Cuộc mít tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn, Hà Nội ngày 19/8/1945. (Ảnh tư liệu)

“… Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha…”! Cứ mỗi kỳ tháng Tám vào thu, âm hưởng của những vần thơ lay thức lòng người trong bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi lại như thanh âm giục gọi càn khôn thay áo mới. 77 năm kể từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, cứ mỗi mùa thu đi qua, các thế hệ đồng bào, chiến sĩ lại thêm một lần chứng kiến sự đổi thay của quê hương, đất nước trên hành trình xây dựng hùng cường…

Mùa thu này tôi về quê tham dự lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa đình Đôn Mỹ. Ngôi đình được xây dựng từ gần 130 năm trước, bên mái đồi Hội Sơn, dưới đỉnh Kê Quan Sơn (núi Mồng Gà), thuộc xã Sơn Trà (xã Đôn Mỹ cũ), huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, làng Hội Sơn nhiều lần phải di cư chạy giặc, tránh lũ, nhưng ngôi đình làm bằng gỗ lim cong vút mái rêu phong vẫn uy nghi, sừng sững bên lũy tre thân thuộc.

Về quê lần này, câu chuyện của các bậc cao niên cùng với trang sử vẻ vang của quê hương đã tái hiện ký ức một thời lửa cách mạng bùng lên, sục sôi dưới chân núi Mồng Gà. Từ những năm 1930-1945, nơi đây là một trong những cái nôi của phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp. Đình Đôn Mỹ, ngôi đình linh thiêng thờ Thần núi Mồng Gà (Đại vương Kê Quan Sơn) và Bản cảnh Thành Hoàng theo tín ngưỡng dân gian, trở thành nơi hội họp của Chi bộ Đảng, nơi thành lập, tổ chức huấn luyện, hoạt động của lực lượng Tự vệ đỏ, Nông hội đỏ, phất cờ khởi nghĩa chống thực dân, phong kiến.

Các bậc cao niên ở xã vẫn còn nhắc đến trận hỏa hoạn kinh hoàng nhất lịch sử xã Sơn Trà. Trong giai đoạn phong trào cách mạng phát triển thành cao trào, thực dân Pháp đã tung quân về xã lùng sục, bắt bớ những cán bộ chủ chốt, bị chúng liệt vào danh sách mầm mống cộng sản, bằng mọi cách phải triệt hạ. Đồng chí Thái Sua (tên thường gọi là cố Sua), bậc cao niên rất có uy tín trong xã, là mục tiêu săn đuổi của lính Pháp. Hôm ấy, lợi dụng lúc bà con đi làm đồng, một toán lính Pháp đồn trú tại Nầm, mang theo súng ống thúc ngựa về làng lùng bắt cố Sua. Mặc dù bị bao vây tứ phía nhưng cố Sua vẫn mưu trí thoát được, chạy lên núi Mồng Gà ẩn náu. Không bắt được người, tên quan ba ra lệnh cho lính châm lửa đốt nhà cố Sua. Gặp mùa gió Lào thổi rát, những căn nhà lợp lá cọ, rơm rạ bùng cháy dữ dội. Cả làng có 62 nóc nhà biến thành tro bụi. Hàng trăm nhân khẩu rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Nhà hát lớn Hà Nội ngày nay.

Nhưng, thực dân Pháp không ngờ, chính hành động hung bạo ấy đã thổi bùng lên lòng căm thù tột độ của bà con nông dân. Khi lửa của đám cháy làng lụi tắt thì lửa của lòng căm hờn bùng lên, trở thành sức mạnh vô song, không gì ngăn cản được. Người dân mang theo tất cả những thứ vũ khí thô sơ: Câu liêm, cuốc, thuổng, gậy gộc, giáo mác… đánh đồn diệt ác, khiến quân địch phải khiếp sợ, bỏ chạy tán loạn.

Ngọn lửa của tinh thần yêu nước, yêu quê hương, lòng căm thù giặc sâu sắc đã biến những người nông dân hai sương một nắng thành những đấng anh hùng. Cách mạng Tháng Tám thành công. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Những xóm làng lúp xúp dọc chân núi Mồng Gà bừng lên sắc cờ hoa. Ông bà nội ngoại của tôi cùng bà con cô bác nô nức tham gia bình dân học vụ. Sự đổi đời của những thế hệ con người lam lũ nơi làng quê nghèo khó diễn ra như hoa đến thì hoa nở, lúa đến kỳ trổ bông, qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai…

77 năm rồi kể từ mùa Thu lịch sử năm ấy, thật may mắn và hạnh phúc khi trở về nơi cắt rốn chôn rau, tôi vẫn còn gặp được những con người của thời kỳ ấy. Các cụ đã già yếu, nhưng dưới mái đình linh thiêng vừa được trùng tu, tôn tạo, vẫn hừng hực khí chất cách mạng như thuở thanh niên. Các cụ hỏi tôi về tình hình thời sự, chính trị của đất nước, bày tỏ vui mừng trước sự đổi mới nhanh chóng, toàn diện của dân tộc. Giữa thế núi, dáng sông vĩnh hằng, những  ngôi nhà tranh vách đất ngày xưa đã thay bằng nhà cao tầng. Con đường đất ngoằn nghoèo dưới lũy tre ngà đã thay bằng đường bê tông thênh thang. Xung quanh làng, dịch vụ làm đẹp, karaoke, quán hàng… mọc lên như nấm, hoạt động tưng bừng. Tôi thắp nén nhang dưới mái đình cong vút, màu gỗ lim nhẵn bóng càn khôn, nét khắc chữ Nho trên đôi liễn bằng gỗ nhắc nhớ chứng tích lịch sử của làng. Quá khứ, hiện tại và tương lai được kết nối, giao hòa từ những hình ảnh, hiện vật rất đỗi thân quen…

Tôi mang theo cảm xúc của mùa thu tháng Tám nơi làng quê bé nhỏ, đi tàu hỏa ra Hà Nội công tác. Nghe tiếng bánh tàu nghiến vào đường ray xình xịch, lại nhớ những âm thanh đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay của một thời đất nước gian lao. Dọc dài đất nước, diện mạo những vùng đất từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng ngược miền núi… đã thưa vắng những hình ảnh truyền thống cổ xưa. Thật may mắn khi ở các vùng quê vẫn còn rất nhiều công trình, di tích lịch sử văn hóa. Phong trào trùng tu, tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể gắn với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và đời sống tín ngưỡng của đồng bào đã và đang trở thành nhu cầu tự thân, việc làm tự nguyện, tự giác của các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó mà thế hệ hôm nay, thế hệ mai sau vẫn còn vẹn nguyên hào khí non sông, nguyên khí quốc gia thịnh vượng để tiếp bước dựng xây đất nước hùng cường…

Mùa thu tháng Tám năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và kiều bào yêu nước khắp nơi trên thế giới, đón Tết Độc lập trong bầu không khí vui tươi, tin tưởng, phấn khởi, tự hào. Việc khống chế thành công đại dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước bằng chiến lược bao phủ vaccine đã giúp chúng ta tự tin mở cửa du lịch, thương mại, xúc tiến đầu tư, tái phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội.

Hà Nội vào mùa ngâu, không gian dìu dịu. Hồ Tây trong veo tiếng chim trời, xốn xao đuôi cá quẫy. Thủ đô mùa này nhộn nhịp bước chân du khách đến  từ bốn biển năm châu. Đêm thu, dọc những con phố cổ, người đi như trẩy hội. Những ngả đường mướt xanh cây lá. Nỗi nhớ những mùa thu lịch sử ùa về theo gió mùa thu…

Kể cũng lạ! Dù di chuyển bằng taxi, xe ôm công nghệ hay ngồi xích lô lướt gió bờ hồ, dù gặp người ăn vận bảnh bao hay bác đạp xích lô gương mặt đen đúa gió  sương… người Hà Nội ai cũng  dành sự quan tâm đặc biệt đến lịch sử dân tộc, vận mệnh đất nước. Quanh hồ Gươm, tôi nghe dân mình luận bàn thế sự. Họ nói về cuộc chiến chống tham nhũng, chống tiêu cực của Đảng ta, bày tỏ lòng kính yêu đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Họ gọi đồng chí Tổng Bí thư Đảng ta bằng hai tiếng gần gũi: Bác Trọng! Nhiều người dân thủ đô ví cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay trong Đảng cũng cam go, khốc liệt chả khác gì cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc năm 1945.

Cuộc chiến hôm nay không có tiếng súng, nhưng dư âm, tác động của nó trong lòng dân thì vô cùng mạnh mẽ. Chống tham nhũng, tiêu cực, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng là cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và cái xấu, giữa chính và tà… Chẳng có cuộc chiến nào tránh được mất mát, hy sinh. Và cuộc chiến để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ và vận mệnh dân tộc, đất nước hiện nay, ai cũng có niềm tin son sắt, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng. Nhưng sự mất mát, hy sinh trên nhiều phương diện là không thể tránh khỏi.

Mùa thu nay khác rồi! Trong cuộc đấu tranh ấy, lòng dân đã thuận. Đảng đã vạch chiến lược, sách lược đi đúng, đi trúng vào niềm mong đợi của nhân dân.

Mùa thu nay khác rồi! 77 mùa thu đi qua, đất nước mình đã vươn cao tầm vóc, thủ đô đang tiến lên hiện đại, văn minh. Nhưng trên từng góc phố, con đường, từng công trình kiến trúc cổ… vẫn còn đó dấu ấn của mùa thu lịch sử 77 năm trước - mùa thu đánh dấu thời khắc cả dân tộc chuyển mình. Chính quyền về tay nhân dân. Non sông gấm vóc tưng bừng mở hội…

Trong tinh mơ phố cổ, tôi lại được nghe tiếng Bác Hồ ấm áp thiêng liêng vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Thưa Bác! Chúng con nghe rất rõ. Tiếng Bác năm xưa vọng về hôm nay. Từ dòng người như sóng cuộn đứng dưới bóng cờ nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập năm ấy, cho đến lớp lớp cháu con hôm nay, dù là ai, dù ở đâu, làm gì, trong mỗi trái tim vẫn luôn âm vang tiếng Bác.

Mỗi năm đến ngày Quốc khánh, chúng ta lại thấu hiểu sâu sắc thêm cái giá của tự do - độc lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, dân tộc ta đã giành tự do - độc lập từ tay thực dân, phong kiến. Đó là cuộc hành trình của thế kỷ. Theo tư tưởng của Bác soi đường, Đảng ta, toàn dân ta đã thực hiện cuộc trường chinh giữ chính quyền, xây dựng đất nước suốt 77 năm qua. Và cuộc trường chinh ấy tiếp tục bền vững, trường tồn theo năm tháng, dù đất nước đã, đang và sẽ phải đương đầu với muôn vàn thách thức, khó khăn. Lịch sử cũng đã chứng minh, càng trong khó khăn thử thách, chúng ta càng tỏ rõ bản lĩnh Việt Nam.

Mùa thu nay khác rồi! Cuộc khủng hoảng, khó khăn chồng chất do tác động của đại dịch Covid-19 đã đi qua. Việc lôi từ trong nội bộ Đảng ra những thành phần sâu mọt, lươn chạch để trừng trị nghiêm minh theo quốc pháp đã và đang làm yên lòng dân.

Lò đã cháy bùng lên rồi! Lòng dân đã hóa ngọn lửa thiêng! Củi tươi, củi ướt gì cũng phải cháy! Chúng ta nhất định thắng! Tham nhũng, tiêu cực, suy thoái nhất định sẽ bị đẩy lùi! Thắng trận này cũng là cách để tri ân xương máu cha anh đã đổ xuống mảnh đất này giành độc lập, tự do…

Tùy bút của PHAN TÙNG SƠN