Tác giả với thi hào, Phó Tổng thống Bungari - Blagadimitrova năm 1979.

Hoàng Thu Hà là con nuôi của thi hào Bun ga ri Blaga Đimitrova. Blaga rất yêu Việt Nam.

Năm 1966, bà ghé thăm một trại trẻ ở Hải Phòng, khi vừa dứt trận bom Mỹ. Nhiều cháu bé lấm lét nhìn bà. Có cháu khóc ré lên vì sợ hãi. Đối với chúng, bà như người khổng lồ mắt xanh, mũi lõ. Chỉ duy nhất một cháu gái không sợ. Cháu lẫm chẫm đến bên bà, quạt cho bà, rồi múa bà xem.

"Cháu tên là gì?". Blaga âu yếm cúi xuống hỏi. "Dạ, cháu tên Hà. Hoàng Thu Hà!". " Cháu mấy tuổi rồi?". "Cháu 5 tuổi!". "Thế chân cháu làm sao thế kia?  Muỗi đốt à?". " Không, đỉa cắn đấy!". "Đỉa ở đâu?". "Đỉa dưới hầm trú ẩn. Hầm trú ẩn nhiều đỉa lắm!". "Thế cái gì ở cổ tay cháu kia?". "Dạ, cái vòng ạ!". "Thế chữ gì ở trên vòng thế?". "Dạ, chữ Hoàng Thu Hà. - Cô bé giải thích. - Cô giáo Nhung khắc tên Hà vào đây, để nếu bom Mỹ có giết chết Hà thì cô giáo Nhung còn biết mà báo cho mẹ Hà.."  

Nhà thơ Chế Lan Viên dịch cuộc đối thoại này. Ông bắt chước hệt giọng điệu trẻ con đến nỗi cháu bé ngoẹo cổ cười ngặt nghẽo. Chế Lan Viên cũng cười. Nhưng Blaga thì khóc. Và rồi từ ấy, thành một nỗi ám ảnh, bà không còn sống thanh thản được nữa. Cứ nhắm mắt lại là thấy những trái bom săn tìm cháu bé xinh xắn ấy.

Rồi bà lại sang Việt Nam. Lần này bà muốn cứu cháu bé thoát khỏi những trái bom. Phải vất vả lắm, bà mới qua hết các thủ tục, để đưa được cháu bé về Bungari. Hơn mười năm sau, Hoàng Thu Hà đã là nghệ sĩ piano. Cô nói giỏi tiếng Bun, nhưng tiếng Việt thì không còn nhớ nữa. Blaga không muốn cô trở thành một kẻ xa lạ với Tổ quốc mình. Bà gửi thư cho Xuân Diệu, qua Xuân Diệu, nhờ tôi thỉnh thoảng viết thư cho Hà, để qua những bức thư đó, cô bé làm quen lại với tiếng Việt. Cũng vì thế mà tôi thành ngời thân của gia đình bà.

Năm 1979, tôi có dịp cùng nhà phê bình Hà Minh Đức sang thăm Bungari theo lời mời của Hội Nhà văn bạn. Hà đã bi bô nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt: "Ăn Khoa ơi, ăn Khoa! Sao ăn đi nhăn thế? Ôi, ăn biết khuông, huông qua, em ăn cá, hóc, chữa mãi không khỏi. Cô Blaga lo lắm. Cô ấy gọi bác sĩ. Em phải nuốt bao nhiêu đồ đạc mới xong đấy...". "Đồ đạc à?". Tôi kinh ngạc hỏi. Hoàng Thu Hà xoè cả hai bàn tay ra giải thích: "Vâng! Chuối, táo, cả khoai tây nữa, ăn Khoa ạ". "Thế thì không phải đồ đạc rồi. - Nhà phê bình Hà Minh Đức giải thích. - Đồ đạc là bàn, ghế, tủ, đèn, phích nước, tủ lạnh...". "Ố! - Hà kêu lên đầy vẻ sợ hãi. - Thế thì em không nuốt đồ đạc đâu!".

Hà là cô gái như thế đấy. Một người Việt ở nước ngoài. Cô có nước da trắng nõn của người châu Âu, nhưng lại có cái dáng thon thả, nhỏ nhắn của người Việt. Tiếp xúc với cô, tôi thấy cô rất thông minh và sắc sảo. Một lần, chúng tôi vào rạp chiếu bóng, xem một bộ phim đang ăn khách của Bungari. Trên màn ảnh là cảnh hai anh chàng du thủ du thực đang nằm trên bãi cỏ. Một anh ngáy như sấm. Một anh vô tình bắt được con châu chấu ma. Anh ta vặt cánh rồi nhét vào miệng anh chàng đang ngáy. Thế là cả rạp cười ầm lên. Hà quay lại bảo tôi: Anh thấy dân chúng ở đây dễ dãi không? Cái việc vớ vẩn như thế thì chỉ có trẻ con nó mới cười.

Hồi bấy giờ, ở Bungari có nhà thơ Vapvarop rất nổi tiếng. Ông bị phát xít Đức sát hại. Dân Bun rất tự hào về ông. Coi ông như Maiacopxki của Bungari. Vẽ chân dung ông, người ta còn cố tình vẽ cho thật giống Maiacopxki. Hà lại bình phẩm: Buồn cười thật. Nếu có tự hào về Vapvarop thì phải tự hào vì Vapvarop là Vapvarop. Chứ sao lại tự hào vì Vapvarop là ông Maia. Người Bun kỳ cục thật. Chỉ cần nghe radio thông báo: Chiều nay Matxcova có mưa nhỏ, thế là ngay từ buổi trưa, người dân Sophia đã giương hết cả ô lên rồi.

Tác giả và Hoàng Thu Hà năm 1979 tại Sophia - Bungari

         Có lần, Hoàng Thu Hà về nước. Tôi ngạc nhiên khi thấy cô y hệt một nữ sinh Sài Gòn. Giọng nói cũng là giọng nói của người Sài Gòn pha tạp. Chỉ nước da trắng nõn khiến ta còn nhận ra cô là người ở châu Âu. Hà vẫn sống độc thân. Cô bảo: "Em đã đi hết nửa vòng trái đất rồi, đã sống ở rất nhiều nước, nhưng em không thấy đâu hay hơn Việt Nam. Ở Việt Nam, các món ăn rất ngon. Ngon mà lại rẻ. Người Việt thật tuyệt vời. Tất nhiên cô Blaga cũng rất tuyệt vời. Cô ấy tốt lắm. Tốt vô cùng".

Nghe Hà nói, tôi chợt nhớ lần qua Bungari. Lâu rồi. Lâu lắm rồi. Trước khi rời Bungari, tôi mới gặp được bà Blaga Đimitrôva. Lúc ấy, như tất cả các nhà văn Bungari, bà không có lương, chỉ sống bằng nhuận bút. Gặp tôi và Hà Minh Đức, bà ấn vào tay mỗi người 200 lêva, bằng cả số tiền Hội Nhà văn Bungari cho để ăn trong vòng một tháng trong thời gian ở nước Bun. Tôi và Hà Minh Đức kiên quyết từ chối, nhưng không sao từ chối được. Bà bảo: "Vải Bungari rất tốt, cháu nên mua về cho gia đình, mua cả xà phòng nữa. Ở Việt Nam bây giờ xà phòng hiếm lắm. Ngoài chợ đen, người ta còn pha cả tạp chất vào nữa, không giặt được đâu, cháu chịu khó mang xà phòng về".

Tất nhiên, lúc đó, chúng ta vẫn còn đang sống trong thời bao cấp. Những ai không sống trong những năm 80 của thế kỷ trước thì không thể hiểu được. Blaga Đimitrôva như thế đấy. Bà đúng là một phụ nữ. Hiểu người Việt và thương người Việt như bà, có lẽ chẳng ai được như bà đâu. Trước khi rời nước Bun, tôi lại có nhuận bút thơ. Tự dưng lại có cả một đống tiền, mà chẳng biết mua gì. Tôi quyết định thay mặt đoàn nhà văn Việt Nam mời gia đình bà một bữa cơm thịnh soạn. Bà Blaga đưa tôi vào một quán ăn trên đỉnh núi Vitôsa. Đó là một cái quán nhỏ dựng bằng gỗ sồi nằm chìm trong cây lá. Ngồi trong quán, qua những tấm cửa kính, có thể nhìn thấy những chú nai rừng đi lững thững bên triền núi. Tôi với tờ thực đơn, chọn món ăn. Vì không biết tiếng Bun, nên tôi chỉ nhìn vào những con số. Cứ món nào đắt, có số tiền lớn là tôi lấy bút bi chọc vào. Bàn ăn bày la liệt toàn những món hảo hạng. Tôi áng chừng khoảng 400 lêva, bằng đúng số tiền bà cho chúng tôi. Bà Blaga chỉ tủm tỉm cười: "Đúng là cách ăn của người nghèo”.

Bữa tiệc tàn, tôi ra quầy thanh toán, và rất kinh ngạc khi ông chủ hiệu chỉ lấy có 5 lêva. "Đây là quán ăn dành cho người nghèo, chỉ những người nghèo mới đến ăn ở đây! Đồ ăn ở đây rẻ hơn những nơi khác”. - Bà Blaga giải thích. Tôi hỏi Hà, Hà bảo: "Cô Blaga nói đúng đấy. Ở quán ăn này, món nào người ta cũng giảm giá. Quán của người nghèo mà!". Mãi sau này, tôi mới biết bà Blaga đã trả tiền trước rồi, tôi chỉ trả tượng trưng tiền một ly rượu thôi. Tôi vô cùng áy náy. Hoá ra mình lại trút lên vai bà Blaga một gánh nặng nữa. Bà chỉ sống bằng nhuận bút, chứ có lương đâu. Ở nước Bungari, cũng như rất nhiều nước khác, nhà văn không có lương. Bởi thế, chỉ những người thực tài mới trụ được bằng nghề văn. Còn những anh làng nhàng, sẽ không sống nổi, phải chuyển sang nghề khác.

"Anh ân hận quá, Hà ạ”. - Sau hơn hai mươi năm, giờ tôi mới nói được với Hà. - Hồi ấy, anh không biết. Không biết gì cả, vì quá tin em, cứ tưởng em đứng về phía anh  cơ..." . "Tất nhiên em bao giờ cũng đứng về phía anh, phía người nghèo, nhưng em cũng đứng về phía cô Blaga nữa. Cô ấy muốn như thế mà...".

Blaga Đimitro là như vậy đó. Người dân Bungari rất yêu bà. Họ bầu bà làm Phó Tổng thống Bungari. "Bây giờ cô Blaga thế nào?". " Cô ấy yếu lắm. Hơn tám mươi tuổi rồi. Đau ốm luôn. Hồi làm Phó Tổng thống, cô ấy cứ đòi từ chức. Cô ấy bảo: Nhân dân yêu mình, tin mình, bầu mình lên, chứ mình có phải là Phó Tổng thống đâu. Người ta yêu cô Blaga lắm. Bao nhiêu ngời chuyển tiền cho cô để cô làm từ thiện, cứu những người nghèo khổ. Cô Blaga còn sẻ vào đó một nửa lương mỗi tháng để giúp đỡ, cứu trợ người nghèo. Đó là cái hồi cô ấy làm Phó tổng thống...". "Thế còn bây giờ? Bây giờ cô ấy có lương không, hay vẫn chỉ sống bằng nhuận bút?". "Cô ấy có lương. Lương Phó Tổng thống về hưu...". "Khoảng bao nhiêu?". "Đổi ra ngoại tệ thì trị giá hơn 400 USD". "Thế thì sống làm sao được?". "Sống được đấy. - Hoàng Thu Hà nhìn tôi rất nghiêm trang. - Với cô Blaga thì chỉ cần chút bánh mì với nước lã là đã hạnh phúc rồi. Cô ấy đã sống như thế và dạy em sống như thế. Cô ấy là thi sĩ, là người ở trên giời. Mà người giời thì chỉ cần như thế là sống được thôi"...

Bây giờ thì nữ thi sĩ Blaga đã là người thiên cổ. Mà cũng đã 15 năm rồi. Thời gian đi nhanh quá. Tôi cũng đã thành một lão già và Hoàng Thu Hà cũng đã nghỉ hưu. Cô vẫn độc thân, dạy nhạc từ thiện cho trẻ em nghèo ở các nhà thờ ở Sophia. Tôi ghi lại chút kỷ niệm này, kẻo đến lúc lú lẫn, muốn ghi lại cũng không làm được nữa. Bởi thế mới có bài viết về những chuyện xa lắc này.

         Trần Đăng Khoa