt câu hỏi: thành công của một Trạm y tế phục vụ nhân dân ở một xã miền núi, điều gì đọng lại nhất trong tình cảm của anh chi. Anh Nhàn cho biết: Vợ chồng tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, khi tôi sang làm nhiệm vụ Quốc tế tại Cảm pu chia thì vợ ở nhà đã phục vụ tại trạm y tế, vì vậy tình yêu quê hương, tình cảm của người thầy thuốc " Lương y như từ mẫu " đều thôi thúc chúng tôi cần phải phục vụ bà con tốt hơn. Người dân ở vùng sâu, vùng xa này lại ít hiểu biết về chăm sóc sức khỏe, vì vậy khi họ tới khám chúng tôi tư vấn cho họ rất cẩn thận và chu đáo, người nào bị bệnh nặng cần chuyển lên tuyến trên nhưng chưa có tiền, chúng tôi tạo mọi điều kiện, chưa có phương tiện chúng tôi sẵn sàng chuyên chở phục vụ kịp thời, những bệnh nhân ở lại trạm xá luôn được chăm sóc chu đáo. Những đợt lũ lụt, đường sá bị chia cắt, người dân cần cấp cứu chúng tôi phải đến tận gia đình. Năm 1998 là một năm dịch sốt xuất huyết bùng phát tại địa phương, chúng tôi phải làm ngày, làm đêm, túc trực 24/24 giờ, và đã chuyền hàng ngàn chai dịch để kịp thời cấp cứu cho bà con. Trong nhật ký của vợ tôi cho đến thời điểm này là người hộ lý trực tiếp đón 2000 cháu chào đời mạnh khỏe, an lành. Trạm y tế của chúng tôi cũng rất tự hào vì chưa để xảy ra một trường hợp nào đáng tiếc về chuyên môn.
Nhàn là người lính cùng thế hệ với tôi, nhập ngũ cùng một ngày, được vào huấn luyện tại đơn vị Đặc công chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, vì vậy tôi rất cảm phục về người Trạm trưởng y tế hơn 30 năm phục vụ bà con nhân dân và 25 năm làm Trạm trưởng ở một xã miền núi khó khăn. Bản chất, truyền thống của anh Bộ đội Cụ Hồ đã tiếp thêm sức mạnh cho Nhàn hoàn thành nhiệm vụ. Nói về người CCB, Trạm trưởng y tế xã, ông Lê Văn Lợi Chủ tịch UBND xã Đức Hương chia sẽ: Đó là một " cặp đôi hoàn hảo ", không những phục vụ tốt cho sức khỏe của bà con nhân dân mà anh chị còn nhận làm vườn mẫu, Trạm mẫu để cùng với Chính quyền xây dựng thành công các tiêu chí NTM. Tháng 12/2016 Xã Đức Hương là một trong 30 xã về đích NTM ở Hà Tĩnh, trong đó có phần đóng góp của gia đình và cá nhân Trạm trưởng y tế xã. Điều mà vợ chồng anh chị Nhàn Lý đã làm được là được bà con tin tưởng, mến mộ, thật xứng đáng là " lương y như từ mẫu ".
Bài và ảnh: Lê Anh Thi