Tình hình và nguyên nhân
Nghị quyết khẳng định: Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tài chính-ngân sách nhà nước và quản lý nợ công. Công tác tài chính-ngân sách nhà nước và quản lý nợ công đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, xử lý các vấn đề cấp bách về thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế...
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tài chính-ngân sách nhà nước và quản lý nợ công vẫn còn hạn chế, yếu kém: Quy mô thu ngân sách so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm nhanh, cơ cấu thu chưa hợp lý, thiếu bền vững; các nguồn lực đất đai, tài nguyên, công sản chưa được huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả; tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ thuế còn nghiêm trọng. Nhu cầu chi ngân sách không ngừng tăng, vượt khả năng cân đối nguồn lực; thu không đủ chi, tích lũy ngân sách cho đầu tư phát triển thấp. Cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý, tỉ trọng chi thường xuyên tăng cao, chi đầu tư phát triển giảm; tỉ trọng chi ngân sách T.Ư giảm, chi ngân sách địa phương tăng...
Mục tiêu cụ thể
Sau khi nêu lên những nguyên nhân chủ quan và khách quan đối với lĩnh vực tài chính-ngân sách nhà nước và quản lý nợ công; Nghị quyết xác định những mục tiêu cụ thể là:
- Tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 bình quân khoảng 20-21% GDP, phấn đấu tổng thu ngân sách bằng khoảng 1,65 lần giai đoạn 2011-2015. Trong tổng thu ngân sách nhà nước, tỉ trọng thu nội địa khoảng 84-85%, tỉ trọng thu dầu thô và thu xuất nhập khẩu khoảng 14-16%; tỉ trọng thu ngân sách T.Ư 60-65%. Sau năm 2020, tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước so với GDP được duy trì ở mức ổn định, hợp lý.
- Tỉ lệ chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 bình quân khoảng 24-25% GDP. Trong tổng chi ngân sách nhà nước, tỉ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 25-26%; tỉ trọng chi thường xuyên dưới 64%; ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia. Sau năm 2020, quy mô chi xác định phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm an toàn nợ công.
- Giữ vững an ninh tài chính quốc gia; bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu-chi ngân sách nhà nước. Quy mô nợ công hằng năm trong giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.
Chủ trương giải pháp chủ yếu
Nghị quyết đưa ra 6 chủ trương giải pháp thực hiện tập trung vào: Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường thuận lợi và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách nhà nước. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục sâu rộng tạo thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp về chấp hành nghĩa vụ nộp thuế, pháp luật về ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, thực hành tiết kiệm và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tập trung cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm an toàn và bền vững nền tài chính quốc gia. Thực hiện nghiêm nguyên tắc vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; cải thiện cân đối ngân sách nhà nước, từng bước tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và trả nợ vay. Xây dựng và triển khai kế hoạch tài chính trung hạn gắn với chiến lược quản lý nợ công, kiểm soát bội chi ngân sách và kế hoạch đầu tư công trong cùng thời kỳ. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư các công trình trọng điểm, có sức lan toả lớn và giải quyết các vấn đề phát triển của quốc gia, vùng và liên vùng, tạo thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính-ngân sách nhà nước và nợ công; thực hiện có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương; ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ thuế. Nghiên cứu, xây dựng chiến lược và lộ trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công sau năm 2020.
Tô Kiều Thẩm (tổng hợp)