Những năm qua, khi nguồn thủy sản ở ven bờ ngày càng cạn kiệt, hiệu quả kinh tế mang lại thấp, người dân ở nhiều nơi trong tỉnh Quảng Nam đã mạnh dạn đầu tư vốn mua sắm tàu có công suất lớn, thiết bị hiện đại và thay đổi ngư trường, tiến ra khơi xa. Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam Trần Quang Kiến cho biết: Năm 1997, toàn tỉnh chỉ có năm chiếc tàu có công suất 90 CV, còn lại là tàu nhỏ chừng 30 đến 40 CV. Ðến nay, Quảng Nam đã có gần 200 chiếc tàu loại 90 CV trở lên; trong đó, nhiều tàu có công suất từ 400 đến 750 CV, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho ba nghìn lao động có thu nhập ổn định. Huyện Núi Thành là địa phương có nghề khai thác phát triển mạnh nhất, sản lượng đánh bắt chiếm hơn 50% toàn tỉnh. Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Núi Thành Nguyễn Ðình Sơn thông tin: Toàn huyện Núi Thành hiện có 160 chiếc tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90 CV trở lên. Và điều đáng mừng là từ khi thay đổi ngư trường, với nghề câu mực và lưới vây, cuộc sống của người dân vùng biển đã thay đổi hẳn; nhiều hộ đã xây dựng được nhà ở khang trang, mua sắm được phương tiện sinh hoạt và nhất là nhiều gia đình đã đủ điều kiện cho con theo học đại học.
Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ đại dương Khánh Hòa Lê Kế Thương cho biết, hiện nay, tất cả 65 chiếc tàu của hiệp hội đều ra khơi đánh bắt. Ngư trường chính là từ khu vực Nam quần đảo Hoàng Sa đến quần đảo Trường Sa và khu vực Nhà giàn DK1. Các tàu trong hiệp hội thường tổ chức đi thành tổ, đội để có điều kiện hỗ trợ nhau tốt hơn trên biển.
Hiện nay, ở đây có hai ngư đội, gồm Trường Sa Lớn và Song Tử Tây đang hoạt động, theo mô hình mỗi ngư đội có bốn tàu công suất từ 300 đến 400 CV và một tàu lớn (còn gọi là tàu mẹ) của Công ty TNHH Một thành viên 128. Tàu mẹ có nhiệm vụ cung cấp nhiên liệu, một số dịch vụ cần thiết và thu mua sản phẩm đem về đất liền. Nhờ đó, các tàu con có điều kiện bám biển dài ngày hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế trong đánh bắt và ngư dân cũng yên tâm hơn. Theo ông Lê Kế Thương, đây là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực trong đánh bắt, nhất là ở vùng biển khơi.
Với mục tiêu hỗ trợ nhau phát triển, ba năm trở lại đây, ngư dân ở xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) đã hình thành tự phát các 'Tổ đoàn kết khai thác trên biển' hoạt động ngày càng hiệu quả. Mô hình này đang mở ra một hướng đi mới cho ngư dân Ninh Thuận trong đánh bắt xa bờ.
Trong điều kiện khó khăn của nghề khai thác khơi, hàng nghìn ngư dân Phú Yên vẫn bám biển để khai thác, khẳng định chủ quyền và giữ ngư trường nơi cực Ðông của Tổ quốc. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, tính từ đầu vụ đến nay, toàn tỉnh đánh bắt được 5.200 tấn cá ngừ đại dương, đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay, tăng 51,6% so cùng kỳ. Cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa vốn đã quá tải, những ngày này lại càng trở nên chật chội hơn khi hàng chục chiếc tàu đầy ắp cá ngừ vừa cập bến. Một mùa biển no ấm đang hiện rõ trên khuôn mặt mọi người với những nụ cười rạng rỡ. Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry, Trạm phó Trạm kiểm soát Ðà Rằng (Ðồn Biên phòng 352) cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày có mười phương tiện xuất bến, mười phương tiện cập bến. Riêng tại phường 6 có 198 phương tiện khai thác xa bờ, từ đầu tháng 5 đến nay đã có 197 phương tiện xuất bến. Nếu tính từ đầu vụ thì mỗi tàu đã thực hiện từ 4 đến 7 chuyến khai thác dài ngày trên biển.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng gần 700 tàu công suất lớn ở Phú Yên khai thác ở khơi xa, vẫn bám biển dài ngày. Anh Nguyễn Văn Vàng, 27 tuổi, ở phường Phú Ðông, TP Tuy Hòa, thuyền trưởng tàu PY91090TS khẳng định, dù thỉnh thoảng vẫn gặp tàu nước ngoài cản trở khiến việc làm ăn của chúng tôi gặp khó khăn hơn, nhưng chúng tôi không ngại. Biển của mình, mình làm ăn. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Việt (38 tuổi, ở phường Phú Ðông) của tàu PY96176TS, cho biết: 'Chúng tôi có tổ tàu, thuyền an toàn gồm năm chiếc, anh em đánh bắt ở các tọa độ gần nhau, hỗ trợ nhau khi cần thiết. Phải liên kết lại để giữ biển, giữ cái nghề cho mình và con cháu mai sau'.
Hoàng Linh (TH)