Quân tình nguyện Việt Nam và quân đội giải phóng nhân dân Lào (Ảnh tư liệu)
Xuân hè năm 1964, tôi cùng Tạ Gia Hậu lên đường ra trận khi mới bước vào tuổi đôi mươi. Sau thời gian huấn luyện, đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ tăng cường cho Mặt trận Cánh Đồng Chum - Lào. Tam La, Na Khằng, Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng là nơi chúng tôi đến. Làm nhiệm vụ chốt giữ Cánh Đồng Chum, những lần đi vận chuyển gạo, muối, hành quân tiểu phỉ, đụng độ với bọn phỉ Vàng Pao, Hậu trở nên lầm lì ít nói, vẻ cứng rắn hẳn lên. Có lần Hậu tâm sự: Hôm chia tay với Lan - người vợ chưa cưới quê ở ngã ba Sông, hai người ngồi bên nhau dưới gốc cây cọ cho đến tận trăng khuya… Bất chợt Hậu phát hiện hai “giọt vàng” lóng lánh lăn trên đôi má bầu bĩnh của Lan; cô ngượng ngùng quay đi, giấu nước mắt vào đêm!
Vào năm 1969, đầu năm 1970, Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương; công khai hỗ trợ không quân, vũ khí và tiền của để tiếp sức cho quân phỉ Vàng Pao, đánh chiếm vùng giải phóng Lào.
Mùa khô 1969, địch hoạt động trên không, mặt đất ráo riết khác thường. Tiểu đoàn trưởng Đỗ Thanh Trì, người Yên Bái, Đại đội trưởng Vi Văn Phòng, người Như Xuân, Thanh Hóa, thường xuyên có mặt ở chiến hào động viên bộ đội, đôn đốc ngụy trang, củng cố hầm hào chiến đấu.
Một ngày trung tuần tháng 3-1969, từ mờ sáng địch đã mở đợt tấn công quy mô bằng cả phi - pháo, bộ binh… bỗng chốc cả Cánh Đồng Chum chìm trong lửa khói. Đất đá bắn tung tóe, những thân cây bị xé toạc, các mỏm đồi lở loét, một số nắp hầm và chiến hào bị sập, lại có chiến sĩ bị thương. Ta chưa có lệnh “phản kích”, các cán bộ tăng cường thì về các cụm chốt theo phương án tác chiến.
Là lính trinh sát trung đoàn tăng cường xuống tiểu đoàn, lúc này tôi xách vội khẩu AK báng gập vọt ra khỏi hầm trú ẩn quan sát, cụm chốt phía đông địch lố nhố, bò lổm ngổm lên chốt. Đại đội trưởng cho truyền lệnh “Đợi chúng đến gần mới được nổ súng”. Cách 200m, rồi 100m… chúng bắn đạn M79 mảnh bay vèo vèo chém vào không khí cheo chéo, đạn súng AR15 thì như vãi thóc.
Bộ phận trinh sát cùng tham mưu tiểu đoàn nhận định: Địch uy hiếp ta cả ba mặt, cả chính diện lẫn vu hồi. Hướng tập trung quân đông, lính lộ thiên để thu hút lực lượng ta, phải đề phòng hướng ít người, cho hỏa lực mai phục.
Khi các cụm chốt các đại đội báo cáo đã sẵn sàng, thì ba phát pháo hiệu đỏ lừ bay vút lên trời xanh; đại đội, tiểu đoàn hạ lệnh:
- Bắn… Từng loạt đạn AK căng vút găm vào đội hình quân địch đang liều lĩnh xông lên chốt. Tôi nghe tiếng Tạ Gia Hậu vừa bắn trung liên, vừa nói trong hơi thở “Địch nhiều quá, đưa thêm lựu đạn cho em”. Liền đó, Hậu vừa bắn, vừa ném lựu đạn, làm chúng khựng lại lưng chừng dốc. Địch lại cho máy bay ném bom trùm lên các cụm chốt của ta, hầm hào sụt lở, bộ đội thương vong, lực lượng mỏng dần. Địch la hét xô đẩy nhau xông lên; lại có hai chiến sĩ nữa bị thương. Hậu đưa xạ thủ B40 bị thương vào hầm, cầm lấy khẩu B40, khoác ba lô đạn vào người rồi vọt ra khỏi công sự, lợi dụng các bụi cây lúp xúp che khuất, các mô đá che đỡ, luồn lách xuống sườn đồi nơi quân địch đang nhốn nháo, bình tĩnh lấy điểm ngắm bắn liền ba phát, bọn địch tan tác. Đại đội trưởng Vi Văn Phòng chồm lên công sự, hét toáng lên, ra lệnh: Đồng chí Hậu về vị trí chiến đấu! Nhưng muộn mất rồi, mấy quả đạn phóng lựu nổ chùm lên chỗ Hậu quỳ bắn, Tạ Gia Hậu đã anh dũng hy sinh. Sở Chỉ huy tiểu đoàn gọi pháo binh mặt trận chi viện.
Bọn địch hý hửng xô đẩy nhau xông lên chốt, lập tức pháo binh ta giáng xuống đầu chúng những đòn sầm sét. Các loạt đạn AK, trung liên, đại liên, B40, B41 tạo thành những quầng lửa chụp vào đầu chúng… Đêm buông xuống, anh em từ trong các công sự chiến đấu ùa ra, quần áo lấm lem ôm chầm lấy nhau vui mừng, trào nước mắt…
Mờ sáng hôm sau, nghe từ Sở Chỉ huy tiểu đoàn thông báo có Đoàn cán bộ của Mặt trận về thăm đơn vị. Sau khi nghe báo cáo tình hình chiến đấu, Đoàn được bảo vệ chu đáo đi thẳng ra địa điểm quy tụ mộ liệt sĩ. Tôi chú ý đến một người có dáng cao dong dỏng vầng trán rộng, đôi mắt sáng bước đi đĩnh đạc vẻ tư lự…, hao hao giống Tạ Gia Hậu. Đoàn thắp hương nghiêng mình trước các anh linh liệt sĩ. Đột nhiên người hao hao giống Tạ Gia Hậu tách ra khỏi đoàn, rồi từng bước nhẹ nhàng đến nơi Hậu nằm, ông cúi xống đắp ba nắm đất lên mộ, giọng rưng rưng… “Con ơi con ở lại… Bố về!”. Tôi thầm thốt lên, bố của Hậu đấy ư - hai cha con chung một chiến hào, làm nhiệm vụ quốc tế, mà đã có lần Hậu kể. Đoàn đi rồi, mà tôi cứ bần thần như mắc nợ với Hậu, vì anh luôn ước ao được gặp bố.
Đã mấy mươi năm trôi qua, tình cờ tôi gặp lại con người thuở ấy; khi đó ông là Chủ tịch Hội CCB tỉnh Vĩnh Phúc - Hoàng Hoa Thưởng (tên khai sinh của ông là Tạ Nhật Tựu). Một lần đến thăm nhà ông, trong giây phút ngậm ngùi xúc động, ông đọc cho tôi nghe bài thơ nhớ ngày giỗ con:
“…Thắp nén hương thơm lên bàn thờ
Cả nhà tưởng nhớ ngày giỗ con
Đồng đội con - người mất người còn
Không khóc mà nước mắt lưng tròng…”.
Năm 2022, kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Tôi trong Đoàn CCB, thương binh tỉnh Vĩnh Phúc lên đài tưởng niệm thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ, đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế. Chúng tôi cúi đầu đứng lặng trước hàng nghìn anh hùng liệt sĩ của quê hương. Qua làn khói nhang nghi ngút, tôi vẫn đọc được trên bia đá có khắc ghi: “Liệt sĩ Tạ Gia Hậu, xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc” hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc tế tại Tan La, Na Khằng, Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào.
Khúc chiêu hồn tử sĩ gieo vào lòng người, đứng cạnh tôi có người thiếu phụ đã bước qua tuổi trung niên, nấc lên từng cơn nghẹn ngào “Anh Hậu ơi!”… Thiếu úy Tạ Gia Hậu hy sinh khi mới 25 tuổi.
Phạm Hồng Lý