
Giao diện website của nền tảng “Bình dân học vụ số”.
80 năm trước, phong trào “Bình dân học vụ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động được nhanh chóng triển khai, lan rộng và ăn sâu vào từng thôn xóm, bản làng. Chỉ 1 năm sau, đã có 75.000 lớp học được tổ chức với sự tham gia của 95.000 giáo viên; trên 2,5 triệu người đã biết đọc, biết viết. Đây là một kỳ tích có một không hai về xã hội hóa học tập trong lịch sử giáo dục. Hiện nay, trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, việc phổ cập tri thức số cho toàn dân đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Phong trào "Bình dân học vụ số" ra đời với mục tiêu giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng ít có điều kiện tiếp cận công nghệ, có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ số, từ đó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, xã hội số.
Là người phát động phong trào "Bình dân học vụ số", Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhấn mạnh: "Chúng ta không chỉ kế thừa di sản quý báu của lịch sử, mà còn phải biết ứng dụng nó vào thực tiễn hiện nay. Việc trang bị tri thức số sẽ giúp người dân tự tin hơn trong môi trường số, chủ động nắm bắt cơ hội và thích nghi với sự phát triển của công nghệ".
Ngày 26-3-2025, tại Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số" với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thể hiện quyết tâm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.Với phương châm "Kiến thức là nền tảng, công nghệ là công cụ để tiến xa", phong trào này không chỉ dựa vào chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, mà còn chú trọng nâng cao nhận thức, khuyến khích từng cá nhân tự học, chủ động tham gia vào không gian số, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Phát biểu tại Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Bình dân học vụ số” là một nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; hưởng ứng và thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về học tập suốt đời và triển khai phong trào "Bình dân học vụ số".
Để thực hiện, Thủ tướng đề nghị tập trung vào "Một mục tiêu, hai phát huy, ba bảo đảm, bốn nhiệm vụ trọng tâm".
Một mục tiêu là phổ cập tri thức, kỹ năng số cơ bản cho mọi người dân với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, bao trùm, sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau.
Hai phát huy gồm: Phát huy và huy động tổng thể, có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, của xã hội, của doanh nghiệp và của toàn dân; Phát huy truyền thống văn hóa, hiếu học, tinh thần học tập suốt đời, khát vọng vươn lên của con người Việt Nam.
Ba bảo đảm là: Bảo đảm các cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp để triển khai phong trào thiết thực, hiệu quả; Bảo đảm thông suốt về hạ tầng, tính đồng bộ, tính liên kết, tính linh hoạt, không hình thức, màu mè và đúng đối tượng; Bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường công khai minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Bốn nhiệm vụ trọng tâm gồm: Thứ nhất, xây dựng hệ sinh thái học tập số (phát triển nền tảng học tập số toàn dân, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn); Thứ hai, xây dựng cơ chế khuyến khích và tạo động lực học tập (đưa kỹ năng số vào hệ thống đánh giá lao động, tuyển dụng; ưu đãi cho đối tượng yếu thế; khuyến khích doanh nghiệp tham gia); Thứ ba, xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên số (phát triển đội ngũ giảng viên, tình nguyện viên số; huy động lực lượng đoàn viên, hội viên tham gia); Thứ tư, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả (xây dựng cơ chế đánh giá; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; thực hiện giám sát độc lập từ tổ chức xã hội, báo chí và cộng đồng để bảo đảm tính minh bạch).
Nền tảng Bình dân học vụ số được triển khai từ ngày 1-4-2025. Sản phẩm do Bộ Công an cùng Đại học Bách khoa triển khai quản lý và vận hành, được cung cấp tại “binhdanhocvuso.gov.vn”, đăng nhập xác thực bằng VNeID. Nền tảng có thể đáp ứng 400.000 người học đồng thời, với 3.000 khóa học, cho phép xây dựng chương trình học liệu riêng, kỳ vọng giúp giảm 80% chi phí đào tạo, tập huấn so với phương thức truyền thống. Nền tảng tích hợp sẵn các công cụ theo dõi quá trình học, đánh giá mức độ nghiêm túc, tính năng kiểm tra có giám sát bằng AI, hỗ trợ quy trình quản lý, đào tạo, từ khâu đăng ký đến đánh giá, cấp chứng chỉ.
Theo Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Bùi Quang Huy: Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, Ban Bí thư T.Ư Đoàn, các cấp bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên cả nước cam kết sẽ triển khai sâu rộng và hiệu quả phong trào này đến các cấp bộ Đoàn trên cả nước. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp, nhiệm vụ như: Thành lập và phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ công nghệ cộng đồng trong hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tham gia kinh tế số sử dụng các nền tảng, dịch vụ số an toàn, hiệu quả; tổ chức các lớp “Bình dân học vụ số” để phổ biến kiến thức, kỹ năng công nghệ cho nhân dân với nhiều hình thức cả trực tiếp và trực tuyến...
Với quyết tâm chính trị cao, cùng tinh thần đoàn kết, sáng tạo và khát vọng phát triển mạnh mẽ của dân tộc, chúng ta tin tưởng, phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ lan tỏa sâu rộng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho tất cả mọi người, mang lại lợi ích cho mọi người dân và cho quốc gia, dân tộc, tất cả vì mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Mai Phương