Tháng 7, xuất siêu 100 triệu USD
Theo số liệu chính thức từ Tổng cục Thống kê, chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu trong trong tháng 7 ước khoảng 100 triệu USD. Cụ thể, giá trị hàng xuất khẩu trong tháng ước khoảng 9,6 tỷ USD, trong khi nhập khẩu khoảng 9,5 tỷ. Trước đó, trong tháng 6, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 9,89 tỷ USD hàng hóa, trong khi nhập về 9,53 tỷ USD.
Con số xuất siêu tổng cộng hơn 460 triệu USD sau 2 tháng đã giúp nhập siêu toàn nền kinh tế từ đầu năm giảm xuống còn 58 triệu USD, tương đương chưa đến 0,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong tháng 7, dệt may vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước, đạt 1,4 tỷ USD, tăng 0,03% so với tháng trước.
Đứng sau dệt may là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,2 tỷ USD; dầu thô đạt 957 triệu USD; thủy sản 520 triệu USD...
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, và thủy sản đang từng bước phục hồi khả quan.
Bộ này dự báo, cả năm tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 26,5 tỷ USD.
Theo thống kê mới nhất từ Bộ này, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản 7 tháng năm 2012 ước đạt 15,9 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó các mặt hàng nông sản chính vẫn đóng vai trò chủ đạo với giá trị xuất khẩu ước đạt 8,9 tỷ USD. Ngoại trừ gạo và cao su, hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đều có sự tăng trưởng khả quan.
Giá trị hàng nhập khẩu cũng giảm nhưng không rõ rệt. Trong đó, nhập xăng dầu giảm mạnh từ hơn một triệu xuống còn 750.000 tấn, tương đương 630 triệu USD. Nhập ôtô tăng nhẹ về giá trị lên 168 triệu USD nhưng lượng nhập nguyên chiếc vẫn ổn định ở mức 2.000 xe, tương đương khoảng 48 triệu USD.
Nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện là nhóm có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất trong tháng 7 với 1,05 tỷ USD, giảm 0,02 tỷ USD so với thực hiện tháng 6.
Tiếp đến là mặt hàng vải với kim ngạch nhập khẩu 600 triệu USD; sắt thép 507 triệu USD; xăng dầu 630 triệu USD...
Chiến lược tăng trưởng xuất khẩu bình quân 11% - 12%/năm
Tại Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2012, định hướng đến năm 2030 vừa được Chính phủ ban hành đưa mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 11% - 12%/năm trong thời kỳ 2011-2020, tăng trưởng nhập khẩu bình quân tăng 10% - 11%/năm. Giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng và thặng dư cán cân thương mại.
Chương trình sẽ xác định các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng, có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng cao để có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển.
Theo mục tiêu tổng quát của chiến lược là tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đến năm 2020 tăng gấp 3 lần năm 2010, bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD, cán cân thương mại được cân bằng và mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 11 - 12%/năm trong thời kỳ 2011 – 2020.
Trong đó giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng bình quân 12%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 11%/năm và duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 10% thời kỳ 2021-2030.
Bên cạnh đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu; giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020; thặng dư thương mại thời kỳ 2021 - 2030.
Định hướng xuất khẩu sẽ được phát triển theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu. Định hướng phát triển xuất khẩu đưa ra 4 nhóm ngành cụ thể:
Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, sẽ có lộ trình giảm dần xuất khẩu khoáng sản thô; đầu tư công nghệ để tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu. Định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 11,2% năm 2010 xuống còn 4,4% vào năm 2020.
Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản (là nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh dài hạn nhưng giá trị gia tăng còn thấp), cần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm xuất khẩu có ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo (là nhóm hàng có tiềm năng phát triển và thị trường thế giới có nhu cầu) phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, phát triển công nghiệm hỗ trợ… định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 40,1% năm 2010 lên 62,9% vào năm 2020.
Nhóm hàng mới (nằm trong nhóm hàng hoá khác), sẽ rà soát các mặt hàng mới có kim ngạch hiện nay còn thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao trong thời gian tới để có các chính sách khuyến khích phát triển, tạo sự đột phá trong xuất khẩu.
Định hướng nhập khẩu, chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa, đồng thời phát triển sản xuất nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ các ngành hàng xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu trong nước và phát triển công nghiệp hỗ trợ, kiểm soát chặt việc nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu trong dài hạn.
Để đạt được các mục tiêu, chiến lược đã đưa ra các giải pháp cụ thể về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thị trường, chính sách tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao nhận kho vận, đào tạo phát triển nguồn nhân lực,v.v…
Ngoài ra, chiến lược giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội ngành hàng xây dựng Chương trình hành động để thực hiện chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quý I năm 2012. Bên cạnh đó, giao Bộ Công Thương hướng dẫn các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Chương trình hành động thực hiện chiến lược theo chức năng, thẩm quyền./.
Theo VOV A Hoàng