Những khu rừng ở Y Tý được người dân hết lòng bảo vệ.
Từ trên cao nhìn xuống, Lao Chải nằm giữa vùng núi đá và các đồi cỏ tranh với những căn nhà trình tường trông giống những cây nấm khổng lồ mọc lúp xúp bên sườn núi, tất cả cùng quay về một hướng. Tục truyền rằng Giàng đã sai thần núi Hồng Ngài mách cho người Dao, người Mông, người Hà Nhì cách làm nhà trình tường bằng đất núi để chống lại thiên tai, thú dữ và điều kiện thời tiết giá rét, khắc nghiệt vùng cao. Do vậy mà nhà trình tường dù được đắp bằng đất nhưng vững chắc như khối thép đúc, đạn bắn không thủng, trong nhà mùa đông rất ấm áp còn mùa hè lại mát mẻ.
Người Hà Nhì quan niệm rừng và cây rừng, con thú trong rừng đều có sinh mạng, có đời sống như con người. Con người với cây, với thú trong rừng cũng có quan hệ họ hang và trong mỗi khu rừng đều có một vị thần trị vì, thần rừng lành hay ác là do cách ứng xử của con người. Bởi thế, người Hà Nhì ứng xử với rừng trân trọng, yêu quý và nổi tiếng là những người giữ rừng giỏi bậc nhất. Mỗi thôn bản người Hà Nhì đều có rừng cộng đồng và rừng cúng. Rừng cộng đồng là khu rừng dành để phục vụ đời sống sinh hoạt chung của dân bản.
Hằng năm, bản tổ chức mở cửa rừng bốn, năm lần vào những ngày tháng nhất định theo mùa vụ. Khi đó người trong bản có thể vào cắt cỏ tranh, lấy gỗ làm nhà, lấy củi khô để làm củi nhưng không được tuỳ tiện khai thác bừa bãi. Còn rừng cúng là nơi tuyệt đối không được vào lấy bất cứ thứ gì, kể cả cây đổ, củi khô, không được vào làm điều ô uế, gian tà.
Người Hà Nhì mở lễ cúng rừng vào ngày Thìn đầu tiên của tháng Giêng, cầu mong thần rừng che chở cho mọi người trong bản được khoẻ mạnh, ngô lúa đầy sân, gà lợn chật chuồng. Luật tục của người Hà Nhì bao đời nay vẫn thế, ai phạm vào điều cấm sẽ bị phạt lý rất nặng. Có lần, một công nhân của đơn vị thi công làm đường lỡ chặt mất cây sơn tra ở đầu bản đã bị phạt lý phải đi tìm cây giống trồng lại vào vị trí cũ, nộp 36 lít rượu, 36 con gà và một con lợn nặng đúng 36 kg để bản cúng thần rừng xin tạ tội.
Chính nhờ luật tục nghiêm ngặt bao đời đã hình thành nên ý thức bảo vệ rừng của người Hà Nhì. Hiện nay, Y Tý vẫn giữ được hơn 6.000ha rừng nguyên vẹn vẻ hoang sơ, kỳ vĩ. Sau Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) thì đây là khu rừng nguyên sinh lâu đời nhất được gìn giữ lại của Lào Cai.
Trải dài trên ba xã Y Tý, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo, khu rừng già độc đáo này ngút tầm mắt, với nhiều cây to, gốc xù xì đến hai ba người ôm, ken dày bên nhau mà không hề thấy dấu vết chặt phá. Đồng bào thường chỉ phát dọn những cây bụi nhỏ gần suối để trồng thảo quả dưới tán cây to mà không đụng đến một cây thân gỗ.
Ngoài khu rừng nguyên sinh nói trên, người Hà Nhì còn tự hào vì lưu giữ được khu rừng trúc với diện tích vài nghìn ha. Trong khi người dưới xuôi tìm về đây thu mua cây trúc với giá trị kinh tế cao để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ nhưng dân bản vẫn một lòng hướng về rừng, không chặt, không bán dù chỉ một cây, một cành.
Lê Na