Đại tướng Phạm Văn Trà phát biểu tại lễ khánh thành Thiền viện Trúc lâm Hộ quốc.
“Những việc tôi làm đều xuất phát từ ý tưởng, tâm nguyện của anh Sáu Dân - Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Chứ không như có người nói tôi là Đại tướng mà cuối đời lại đi xây chùa chiền, mê tín dị đoan”. Đó là điều mà Đại tướng Phạm Văn Trà - chú Ba Trà luôn nói về việc mình đề xuất rồi tổ chức xây dựng một số Thiền viện Trúc lâm ở miền Tây Nam Bộ.
Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là vị tướng trưởng thành từ người chiến sĩ. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, chú Ba Trà có hơn chục năm gắn bó với chiến trường miền Tây Nam Bộ vào những thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chống bè lũ Pôlpốt. Đã từng được nhân dân miền Tây Nam Bộ cưu mang, giúp đỡ, nên khi trưởng thành trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hay khi đã thôi việc quân, Đại tướng đều quan tâm, giúp đỡ CCB và người dân các địa phương ở đây. Về văn hóa tâm linh, đáp ứng nguyện vọng của bà con, chú đã hỗ trợ xây đền thờ Nguyễn Trung Trực tại Long Mỹ, dựng đền Bà Chúa Xứ ở Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang)… Những việc làm của Đại tướng được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt biết, để sẻ chia tâm nguyện của mình. Đại tướng Phạm Văn Trà kể:
Sau khi “giã biệt chính trường”, sáng ngày 8-3-2008, Thủ tướng Võ Văn Kiệt - bác Sáu Dân về thăm chú Ba Trà cũng đã thôi việc quân, nghỉ hưu tại quê Phù Lãng, Quế Võ, Bắc Ninh. Lần gặp gỡ này, bác Sáu Dân và chú Ba tâm sự với nhau nhiều điều về đời sống kinh tế - xã hội của miền Tây Nam Bộ, nơi hai người đã từng chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ. Điều mà bác Sáu Dân trăn trở là trong cái “nghèo đa chiều” của miền Tây, có nghèo văn hóa tâm linh người Việt. Lịch sử Đất nước cũng như cộng đồng văn hóa Việt đã thống nhất trong đa dạng từ hàng nghìn năm, nhưng ở miền Tây Nam Bộ, đếm trên đầu ngón tay, chỉ có đền thờ các vị Anh hùng đánh Tây: Nguyễn Trung Trực, Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu; hay quan Trấn thủ biên thùy, đào kênh Vĩnh Tế - Thoại Ngọc Hầu … Bởi vậy, lan tỏa văn hóa tâm linh người Việt xuống miền Tây là điều bác Sáu Dân thấy nên làm. Đây cũng là điều mà chú Ba Trà từ lâu trăn trở; bởi như chú tâm sự: “Gần hai chục năm chiến đấu và công tác ở miền Tây Nam Bộ, tôi mong bắt gặp một mái chùa, mái đình thuần Việt mà chưa thấy”. Không hẹn mà gặp, hai ông quyết định chọn đưa Thiền phái Phật giáo Việt Nam - Thiền phái Trúc lâm thời Trần, do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, xuống miền Tây Nam Bộ. Để cho thế hệ trẻ hôm nay và con cháu mai sau biết văn hóa tâm linh người Việt cũng như văn hóa Việt tồn tại ở vùng đất này không phải và không chỉ có từ thời chống Tây mà đã có từ hàng nghìn năm trước. Để làm được điều đó, điều cần thiết đầu tiên là xây dựng một số Thiền viện Trúc lâm ở vùng đất này.
Bác Sáu Dân và chú Ba Trà cùng thống nhất là chùa làm mới phải là chùa thuần Việt, chữ viết dùng ở chùa phải là chữ Quốc ngữ. Ngay sau đó, nguyên Thủ tướng và chú Ba Trà trực tiếp tham quan một số mẫu chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ: Chùa Tây Thiên, chùa Trầm…; cuối cùng quyết định lấy chùa Đức La (chùa Vĩnh Nghiêm) ở Yên Dũng, Bắc Giang - ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý - Trần, một trung tâm Phật giáo thời Trần thuộc Thiền phái Trúc Lâm, làm mẫu. Yếu tố cải biên là chùa làm mới lớn hơn và thêm cấu trúc phần hiên (chùa Vĩnh Nghiêm không có hiên).
Lòng đã đồng, chí đã quyết dựng chùa bằng hình thức xã hội hóa, nên bác Sáu Dân sẽ là người đứng ra vận động, còn chú Ba Trà có trách nhiệm tổ chức làm chùa. Nhưng ba tháng sau ngày lên Phù Lãng thăm chú Ba Trà, trung tuần tháng 6-2008, bác Sáu Dân mất vì bạo bệnh.
Thực hiện bằng được ý tưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cũng là ước nguyện của mình, Đại tướng Phạm Văn Trà âm thầm vận động một số chính khách, doanh nhân, đồng đội ủng hộ. Sau đúng 3 năm nghiên cứu thêm và cất công vận động tài trợ, năm 2011, chú Ba Trà chính thức khởi công ngôi chủa đầu tiên là chùa Hộ Quốc (Thiền viện Trúc lâm Hộ Quốc) ở huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang. Công trình được khởi công ngày 14-10-2011, hơn 1.000 người tham gia và khánh thành ngày 14-12-2012. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc thời Lý - Trần, chủ yếu làm bằng gỗ lim được chọn lọc kỹ, chạm khắc với trình độ kỹ - mỹ thuật cao. Tổng kinh phí xây dựng 100 tỷ đồng. Chùa Hộ quốc được xem là một trong những ngôi chùa có vị trí đẹp nhất cả nước.
Toàn bộ chữ viết được dùng trong chùa là chữ Quốc ngữ. Đặt tên “Thiền viện Trúc lâm Hộ Quốc” theo lý giải của chú Ba Trà là hỗ trợ trấn yên bờ cõi, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ cho dân lành Phú Quốc an cư lạc nghiệp.
Tiếp theo chùa Hộ Quốc Phú Quốc, Thiền viện Phương Nam Cần Thơ cũng do chú Ba Trà đề xuất, vận động các “Mạnh Thường quân” ủng hộ và tổ chức khởi công tháng 7-2013, khánh thành tháng 5-2014. Thiền viện Phương Nam Cần Thơ được xây dựng ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, T.P Cần Thơ, trên diện tích đất 4 hécta, với tổng kinh phí vận động hơn 120 tỷ đồng. Chùa được thiết kế theo phong cách kiến trúc các công trình Phật giáo thời Lý - Trần. Đây cũng là yếu tố quan trọng phân biệt Thiền viện Phương Nam với phong cách kiến trúc các ngôi chùa Khmer Nam tông phổ biến ở miền Tây Nam Bộ.
Với tất cả những nét đặc sắc trong kiến trúc và hệ thống tượng Phật, Thiền viện Trúc lâm Phương Nam được xem là một công trình nghệ thuật độc đáo của đất Tây Đô. Không chỉ có vậy, Thiền viện đáp ứng nguyện vọng của tăng ni phật tử và Ban Trị sự Phật giáo Cần Thơ mong muốn có ngôi chùa để kế thừa và phát huy văn hóa tâm linh Phật giáo của Thiền phái Trúc lâm. Chính vì vậy, Thiền viện Trúc lâm Phương Nam còn mang giá trị văn hóa tâm linh vô cùng ý nghĩa.
Điều mà chú Ba Trà phấn khởi, tâm đắc là khi làm thử một vài công trình, đều được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang…; lãnh đạo các địa phương miền Tây và nhiều “Mạnh Thường quân” ủng hộ; còn đông đảo người dân, phật tử thì vô cùng phấn khởi. Đây là cơ sở để chú Ba tiếp tục thực hiện ý tưởng của bác Sáu Dân và tâm nguyện của mình.
Cho đến hôn nay, sau hơn 10 năm tận tâm tận lực, với uy tín và tài tổ chức của mình, Đại tướng Phạm Văn Trà đã tranh thủ được sự ủng hộ của lãnh đạo các tỉnh miền Tây và các nhà “hữu sản hữu tâm” xây dựng được 9 ngôi chùa - Thiền viện; đó là: Chùa Hộ Quốc (Phú Quốc), Thiền viện Phương Nam (Cần Thơ), Thiền viện Hậu Giang (Hậu Giang), Thiền viện Trà Vinh (Trà Vinh), Thiền viện Cà Mau (Cà Mau), Thiền viện Bạc Liêu (Bạc Liêu), Thiền viện Sóc Trăng (Sóc Trăng), Thiền viện An Giang (An Giang), Thiền viện Đồng Tháp (Đồng Tháp, khởi công tháng 11-2-2022). Điều đặc biệt mà nhiều người chưa lý giải được là: Đã vận động, tổ chức xây dựng 9 ngôi chùa lớn, kiến trúc đẹp, chi phí cho mỗi ngôi đều từ 100 tỷ đến hơn 200 tỷ đồng; nhưng chú Ba Trà không cần Ban Quản lý dự án, không cần nhân viên tài chính, tự mình xoay trở, mà chùa nào cũng xây dựng rất nhanh, đẹp, tiết kiệm…! Chú Ba Trà còn cho biết, sắp tới chú sẽ tổ chức xây dựng thêm một số chùa khác, để “phủ kín” Thiền viện Trúc lâm ở miền Tây Nam Bộ.
Để kết thúc bài viết về người tạo sự lan tỏa văn hóa tâm linh Việt, xin được dẫn phát biểu của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự GHPGVN (nay là Chủ tịch) tại lễ khánh thành Thiền viện Phương Nam (ngày 17-5-2014): “…Giáo hội Phật giáo Việt Nam xin tán than công đức của ngài Đại tướng Phạm Văn Trà và những nhà tài trợ khác đã đóng góp thành tựu ngôi Thiền viện Trúc lâm Phương Nam… Thành tựu ấy, ngoài tấm lòng hộ đạo, quyết tâm phát triển Thiền phái Trúc lâm mang đậm màu sắc dân tộc Việt Nam, do người Việt Nam sáng lập, phát triển truyền thừa tồn tại đến ngày nay là thời đại Hồ Chí Minh lịch sử tên vàng. Quả là: Mái chùa che chở hồn Dân tộc/ Nếp sống muôn đời của Tổ tông/ Giữ gìn Tổ ấm Tông phong/ Tốt đời đẹp đạo giữa lòng nhân gian”.
Duy Tường