Đại tá Lê Sĩ Thái.
Đến thăm và trò chuyện cùng Đại tá, PGS. TS. Lê Sĩ Thái - nguyên giảng viên, Phó viện trưởng Viện Khoa học nghệ thuật quân sự Học viện Quốc phòng, ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, T.P Hà Nội, tôi thực sự cảm kích về nhiệt huyết của ông, cả lúc còn công tác hay khi đã nghỉ hưu. Nay đã 75 tuổi, ông là một diễn giả nhiệt thành trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; đặc biệt là với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn. Những câu chuyện chiến đấu ở chiến trường được ông kể thật hấp dẫn, thuyết phục, bởi chính ông là người trực tiếp chiến đấu; là người đã cùng đồng đội chịu bao gian khổ hy sinh cũng như chứng kiến niềm vui chiến thắng.
Nhớ lại những tháng ngày vừa nhập ngũ đã được tham gia chiến đấu, Đại tá Lê Sĩ Thái bồi hồi kể: Tháng 9-1966, khi đang học lớp 8 (hệ phổ thông 10 năm), tôi xung phong nhập ngũ. Năm ấy, thanh niên làng tôi cũng háo hức đi bộ đội lắm. Bởi xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên của tôi chỉ cách thành phố Vinh chừng 5km, nên hàng ngày nhìn hàng đàn máy bay Mỹ bay vào ném bom đánh phá thành phố thì lòng đầy căm phẫn. Thấy tôi to cao, khỏe mạnh nên một hôm, ông Xã đội trưởng Phan Văn Thức bảo: “Nhìn mi to khỏe thế này thì đi bộ đội được rồi. Xung phong đi nhé!”. Vậy là tôi về làm đơn và chỉ một tháng sau tôi đã thành chiến sĩ của Đại đội 3, Tiểu đoàn phòng không 70 - thuộc Tỉnh đội Nghệ An, được trang bị súng 12 ly 7.
Nhập ngũ đợt ấy, tôi không kịp huấn luyện tân binh mà được điều ngay lên trận địa. Vừa huấn luyện, vừa chiến đấu. Chỉ sau một tuần nhập ngũ, tôi đã được tham gia trận đánh đầu tiên ở vị trí pháo thủ số 2 - chỉnh đường ngắm. Chưa được nửa năm, đơn vị tôi đã cơ động chiến đấu khắp tỉnh Nghệ An. Đến tháng 3-1967, sau một chuyến từ Yên Thành về Hưng Nguyên lấy thực phẩm, khi trở về thì đơn vị đã hành quân đi B được 1 ngày. Được Tỉnh đội trưởng cho về một đơn vị phòng không của tỉnh nhưng 5 anh em chúng tôi quyết lần theo đường giao liên đi tìm đơn vị để được tham gia chiến đấu. Sau 3 ngày mải miết đuổi theo thì gặp được đơn vị.
Đến Vĩnh Linh, tôi được biên chế vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 803 (là Trung đoàn độc lập của Mặt trận B5). Về đơn vị hỏa lực được trang bị pháo DKZ, tôi lại được giao làm pháo thủ số 2. Sau 1 tháng huấn luyện, tôi đã thành thạo mọi việc, kể cả tính toán phần tử bắn cầu vồng - một việc được coi là rất khó đối với pháo DKZ. Cuối tháng 5-1967, chúng tôi đánh trận đầu tiên ở Cồn Tiên. Trận đó trời đầy mây mù, đơn vị chỉ bắn năm quả rồi tháo súng cơ động ngay. Đánh xong, đơn vị lại rút ra Vĩnh Linh.
Trận đánh đáng nhớ nhất với tôi là trận Cẩm Sơn, Gio Linh ngày 29-7-1967. Đó cũng là trận đầu tiên tôi giáp mặt với quân địch. Trận đó đi phối thuộc cùng Đại đội bộ binh 3, tôi sử dụng B41 khi mới huấn luyện loại súng này được một tuần. Đó cũng là trận đầu tiên quân Mỹ nống ra đánh Quảng Trị mà Trung đoàn 803 được tham gia nên mọi cán bộ, chiến sĩ phấn khích lắm, hào khí ngất trời. Nhiều đồng chí ốm cũng xung phong đi chiến đấu.
Đơn vị tổ chức vượt sông Bến Hải từ mờ sáng, sang bờ Nam thì lợi dụng địa hình vùng bán sơn địa có những tán cây lúp xúp để hành quân chiếm lĩnh trận địa. Trận đầu trực tiếp giáp mặt với quân Mỹ nhưng tôi rất yên tâm vì được cùng chiến đấu với các “lính cũ”. Trước trận đánh, tôi đã rất chú tâm tiếp thu kỹ, chiến thuật, kinh nghiệm mà các anh truyền lại. Nhất là lời dặn của anh Thiện - Trung đội trưởng: Phải không sợ chết mới bình tĩnh, tỉnh táo bắn trúng được…
Vào trận, khi tiếng súng, pháo nổ chói tai, tôi vẫn bình tĩnh vận động, dựa vào gò đất quan sát và hướng khẩu B41 về phía địch. Khi chiếc xe bọc thép M113 dẫn đầu đội hình địch lù lù xông lên, tôi chỉnh đường ngắm với đôi chút hồi hộp chờ đợi. Khi xe địch còn cách 100m, tôi thấy chắc ăn liền bóp cò. Khẩu súng giật nhẹ và viên đạn lao thẳng vào sườn chiếc xe bọc thép. Khói lửa bùng lên, trùm lấy chiếc xe. Mấy tên lính trên xe nhảy vội xuống tháo chạy. Quân địch bị mất “giáp” hộ tống cũng bị vỡ đội hình…
Với thành tích tiêu diệt được xe bọc thép, sau trận đó, tôi được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới và được đưa vào danh sách bồi dưỡng kết nạp Đảng. Tôi cũng rất vui khi được anh em trong đơn vị đặt cho cái tên “Thái B41”. Cái tên ấy càng được khẳng định khi mấy tháng sau, tôi được giao nhiệm vụ phục kích đánh tàu địch trên sông Cửa Việt đi Đông Hà. Một mình cùng khẩu B41, tôi cơ động ra bờ sông lập trận địa rồi ngụy trang chờ địch. Khi một chiếc tàu hàng từ Cửa Việt lừ lừ tiến vào, đợi đến cự ly “chắc ăn”, tôi bắn hai phát đạn. Khi thấy khói lửa trùm từ mạn lên boong tàu, tôi nhanh chóng cơ động rút về. Chỉ một lát sau, pháo địch từ đâu bắn ào ào vào khu vực tôi vừa phục kích…
Câu chuyện được Đại tá Lê Sĩ Thái kể thật tự nhiên, chân thực và sống động. Chiều ý tôi, ông lấy ra những tấm huân, huy chương được tặng thưởng trong suốt cuộc đời quân ngũ của mình và kể thêm về chúng. Tôi nhận ra rằng, trong mỗi trận đánh, mỗi chiến công của ông, đều có lòng nhiệt huyết, dũng cảm và sự bình tĩnh trước kẻ thù mà ông đã có ngay từ trận đầu đã tiêu diệt xe bọc thép của địch ấy. Còn về cái tên “Thái B41”, Đại tá Lê Sĩ Thái vui vẻ bảo: “Đó cũng là một kỷ niệm đẹp ở chiến trường. Sau này nó chỉ được nhắc đến khi mình gặp lại những đồng đội đã cùng chiến đấu ở Quảng Trị năm xưa”.
Vũ Quang Huy