Dùng giấy báo gói thực phẩm là thói quen không tốt, có thể khiến cơ thể nhiễm độc chì.
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Loại mực dùng để in báo chứa nhiều chất gây hại, như: Ethanol, isopropanol, toluen… đặc biệt là PCBs (Polychlorinated Biphenyls). Kể cả khi đã được làm khô, giảm bớt độc tính thì những chất này vẫn có thể gây ra tác hại khôn lường tới sức khỏe con người nếu ăn hay hít phải. Ngoài ra, trong giấy báo cũng như mực in báo còn có một số chất thuộc nhóm kim loại nặng gây hại, nhất là chì không có khả năng hòa tan trong nước, nên khi vào cơ thể sẽ tích lại ở gan, thận, biểu mô mỡ, gây hại cho con người... Theo các nhà khoa học, trong 1kg giấy báo có tới 0,1-1mg chất độc chì; cơ thể có từ 0,5 đến 2mg chì sẽ bị nhiễm độc.
Ngoài ra, việc dùng giấy báo cũ để gói đồ ăn, thực phẩm cũng gây nguy cơ nhiễm khuẩn cao, bởi giấy báo trải qua rất nhiều khâu in ấn, vận chuyển, chuyền tay nhiều người, ẩn chứa các ổ vi khuẩn, bụi bẩn...
Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế quy định: Nghiêm cấm việc đóng gói thực phẩm bằng các bao gói có nguy cơ gây ngộ độc, gây hại, không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm như: Giấy báo, nhựa tái sinh...
Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, nên sử dụng một số loại lá cây trồng có sẵn để bao gói thực phẩm rất an toàn, thân thiện với môi trường như lá chuối, lá dong, lá dừa, lá sen... có chứa nhóm nhân phenol gây ức chế vi khuẩn và dễ phân hủy trong đất.
Thành An