Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức ngày 7-7.

Thủ tướng Anh - Boris Johnson đã có bài phát biểu từ chức thủ lĩnh đảng Bảo thủ Anh, tương đương với việc từ chức Thủ tướng của đảo quốc sương mù. Năm 2019, hình ảnh người đàn ông với mái tóc dài trắng bù xù vì không bao giờ chải gây ấn tượng với thế giới bao nhiêu khi đảng của ông dành chiến thắng với tỷ lệ ủng hộ cao nhất từ năm 1987, thì khi ông đứng trước của số 10 phố Downing đọc bài phát biểu từ chức trưa 7-7 trông thật thảm hại bấy nhiêu. Thế nhưng, cú ngã ngựa của ông Johnson không phải là điều bất ngờ trên chính trường nước Anh.

Chỉ trong một tuần trước khi ông Johnson bị buộc phải đưa ra quyết định từ bỏ công việc mà theo ông là “tốt nhất thế giới”, đã có tới 50 thành viên nội các của ông xin từ chức. Thậm chí, trong ba ngày nước Anh có tới ba Bộ trưởng Giáo dục. Điều này chứng tỏ các thành viên trong đảng Bảo thủ và trong nội các đã công khai bày tỏ phản đối ông với tư cách người cầm lái. Cô đơn giữa chính trường, đơn độc trong chính đảng của mình là điều buộc ông phải từ chức. Hơn thế, nếu ông không tự đưa ra quyết định thì đảng của ông và kể cả đảng đối lập cũng đã có sẵn kịch bản để tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mà ông chắc chắn không muốn bị bẽ mặt.

Một người từng có nhiều năm kinh nghiệm làm báo, từng làm Thị trưởng London và có chiến thắng vang dội trong bầu cử để đảm nhiệm chức Thủ tướng Anh trong thời điểm khó khăn khi đảo quốc sương mù đang loay hoay thực hiện ý nguyện rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit - với những thoả thuận tốt nhất mà phải từ chức trong tiếng la ó dọc phố Downing là điều có vẻ khó hiểu. Thế nhưng, với những vi phạm và sai lầm được liệt kê đầy đủ thì đúng ra ông Johnson phải từ chức từ lâu.

Khi lên nắm quyền, ông Johnson hứa hẹn sẽ đưa nước Anh rời khỏi EU và "giải cứu" nước này khỏi cuộc tranh cãi gay gắt diễn ra sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016. Kể từ đó, một số đảng viên Đảng Bảo thủ đã nhiệt tình ủng hộ ông, trong khi những người khác, dù còn dè dặt, vẫn ủng hộ ông vì ông có thể thu hút những bộ phận cử tri vốn thường từ chối ủng hộ đảng của họ. Lợi thế đó giúp ông dọn vào ở số 10 phố Downing nhưng nó không giúp thêm được gì khi ông làm Thủ tướng. Cách tiếp cận hiếu chiến và thường dẫn tới hỗn loạn của chính quyền của ông và một loạt vụ bê bối đã khiến thiện chí của nhiều nhà lập pháp trong đảng của ông dần cạn kiệt, trong khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông không còn được công chúng yêu thích. Cuộc khủng hoảng gần đây nổ ra sau khi nhà lập pháp Chris Pincher - Phó trưởng ban thẩm tra tư cách đại biểu của đảng Bảo thủ tại Quốc hội, buộc phải nghỉ việc vì bị cáo buộc quấy rối hai người đàn ông trong một câu lạc bộ. Ông Johnson đã phải xin lỗi sau khi xuất hiện thông tin ông Pincher đã từng bị khiếu nại về hành vi quấy rối tình dục trước khi được bổ nhiệm. Ông Johnsonnói rằng ông đã quên mất thông tin đó.

Đó là vụ việc cuối cùng làm giọt nước tràn ly. Một trong những bê bối đầu tiên mà ông Johnson phải đối mặt là cáo buộc tham nhũng, sau khi loạt tin nhắn trên mạng xã hội WhatsApps cho thấy ông đã yêu cầu một nhà tài trợ thuộc đảng Bảo thủ chi tiền tân trang căn hộ ở phố Downing. Truyền thông Anh cho biết chi phí cải tạo căn hộ có thể lên tới 280.000 USD, dù Thủ tướng chỉ nhận được khoản trợ cấp 36.000 USD/năm cho căn hộ. Cựu cố vấn hàng đầu của ông Johnson - Dominic Cummings, tiết lộ rằng Thủ tướng đã lên kế hoạch cho phép các nhà tài trợ "bí mật chi trả" cho việc cải tạo căn hộ của ông. Các khoản tài trợ và cho vay chính trị được kiểm soát chặt chẽ ở Anh. Các khoản cho vay trên 10.400 USD đều được Ủy ban Bầu cử, cơ quan chuyên giám sát vấn đề tài chính bầu cử và chính trị ở Anh, ghi lại và báo cáo công khai bốn lần một năm. Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson đã không báo cáo các khoản tài trợ này, khiến đảng Bảo thủ bị phạt 21.300 USD hồi cuối năm ngoái.

Ngoài ra, ông Johnson còn phải thừa nhận vi phạm, điều mà ông trước đó đã chối bỏ, các quy định phòng, chống dịch Covid-19 ở thời điểm ngặt nghèo khi tham gia các bữa tiệc say sưa tại văn phòng và tư dinh của ông ở phố Downing khiến ông bị cảnh sát phạt tiền. Ngoài ra, ông còn bị cáo buộc đình chỉ Quốc hội bất hợp pháp để Brexit diễn ra đúng hạn, cáo buộc có những hành động đảo ngược chính sách, việc bảo vệ một nhà lập pháp đã phá vỡ các quy tắc vận động hành lang và những lời chỉ trích rằng ông Johnson đã không làm đủ để giải quyết tình trạng lạm phát, khiến nhiều người Anh phải vật lộn để đối phó với việc giá nhiên liệu và lương thực tăng cao.

Hàng loạt những sai lầm của cá nhân và các nghị sĩ trong đảng đã phủ bóng lên những thành tích hiếm hoi của ông Johnson. Ông sẽ còn làm Thủ tướng trên danh nghĩa tới khi đảng của ông tìm được người thay thế. Cú ngã ngựa của ông là bài học lớn cho những người có chức quyền mà không gương mẫu, vi phạm luật pháp, quy định ngặt nghèo mà người đứng đầu tuyệt đối không nên làm.

Thanh Huyền