Luật hiến tạng được Ai-xơ-len đề xuất lần đầu từ năm 2012, do một nữ nghị sĩ Đảng Tiến bộ, đệ trình. Nhưng phiên bản dự luật vừa được thông qua lại do hai nghị sĩ khác cũng của Đảng Tiến bộ đệ trình. Luật quy định bắt đầu từ ngày 1-1-2019, mọi người dân sẽ trở thành những người hiến tạng mặc định sau khi chết.

Nội dung của luật rất đơn giản, dễ thực hiện: Mọi công dân Ai-xơ-len được mặc định là những người hiến tạng sau khi chết, ngoại trừ hai trường hợp: hoặc người chết đã thông báo trước họ không muốn hiến tạng, hoặc người chết không để lại nguyện vọng gì song những người thân gần gũi nhất của họ phản đối.

Trước khi có luật này, Ai-xơ-len chỉ hơn 10% người đăng ký hiến tạng sau khi chết.

Việc Ai-xơ-len thông qua luật hiến tạng mới, rõ ràng là tín hiệu vui, trong bối cảnh nguồn cung tạng ngày càng khan hiếm, tiếp thêm hi vọng cho việc có thể rút ngắn thời gian chờ đợi với những bệnh nhân đang chờ ghép.

Mặc dù ông Runólfur Pálsson - trưởng nhóm ghép tạng tại Bệnh viện ĐH Quốc gia Iceland, gọi luật mới là một "cột mốc lớn", nhưng “cột mốc” này cũng không phải điều gì mang tính cách mạng bởi các nước khác ở cùng khu vực như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch đã có luật tương tự. Singapore và nhiều quốc gia châu Âu như Áo, Bỉ, Ý, Hi Lạp, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha cũng đã có luật này. Tây Ban Nha hiện là quốc gia có tỉ lệ hiến tạng cao nhất thế giới, cứ 1 triệu người dân có 35,1 người hiến.

Bộ An sinh xã hội Ai-xơ-len sẽ chịu trách nhiệm thông tin chi tiết tới mọi công dân về điều luật mới, trước khi chính thức áp dụng từ đầu năm 2019. Những công dân không muốn tuân thủ điều luật này sẽ phải nộp đơn lên cơ quan y tế sở tại thông báo trước nguyện vọng.

Như vậy, với việc thông qua luật hiến tạng mới, Ai-xơ-len đã trở thành một trong số những quốc gia trên thế giới có luật hiến tạng theo kiểu "mặc định" như vậy. Trên thực tế luật hiến tạng "mặc định" cũng đã phát sinh những vấn đề rắc rối trong quá trình thực hiện. Chẳng hạn, những người theo đạo Do Thái chính thống có quan niệm con người chỉ chết khi trái tim ngừng đập. Nghĩa là trong trường hợp một người bị chết não, nhưng các bộ phận khác trong cơ thể vẫn còn hoạt động thì lại chưa gọi là chết được.

Cũng có một số chứng cứ thực tiễn cho thấy các điều luật hiến tạng "mặc định" không góp phần làm tăng thêm đáng kể số trường hợp hiến tạng so với những chương trình vận động người dân đăng ký hiến tự nguyện.

Quốc Dũng