Việc thực hiện NVQS là trách nhiệm thiêng liêng của thanh niên Việt Nam.

Ở thời đại nào cũng vậy, việc xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững biên cương là nghĩa vụ rất quan trọng của mỗi công dân, nhất là thanh niên. Vì vậy, đất nước rất cần người trẻ lên đường nhập ngũ, thông qua nghĩa vụ quân sự (NVQS). Việc thực hiện NVQS vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào của mỗi thanh niên Việt Nam. Bởi yêu Tổ quốc, yêu dân tộc, yêu giống nòi không có gì phải cân, đo, đong, đếm.

Thực tế cho thấy, trong thời gian được tôi luyện, học tập ở  môi trường quân ngũ đã giúp nhiều bạn trẻ ngày càng mạnh mẽ, bản lĩnh, sống có lý tưởng. Môi trường kỷ luật thép đặc biệt ấy còn dạy cho tuổi trẻ sự tự giác, khuôn phép, tử tế, chỉn chu, biết quan tâm, sẻ chia với mọi người. Hình ảnh bộ đội giúp dân chống bão, gặt lúa, xây nhà, làm cầu… đã minh chứng cho việc ấy rất rõ ràng.

         Có rất nhiều bạn trẻ sẵn sàng tạm ngưng việc học tập để lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Lại có chuyện những trường hợp hai anh em trong một gia đình đều tình nguyện mong muốn được đóng góp sức trẻ cho công cuộc bảo vệ đất nước, tô điểm sơn hà... Tuy nhiên, trái với những hình ảnh cao cả đó, một số bạn trẻ hiện nay vẫn chưa hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và tìm cách để trốn tránh NVQS. Đáng lên án là trên mạng xã hội Facebook, Yotube, TikTok,… có chiêu bày cách cho bạn trẻ trốn tránh NVQS thông qua bình luận (cả tương tác), quay clip minh họa. Có bạn sau khi được “hướng dẫn” đã áp dụng ngay trong ngày khám sức khỏe NVQS. Tuy nhiên những “tiểu xảo” ấy đã được cơ quan chức năng phát hiện. Thật xấu hổ! Đây là điều đáng buồn, đi ngược lại với lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.

Theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 (thay thế Luật Nghĩa vụ quân sự 1981 và qua nhiều lần sửa đổi từ năm 1990, 1998, 2005): Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này. Riêng đối với quy định tại Điều 259 Bộ luật Hình sự năm 2009 (bổ sung và sửa đổi từ năm 1999) về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Điển hình mới đây, ngày 14-2, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với P.X.V. (19 tuổi, ngụ xã Xuân Thành) và L.V.H. (20 tuổi, ngụ xã Cương Gián) đều ở huyện Nghi Xuân mỗi người số tiền 62,5 triệu đồng vì không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.

V. và H. bị xử phạt vì ngày 7-2 UBND huyện Nghi Xuân tổ chức lễ giao nhận quân nhưng V. và H. vắng mặt, không chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ của Ban CHQS huyện Nghi Xuân. Ngoài xử phạt bằng tiền, quyết định còn buộc V. và H. thực hiện NVQS.

Trước đó, vào đầu tháng 1-2023, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cũng ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 29 thanh niên liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.

29 thanh niên này bị xử phạt vì hành vi "Không có mặt đúng thời gian, địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe NVQS của Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Can Lộc theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng". Mức xử phạt mỗi thanh niên là 11 triệu đồng, được quy định tại Khoản 8, Điều 1, Nghị định 37/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

         Vì vậy, hy vọng các bạn trẻ nên tự giác tham gia NVQS, đừng trốn tránh, cũng không nên dùng “thủ thuật” kẻo vi phạm pháp luật. NVQS là một trách nhiệm thiêng liêng, tự tôn dân tộc của người Việt Nam từ ngàn xưa. Cần tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông, giữ vững biên cương, xây dựng nước Việt Nam ngày càng vinh quang, thịnh vượng.

Nguyễn Thanh Vũ