(CCBVN) Trong nhà, ba là người luôn vắng mặt. Đến như chiều 30 tết, khu tập thể đã nhộn nhịp nhang đèn, bông trái… Người lớn mặc quần áo phẳng phiu, tề chỉnh; đám trẻ thì mặc những bộ đồ mới loại hai, còn loại một phải để ngày mai mồng một Tết. Vậy mà ba vẫn chưa về. Tôi hỏi mẹ:

  • Ngày rước ông bà, sao ba cứ đi biền biệt hả mẹ?
    Mẹ đang nấu mấy món đồ cúng đơn giản - Năm nào gia đình tôi cũng ăn tết đơn giản:
  • Vì công việc, khuya ba con mới về. Ba con sẽ là người xông đất đấy.
  • Sao ba không về ăn bữa cơn tất niên rồi hẵng đi. Ngoại nói bữa cơm tất niên và bữa cơm đầu xuân cần phải đủ mặt để cả năm vui vẻ, sum vầy…
  • Mẹ đã nói là vì công việc mà. Như chú Dũng, chú Kiên… mấy ngày Tết vẫn ở ngoài đảo Phú Quý làm nhiệm vụ, đâu có về sum họp; vậy mà gia đình họ vẫn làm ăn phát tài, đoàn tụ đông vui…
  • Nhưng chú Dũng, chú Kiên là bộ đội, còn ba đâu phải…
    Những suy nghĩ thơ ngây như vậy khiến tôi yêu mẹ nhiều hơn. Tôi với ba như có một khoảng cách, dù không lớn. Ngày tết tôi xúng xính trong bộ đồ mới đi mừng tuổi mấy dì, mấy cậu. Ý nghĩ trẻ con vẫn phảng phất theo tôi trong cả những bao lì xì đo đỏ… Mấy ngày tết cả khu tập thể sáng rực lên với những cành đào, chậu mai, gốc hạnh… nhưng rực rỡ hơn vẫn là những tà áo đủ sắc màu. Ba bé Hải đóng bộ “vét” mầu kem thật oách. Ba của Hương, ba của Thuỷ… ai cũng đóng bộ đồ kẻng, thắt cà vạt hẳn hoi. Nói chung họ đóng bộ giống như đi lễ, đi dự đại hội… còn ba, vẫn bộ đồ công nhân mầu xanh khiêm tốn. Dù ngày tết hay những khi đi dự lễ ba vẫn mặc như vậy. Chỉ khác là ba chọn mặc bộ nào mới nhất, bộ cũ để đi làm. Trong niềm vui Tết của tuổi thơ, tôi chợt thoáng một nỗi buồn.
    Giờ đây tuổi thơ đã đi xa rồi. Tôi chững chạc, thướt tha trong tà áo dài mỗi khi đến lớp. Bọn thằng Hải, con Hương, con Thủy hết dám gọi tôi là “bé còm” như thuở trước. Chỉ còn những người lớn, như mẹ của Hải chẳng hạn. Lần ấy gặp tôi, bất ngờ bà reo lên:
  • Ôi lâu quá mới gặp lại bé Còm. Giờ đây mỗi khi đi học là cả khu tập thể sáng rực lên đấy.
    Thế là mọi người cùng cười vang vui vẻ, vô tư. Được khen nhưng trong tôi nỗi buồn chỉ chực trào lên. Cái sáng rực của ngày xuân ở khu tập thể này hay ở cả quê hương, có ba tôi không vậy? Ba ơi! Ngày ngày con đến trường bằng xe đạp ba mới mua cho. Con đi, gió vờn theo bay bay tà áo trắng. Những nón nỉ, cặp da “đúng mốt”, cùng đôi dép thời trang… Ngày hai bữa cơm ngon, canh ngọt… Còn ba, vẫn bạc màu bộ quần áo công nhân, vẫn vắng mặt cả những ngày xuân, bữa Tết. Xuân này cũng như những xuân qua, đêm giao thừa không ba sum họp. Sáng mồng một khi đồng hồ điểm sáu giờ ba mới trở về. Mẹ đon đả, vui mừng:
  • Anh nghỉ ngơi rồi lát nữa cùng em cúng Cụ. Năm mới em chúc anh mạnh khoẻ và ngày một ế hàng.
    Mẹ nắm chặt tay ba rồi cùng cất tiếng cười. Tiếng cười thật vui, thật bao dung, độ lượng. Tiếng cười như đem theo cả làn nắng xuân vừa rọi. Nhấp ngụm nước trà, ba kể mà như thanh minh cùng mẹ:
  • Dự tính mười một giờ đêm là xong việc. Ai dè đã quá giao thừa mà mấy sạp bán dưa, bán mứt vẫn còn người mua, người bán ì xèo. Cùng cảnh nghèo nên mình hiểu. Người bán vì nghèo mới ráng bán đến giờ này. Người mua cũng vì nghèo, giờ mới có tiền ra mua chút gì để cúng tổ tiên, ông bà. Nghĩ vậy anh mới ra quán uống cà phê, ngồi chờ. Đến khi quét dọn xong thì đã năm giờ sáng, thì một phụ nữ chạy lại năn nỉ:
  • Anh ơi, em biết vầy là không tốt với anh. Nhưng không thể…
  • Có gì cô cứ nói.
  • Nhà em người đi làm mướn, người lo bán chợ tết… cứ lo miếng ăn nên về quét dọn nhà cửa tới giờ mới xong. Nhà em thì nhỏ mà mấy thùng rác trước nhà lại to đùng. Anh làm ơn… ngày mồng một tết…
    Mồng một tết, trước nhà đống rác chình ình, vo ve ruồi nhặng… Thẩm mĩ, vệ sinh… tội cho những bé thơ áo quần mới xúng xính chơi xuân, khi phải đi qua thùng rác đó. Nghĩ vậy, anh mới theo cô ta vòng tới tận con hẻm ở cuối đường Lê Lợi. Dọn xong đống rác, cô mừng lắm, dúi vô tay anh một xấp toàn loại tiền 2.000 đồng:
  • Em cám ơn anh nhiều! Anh cho em gửi chút tiền uống cà phê. Tiền em bán hàng toàn tiền lẻ. Anh thông cảm.
  • Cô nghèo, tôi nghèo cùng giúp nhau, có gì đâu. Thôi số tiền này tôi mừng tuổi cho con của cô.
  • Nói xong anh đẩy xe rác đi. Mệt mỏi, bụng đói, mất ngủ… Vậy mà trong lòng anh thấy vui vẻ vô cùng… Đó là lí do anh về trễ.
    Mẹ cười thật tươi:
    Chúc mừng anh! Đầu xuân anh đã làm một việc đầy ý nghĩa. Vậy nên mùa xuân này sẽ là của anh.
    Rồi mẹ quay sang tôi:
  • Nè Thu, con có biết vì sao giờ giao thừa mà ba con vẫn phải dọn rác không?
    Tôi chưa biết trả lời ra sao thì mẹ đã tiếp:
  • Trên đời có cả trăm nghề nghiệp. Có nhiều nghề nhàn nhã cao sang nhưng cũng lắm nghề gian nan vất vả. Dù làm bất cứ nghề nào, miễn yêu nghề, miễn có cái tâm cái đức với nghề; thì người đó sẽ được đời quý trọng yêu thương. Con học Truyện Kiều chắc con hiểu hơn mẹ về chữ Tâm của cụ Nguyễn Du chứ?
    Ba chợt cười vang:
  • Ôi, hôm nay em văn thơ quá nhỉ? Lại giống một triết gia nữa chứ.
  • Hôm nay là ngày đầu tiên của mùa xuân, mà mùa xuân là của anh, của con, của chúng ta. Vậy nên nói chuyện cùng con cũng phải ấm áp hơi xuân. Thu ơi! Mẹ mong con hãy chọn cho mình một ngành nghề để chuẩn bị một tương lai cũng thắm sắc tựa mùa xuân.
    Tôi hiểu mẹ đang “hướng nghiệp” cho đứa con gái cưng của mẹ (tôi đang học lớp 12 mà). Lần trước mẹ hỏi “Con đã quyết định thi vào ngành nào chưa?”. Tôi lắc đầu, mẹ quay đi, buồn nhiều lắm. Giờ đây, trong cái khoảnh khắc thiêng liêng của đầu xuân - tôi dõng dạc trả lời, chắc như “đinh đóng cột”:
  • Mẹ ơi! Con đã chọn được ngành nghề rồi mẹ ạ!
  • Con gái chọn ngành nào nói ba mẹ cùng nghe.
  • Con nối nghiệp ba.
  • Con suy nghĩ kỹ chưa? - Cả ba và mẹ cùng hỏi.
  • Dạ, rất kỹ, thưa ba mẹ.
    Ba mẹ kính yêu! Tương lai không xa, tiếng chổi đêm chỉ còn là một kỷ niệm. Khi văn minh trở thành lẽ sống, không ai xả rác nơi công cộng, chẳng ai nỡ làm ô nhiễm môi trường. Người ta sẽ sẵn sàng cúi lượm từng chiếc lá vàng vừa rơi xuống lộ… Đó là lúc mà câu mẹ đã chúc ba “ngày một ế hàng” trở thành hiện thực. Người công nhân vệ sinh không còn vất vả nhọc nhằn, không phải ngày đêm quét rác. Sẽ có những chiếc xe màu xanh, lịch lãm, chầm chậm trên từng đường phố dọn vệ sinh, hút bụi đường… Văn minh và khoa học cùng đem về cho phố phường những không gian lồng lộng mầu thiên thanh huyền ảo. Ba ơi, con sẽ thi, sẽ đậu, con sẽ ráng học thật nhiều và con sẽ đem kiến thức về quê hương nối nghiệp của ba. Ba kính yêu ơi! Con yêu ba nhiều lắm. Con yêu cả cuộc đời này, cuộc đời đẹp như tấm thảm xanh mênh mông, bất tận…
    Mẹ ôm tôi thật chặt vào lòng. Bàn tay chai sạm của ba xoa đầu tôi thật êm, thật dịu, bỗng đôi mắt người hai giọt lệ lăn dài. Nắng xuân rực rỡ cũng đã kịp hôn lên mái tóc khô cằn của ba tôi. Căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười. Những bông mai vàng bắt đầu đua nhau nở rộ. Chưa bao giờ gia đình tôi có một mùa xuân đẹp như mùa xuân này./.
    BÙI NGỌC LINH