Nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế tại hội thảo về kinh tế Việt Nam năm 2010 diễn ra vừa qua tại Hà Nội cho rằng: mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi suy thoái và đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, 5,32% trong năm 2009 trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm, song điều đó không có nghĩa là Việt Nam có một năm thuận lợi trước mắt.
Theo ông Lê Đình Ân - giám đốc NCEIF, năm 2010 tăng trưởng kinh tế của VN có thể đạt 6-6,5% và phương án khả quan có thể đạt 7%. VN cần phải nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên, ông Ân cũng bày tỏ quan ngại nguy cơ lạm phát cao trong năm 2010 có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. NCEIF đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm giúp chặn đà suy giảm và tăng trưởng trở lại, đó là nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống tài chính, ngân hàng, nâng cao hiệu quả đầu tư, tái cơ cấu mặt hàng và thị trường xuất khẩu. Ông Đoàn Hồng Quang, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới cho rằng cần có cái nhìn thận trọng về viễn cảnh 2010. “Tất cả tín hiệu hồi phục như tăng trưởng GDP, xuất khẩu trên thế giới nguyên nhân cơ bản là gói kích thích của các chính phủ” nên theo ông Quang, khi gói kích thích hết, các vấn đề sẽ lộ ra.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Cung, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng VN cần cẩn trọng trên con đường kinh tế sắp tới và quan trọng nhất là ổn định vĩ mô chứ không phải tăng trưởng cao. Ông đề nghị cải cách thủ tục hành chính năm nay cần có đột phá, bởi cải cách phải đạt hiệu quả mới có thể giúp doanh nghiệp.
Ông Ân giải thích thêm là theo phương án này thì việc huy động và sử dụng nguồn lực phát triển sẽ được chú ý hơn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ ở mức 40% GDP, với cơ cấu nguồn vốn giảm đáng kể từ nguồn ngân sách, sắp xếp lại cơ cấu đầu tư theo hướng hiệu quả và huy động tốt hơn các nguồn ngoài ngân sách. Tuy nhiên, một phương án khác với trọng tâm là theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao cũng được đưa ra, mà theo ông Ân là khoảng 7%.
Năm 2010 là năm nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn đầu của quá trình hồi phục, do đó xuất nhập khẩu, vốn FDI cũng như sức mua của dân chưa thể tăng nhanh. Do vậy, để có thể đạt mục tiêu này Việt Nam sẽ phải dựa vào việc tăng đầu tư và chi tiêu Chính phủ trong đó đầu tư là chính
Thu Hải