Thông báo nêu rõ: Qua 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội, đã có trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay đạt 433.245 tỷ đồng; góp phần quan trọng vào việc giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần 528 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, trên 11 nghìn căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; trên 112 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động; trên 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập,...
Định hướng phát triển tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội cần tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới; không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ nhằm tạo thuận lợi nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Đội ngũ cán bộ làm tín dụng chính sách nhất thiết phải gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người vay vốn.
Các Bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị; kịp thời chủ động xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển ổn định và bền vững.
Các Bộ, ngành chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường nguồn lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tín dụng chính sách xã hội. Cụ thể, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao có các giải pháp tăng cường nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách: Bố trí cấp đủ vốn điều lệ theo qui định, vốn đầu tư trung hạn, vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, vốn vay dài hạn, lãi suất thấp, vốn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh… để đảm bảo nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách.
Các Bộ, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội thường xuyên nghiên cứu kiến nghị từ các địa phương và tình hình thực tế để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách tín dụng, đối tượng, mức cho vay… đảm bảo phù hợp với thực tế, khả năng của ngân sách Nhà nước, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn tín dụng của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo
Để thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội, hội, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước ủy thác vốn, đóng góp vốn tự nguyện không hoàn lại thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo lập đời sống.
Các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương một cách bền vững, trong đó tiếp tục quan tâm bố trí vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, đặc biệt là những địa phương chưa bố trí vốn ủy thác tương xứng với tiềm năng kinh tế của địa phương.
Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; thường xuyên rà soát, thống kê, xác nhận đúng các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn kịp thời; chỉ đạo thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; định hướng sản xuất cây trồng, vật nuôi giúp người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn vay hiệu quả, thoát nghèo bền vững.
Các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn nữa những công việc đã được Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác, bảo đảm việc cho vay đúng chính sách, đúng đối tượng; giúp người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, cải thiện được đời sống và có nguồn trả nợ.
Các Bộ, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu, có giải pháp tín dụng chú trọng hỗ trợ khởi nghiệp, nhất là đối với phụ nữ và thanh niên ở khu vực nông thôn, hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất - tiêu thụ, ứng dụng khoa học, công nghệ, cải thiện năng lực sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Ngân hàng Chính sách xã hội phát huy những thành công, kinh nghiệm đã đạt được, tiếp tục đồng hành, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của người dân; không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay, thu nợ, bảo đảm giảm thiểu rủi ro; chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ, phát huy tốt vai trò nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội.
VPCP