Với mục tiêu: Tiếp tục giữ vững vai trò chủ đạo trên thị trường tài chính nông thôn, đồng thời chú trọng thị trường đô thị, luôn mãi là người bạn đồng hành thủy chung và tin cậy của hàng vạn hộ sản xuất và doanh nghiệp; đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng các mặt hoạt động, đảm bảo an toàn hiệu quả. Ngân hàng với quy mô, mạng lưới hoạt động 69 đơn vị giao dịch gồm hội, sở, tỉnh, 21 chi nhánh loại 3 (cấp huyện, thị xã, thành phố) và 49 phòng giao dịch trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An cùng tổng số 1.000 CBCNV (có trên 79% có trình độ đại học và trên đại học, trong đó có 20 thạc sĩ), Agribank Nghệ An đã đóng góp thành tích rất lớn vào việc ổn định đời sống và chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An

Thực hiện phương châm “đi vay để cho vay”, công tác nguồn vốn luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Để xây dựng nguồn vốn, chi nhánh đã đa dạng hóa các hình thức huy động, đặc biệt là triển khai các sản phẩm tiết kiệm dự thưởng, điều hành lãi suất phù hợp và cơ chế thị trường. Đồng thời từng bước đổi mới công nghệ, đổi mới lề lối, tác phong làm việc của CBCNV, quan tâm đến hoạt động marketing, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thương hiệu Agribank… Vì vậy, mặc dù công tác huy động vốn những năm qua phải cạnh tranh gay gắt, quyết liệt, thị phần bị chia sẻ do số lượng các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng nhanh, lãi suất nhiều biến động nhưng nguồn vốn huy động tại chỗ liên tục tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước.

Đến cuối năm 2012, nguồn vốn quản lý và huy động đạt 11.752 tỷ đồng, so với năm 1988 tăng gấp 883,8 lần, bình quân tăng trưởng nguồn vốn hàng năm từ 28-30%, riêng năm 2012 tăng 42,3%, trong đó tỷ trọng tiền gửi dân cư chiếm từ 80% trở lên, giữ thị phần chủ yếu trong tổng nguồn vốn các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn và là chi nhánh có quy mô nguồn vốn huy động cao nhất trong các chi nhánh cùng hệ thống khu vực bắc miền Trung.

Kết quả năm 2012, dư nợ đạt 8.541 tỷ đồng, tăng gấp 237 lần so với năm 1988, trong đó kinh tế hộ 6.865 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 75% tổng dư nợ. Tính đến ngày 15-5-2013 tổng dư nợ đạt 9.160 tỷ đồng, tăng 619 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng 7,3%, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 86,2% tổng dư nợ, nợ xấu chiếm tỷ lệ 0,56% so tổng dư nợ.

Với thị trường được xác định là nông nghiệp, nông thôn, chi nhánh đã bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, bám sát các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nhiều công trình nổi bật trong công tác đầu tư tín dụng như: Nhà máy đường Tate&Lyle (Quỳ Hợp) có công nghệ hiện đại nhất Đông Nam Á. Đã đầu tư cho hộ nông dân vay để trồng và chăm sóc gần 30.000 ha mía nhằm cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy đường Tate&Lyle, Sông Lam, Sông Con. Đầu tư theo mô hình liên kết 4 nhà (nhà nước-nhà khoa học-nhà nông-ngân hàng) để cho vay mua hàng ngàn máy cày đa chức năng, máy gặt, máy thu hoạch chè, đưa cơ giới vào phát triển nông nghiệp, tăng năng suất lao động.

Cho vay xây dựng, bê tông hoá hàng ngàn ki-lô-mét kênh mương phục vụ tưới tiêu đồng ruộng, đường giao thông nông thôn, hệ thống điện phục vụ sinh hoạt, phát triển ngành nghề, tàu thuyền và ngư cụ đánh bắt thủy hải sản. Phát triển hàng ngàn trang trại trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, mía, dứa, chè, chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ hải sản, nuôi tôm xuất khẩu. Phối hợp với hơn 80 doanh nghiệp làm nhiệm vụ XKLĐ cho vay hàng trăm tỷ đồng đưa gần 40.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và XĐGN.

Nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập, đơn vị đã thường xuyên quan tâm đến đầu tư đổi mới công nghệ. Chi nhánh chú trọng phát triển các kênh giao dịch hiện đại gắn với công nghệ cao như kênh giao dịch qua máy tự động ATM, qua điện thoại di động, qua internet. Từ các dịch vụ thanh toán trong nước, thanh toán quốc tế, chi trả kiều hối, kinh doanh ngoại tệ, chứng khoán, đại lý bán vé máy bay... đến các sản phẩm dịch vụ mới có tính tích hợp công nghệ cao như: Dịch vụ thẻ, dịch vụ mobile banking, internet banking, kết nối thanh toán giữa ngân hàng với khách hàng. Chi nhánh hiện giữ vị trí hàng đầu trên địa bàn về số lượng thẻ phát hành (221.000 thẻ) và phục vụ thanh toán lương qua tài khoản. Hệ thống ATM phát triển lên 27 máy, hệ thống EDC/POS lên 33 thiết bị. Có trên 6 vạn khách hàng sử dụng dịch vụ mobile banking, intenet banking. Từ năm 2003 đến nay, dịch vụ chi trả kiều hối đạt 436,3 triệu USD, riêng năm 2012 đạt 94 triệu USD, nằm trong TOP đầu các đơn vị có số món, doanh số chi trả kiều hối cao trong hệ thống Agribank.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank Nghệ An luôn chăm lo và làm tốt công tác từ thiện xã hội, từ ngày thành lập đến nay đã đóng góp hàng chục tỷ đồng cho các quỹ từ thiện, xây dựng hàng trăm nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà văn hoá, nhà mẫu giáo thôn, xóm, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em bị tật nguyền, phụng dưỡng 7 bà mẹ VNAH, ủng hộ quỹ khuyến học, tặng hàng trăm sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách và cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ tính riêng năm 2012 tổng số tiền đơn vị thực hiện công tác an sinh xã hội, ủng hộ các quỹ được 3.887 tỷ đồng.

Với những đóng góp xứng đáng, 25 năm qua, Agribank Nghệ An đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng như: Huân chương Lao động hạng ba, hạng nhì; được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc; bằng khen, cờ thi đua của Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh và các bộ, ngành T.Ư; đoạt cúp “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển” năm 2010. Đảng bộ vinh dự 16 năm liền là đơn vị TSVM, được Tỉnh uỷ Nghệ An tặng bằng khen.

Anh Thi - Đức Đạo