Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, các cán bộ y tế thành phố Hồ Chí Minh đã đến tận nhà để tiêm phòng Covid-19 cho những người già yếu, di chuyển khó khăn ở quận 10. (Ảnh MẠNH HẢO)

Sau khi số lượng người mắc Covid-19 giảm được ít ngày thì ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, số ca mắc mới lại đang tăng cao. Dự báo số ca mắc mới sẽ còn tăng, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương nâng mức cảnh giác lên cao nhất để có những biện pháp ứng phó phù hợp.

Ghi nhận trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 cho thấy, sau khi giảm về mức 8.500 đến 8.700 ca vào các ngày 2 và 3/2 (mức thấp nhất trong hơn hai tháng qua), số ca mới đã lại tăng rất nhanh, lên đến hơn 27.300 ca vào ngày 12/2, nhiều nhất từ trước đến nay tại nước ta. Số ca mắc được ghi nhận gia tăng ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Địa phương ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 là Hà Nội, với số lượng luôn ở mức gần 3.000 ca/ngày, sau đó đến các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hải Dương, Thanh Hóa, Hòa Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định, Đà Nẵng, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Nguyên... Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 192 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang, Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng, Ninh Bình.

Đáng chú ý, số ca mắc mới tăng cao nêu trên đều tập trung vào những ngày sau Tết và phần lớn đều trong cộng đồng. Bộ Y tế đánh giá số ca mắc mới còn gia tăng thời gian tới khi mức độ giao lưu, đi lại của người dân trong dịp Tết nhiều sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh; bên cạnh đó, học sinh bắt đầu đi học trở lại... Điều đó đòi hỏi ngành y tế và các địa phương cần triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Trước tình hình số ca mắc gia tăng, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội nâng mức cảnh giác cao nhất đối với dịch Covid-19, trong đó đặc biệt chú ý tới biến thể Omicron. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022 và hoàn thành mục tiêu bao phủ vắc-xin; rà soát, tiêm vét cho đối tượng nguy cơ cao, không bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc-xin; bảo đảm an toàn tiêm chủng. Các địa phương, nhất là các thành phố lớn cần rà soát và lập danh sách những người trở về từ các tỉnh, thành phố hoặc đang sống trên địa bàn chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ để vận động người dân đến cơ sở y tế tiêm chủng phòng Covid-19. Chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ ngành y tế trong công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu bao phủ vắc-xin trong quý I/2022, góp phần kiểm soát dịch bệnh. Trong trường hợp cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng thì bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, khu công nghiệp, trường học, nhà văn hóa... để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm; bố trí cơ sở, đội cấp cứu lưu động để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến sau tiêm chủng... Sau khi Chính phủ đã đồng ý và triển khai mua vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm cho trẻ em độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đang tích cực chuẩn bị để việc tiêm theo khuyến cáo về mặt khoa học, bảo đảm hiệu quả, thực hiện thận trọng
từng bước và đặt an toàn lên hàng đầu...

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới cũng như các chuyên gia, đại dịch Covid-19 không thể chấm dứt trước năm 2023. Vì vậy, với Việt Nam, công tác phòng, chống dịch vẫn phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trước mắt và quan trọng. Toàn ngành y tế vẫn phải tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tất cả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Chiến lược chống dịch vẫn thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", trong đó tập trung những nội dung quan trọng là: tăng bao phủ vắc-xin, nhất là với mũi ba cho những đối tượng trên 18 tuổi; bảo đảm việc tiêm cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi và chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tiếp tục triển khai các biện pháp về y tế công cộng như 5K, trong đó biện pháp đeo khẩu trang là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19... Mặt khác, tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là năng lực ứng phó với những ca bệnh diễn biến nhanh, tăng nặng... đáp ứng mọi tình huống về y tế trong mọi bối cảnh, hoàn cảnh.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, không lơ là chủ quan ngay cả khi đã tiêm đủ mũi vắc-xin phòng Covid-19. Tăng cường giám sát, kiểm tra công tác quản lý người nhập cảnh cách ly theo quy định. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân từ các tỉnh, thành phố trở về và cư trú trên địa bàn tuân thủ thông điệp 5K, tự theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm và xử trí theo quy định.

MINH HOÀNG