Đầu năm 1911, rời Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn học nghề. Ngày ngày, sau giờ lên lớp, Nguyễn Tất thành thường xuống cảng Sài Gòn để làm quen thông thổ và nắm tình hình nơi đây. Một lần ở cảng, Nguyễn Tất Thành làm quen với ông Mai, quê An Dương, Hải Phòng- một ông già hiền từ phúc hậu, được ông giới thiệu xuống làm việc dưới tàu hãng “Vận tải hợp nhất” của Pháp. Tàu Đô đốc La-tút-sơ Trê-vin chuyên chở thực phẩm cho Pháp từ các nước thuộc địa. Mới lần đầu gặp Nguyễn Tất Thành, ông Mai đã thấy quý mến người thanh niên có đôi mắt thông minh, dáng vẻ lanh lợi và tháo vát. Ông đã đưa Nguyễn Tất Thành đến gặp viên tuyền trưởng người Pháp. Nhìn người thanh niên từ đầu đến chân, viên thuyền trưởng nói: “Ở đây không có việc gì nhẹ cho anh làm, chỉ có việc nặng nhọc mà thôi, mà trông anh gầy gò ốm yếu thế kia, đặng sao nổi?”. Nguyễn Tất Thành trả lời: “Vâng, tuy tôi gầy yếu thật, nhưng sức tôi còn trẻ, tôi lại có nghị lực, nhất định tôi làm được các việc ông giao”. Viên thuyền trưởng thấy Nguyễn Tất Thành nhanh nhẹn, tháo vát, lại giỏi tiếng Pháp nên đã xếp cho chân phụ bếp. Khi bắt tay vào làm việc, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba.
Ngày 5-6-1911, tại bến cảng Sài Gòn, con tàu Đô Đốc rẽ sóng ra khơi. Không ai có thể ngờ rằng: “Trên con tàu đó đã có một vĩ nhân tương lai của đất Việt!”. Ngày ấy mãi mãi đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc ta. Tại nhà bếp dưới tàu La-tút-sơ Trê-vin, hàng ngày, anh phải làm việc phục vụ ăn uống cho 800 người, gồm đoàn thủy thủ và hành khách trên tàu. Ngày tiếp ngày, công việc bắt đầu từ 4 giờ sáng tới 21 giờ cùng ngày mới được nghỉ. Công việc nặng nhọc, vất vả gần nơi bếp núc, nên suốt ngày gương mặt và quần áo anh Ba nhễ nhại mồ hôi. Song, với tinh thần chịu khó làm việc, anh Ba đã làm cho những người có mặt trên tàu hết sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác. Tuy chỉ là một phụ bếp, địa vị lao động thấp nhất, công việc hết sức nặng nề mà lương được hưởng cũng ít nhất, nhưng anh Ba là người có học, nên đã sống và thể hiện có nhân cách sáng ngời. Hàng ngày, anh sống rất giản dị, chân thành với bạn bè, rất mực yêu thương người cùng khổ, không phân biệt họ khác màu da hay chủng tộc. Tiếp cận hàng ngày với cách ăn uống đa phần của người châu Âu, nhưng anh Ba không uống rượu, lúc lên bờ không la cà quán xá, thường xuyên khuyên nhủ bạn mình chi tiêu cần, kiệm và có lối sống lành mạnh. Con tàu cứ thế cập bến nhiều cảng xa lạ. Nhưng, đến đâu anh Ba đều chú ý quan sát, tìm hiểu phong tục tập quán và lịch sử của cư dân, học hỏi ở đó được nhiều điều bổ ích. Đúng là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Những điều học được, anh Ba tích lũy làm vốn sống, góp thêm vào hành trang của mình để có dịp giúp đất nước. Ngoài giờ lao động vất vả, anh Ba còn tranh thủ học thêm ngoại ngữ để khi cần sẽ đem ra sử dụng. Do đó, anh Ba đã thông thạo khá nhiều ngoại ngữ với trình độ trực tiếp giao thiệp cùng quý khách nhiều nước trên thế giới.
Qua nhiều năm bôn ba khắp năm châu bốn bể, anh Ba đã tìm thấy con đường cứu nước và tích cực hoạt động cách mạng. Bác Hồ của chúng ta đã thay tên đổi họ nhiều lần; đôi bàn tay chai sạn của Người đã làm tới 12 nghề khác nhau, đơn cử như: Rửa bát, thái rau trên tàu, cào tuyết trong một trường học của Anh trong mùa đông giá lạnh, sửa ảnh cho một tiệm ảnh ở thủ đô Pa-ri, bán báo, bán thuốc lá rong trên đường phố Quảng Châu, Trung Quốc…
Trực tiếp lao động tay chân bằng các việc làm nặng nhọc vất vả, Bác Hồ càng thấu hiểu sâu sắc đời sống của những con người cùng khổ. Khi trở về Tổ quốc thân yêu, cũng đôi bàn tay ấy, Bác đã vạch ra nhiều cương lĩnh, sách lược, vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ độc lập, tự do. Người luôn nêu cao đức tính: Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư và suốt đời vì dân vì nước! Với công lao to lớn của Người, Tổ chức UNESSCO của Liên hợp quốc đã phong tặng cho Bác Hồ: “Vị anh hùng giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới”. Thấm thoắt thời gian trôi đi, để hôm nay ngày 5-6-2011, nhân dân cả nước long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước Việt Nam!
Đào Quang Lâm
(Sưu tầm, biên soạn)